Nếu so với 9 tháng của năm 2008 thì kinh tế Việt Nam trong 9 tháng của năm 2009 tăng 6,5% và dự kiến cả năm 2009 con số này sẽ tăng 7,2%.



Với những cố gắng của Chính phủ, nền kinh tế nước ta đã có nhiều chuyển biến đáng mừng, tuy nhiên vẫn lộ ra những điểm thiếu sót lớn mà nếu không có những giải pháp triệt để thì chắc chắn nguy cơ lạm phát và suy giảm kinh tế cùng những khó khăn mới sẽ xuất hiện... Theo báo cáo của Thủ tướng Chính phủ đọc trước kì họp thứ 6, Quốc hội khoá XII thì gói kích cầu vừa qua đã có năm tác dụng tích cực. Đó là ngăn chặn được suy giảm, đạt tốc độ tăng trưởng khá trong hoàn cảnh kinh tế các nước trong khu vực và toàn cầu có mức tăng trưởng kém, thậm chí âm (ở nước ta theo dự tính năm 2009 này chỉ số tăng trưởng đặt khoảng trên dưới 5 %- tức là bằng chỉ tiêu đặt ra của quốc hội).

Bảo đảm được những cân đối cơ bản kinh tế vĩ mô. Đảm bảo được an sinh xã hội. Ổn định được tình hình chính trị, xã hội và cải cách hành chính cùng bước tiến mới của công tác phòng chống tham nhũng.
Tính đến ngày 15/10 gói kích cầu này đã giải ngân đạt 410.000 tỉ đồng, hỗ trợ cho 1.110 dự án với tổng mức đầu tư lên đến 8.356 tỉ đồng. Cũng trên đà ngăn chặn suy thoái kinh tế cho 76.000 doanh nghiệp mới thành lập, giải quyết việc làm cho 1,5 triệu lao động. Nếu so với 9 tháng của năm 2008 thì kinh tế Việt Nam trong 9 tháng của năm 2009 tăng 6,5% và dự kiến cả năm 2009 con số này sẽ tăng 7,2%.

Một số chỉ tiêu khác để đánh giá sự hồi phục của nền kinh tế nước ta như bội chi ngân sách chỉ đạt 6,9 % GDP, số nợ chính phủ tăng vọt từ 36,5% trong năm 2008 lên 40% năm 2009, nhưng vẫn chưa vượt qua ranh giới cho phép và nhất là tỉ lệ nhập siêu trong năm 2009 chỉ còn 16,5 % thấp hơn hẳn so với tỉ lệ 28,8% của năm 2008 …
Bên cạnh những tác dụng tốt khẳng định được sau khi gói kích cầu của chính phủ tác động đến nền kinh tế thì cũng lộ ra những hạn chế của liệu pháp này. Năm 2009 là năm có tốc độ tăng trưởng thấp nhất trong mười năm trở lại đây và điều đáng lo ngại hơn là tăng trưởng theo chiều rộng, thiếu chắc chắn vẫn là phổ biến trong nền kinh tế Việt Nam. Chính vì căn bệnh này nên cơ cấu của nền kinh tế nước ta vẫn thiếu sự hoàn chỉnh, từ đó làm hạn chế nhiều sức cạnh tranh, đồng thời bội chi ngân sách vẫn tăng mạnh.
Thực trạng này đã làm cho chỉ số ICOR (hệ số sinh lời từ đồng vốn đầu tư) đã đạt kỉ lục vào năm 2008, nay lại tạo lập thêm kỉ lục mới với chỉ số 8. Tức là đầu tư 8 đồng thì mới được một đồng tăng trưởng.

Trong khi đó, vốn đầu tư nước ngoài vừa giảm so với các năm trước mà tỉ lệ đầu tư vào lĩnh vực bất động sản chiếm đến 60 %. Nếu tính cụ thể sự giải ngân của gói kích cầu thì trong hơn 330.000 doanh nghiệp của cả nước chỉ có chưa đầy 20% doanh nghiệp được vay vốn ưu đãi.

Vì vậy làm mất đi rất nhiều sự bình đẳng mang tính thị trường của khối doanh nghiệp, tạo ra những hệ luỵ không đáng có về sức cạnh tranh, sự chủ động trong sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Đó là chưa kể theo Tổng thanh tra chính phủ, trong gói kích cầu này đã có hàng ngàn tỉ đồng cho vay sai đối tượng hoặc trùng với không ít đối tượng đã được hưởng một số chính sách khác.

Hiện trạng đầu tư vốn không đúng chỗ và thiếu hiệu quả này đã là một trong những nguyên nhân tiềm ẩn cho lạm phát… Cũng cần tính đến sự chậm trễ trong việc cải tiến thủ tục hành chính, môi trường kinh doanh và đầu tư, thể chế kinh tế thị trường… đã vô hình chung làm mất đi hiệu quả của những giải pháp tích cực của chính phủ trong việc chống lạm phát.
Với những cố gắng của Chính phủ, nền kinh tế nước ta đã có nhiều chuyển biến đáng mừng, trong đó điều đáng nói nhất là bước đầu vượt qua được suy giảm kinh tế, tạo dựng được đà phát triển mới.

Nhưng ngay trong bước chuyển cơ bản đó, nền kinh tế nước ta trong quá trình phát triển vẫn lộ ra những điểm thiếu sót lớn nếu không có những giải pháp triệt để thì chắc chắn những nguy cơ lạm phát và suy giảm kinh tế cùng những khó khăn mới sẽ xuất hiện gây trở ngại cho sự tăng trưởng vững chắc trong giai đoạn tiếp theo.
Theo Nguyễn Hiếu