Cổ phiếu ngành đua nhau tạo ‘sóng’

Những diễn biến của TTCK thời gian gần đây cho thấy, cổ phiếu đã bắt đầu có sự phân hóa theo nhóm ngành và dòng tiền lưu chuyển xoay vòng từ nhóm ngành này sang nhóm ngành khác.

Trên sàn HOSE, nhóm cổ phiếu bất động sản, thủy sản và tài chính thay nhau tạo “sóng” và dẫn dắt thị trường. Bên phía sàn HNX là sự lên, xuống nhịp nhàng của nhóm cổ phiếu “họ” Sông Đà và Vinaconex.

Rõ nét nhất là nhóm cổ phiếu ngành bất động sản với những dự báo về sự “ấm” dần lên của lĩnh vực này sau một thời gian dài “đóng băng”.

Nhờ vậy, phần lớn nhóm cổ phiếu trong lĩnh vực này và xây dựng đều tăng giá vùn vụt kể từ đầu tháng 9 trở lại đây như TDH của Công ty CP Nhà Thủ Đức tăng 50%, NTL của Công ty CP Phát triển đô thị Từ Liêm tăng 50%, DIG của Tổng công ty CP đầu tư phát triển xây dựng tăng 40%, BCI của Công ty CP Đầu tư xây dựng Bình Chánh tăng gần 40%, SJS của Công ty CP Đầu tư đô thị và khu công nghiệp Sông Đà tăng 40%, HAG của Hoàng Anh Gia Lai tăng 30%...

Những thông tin về thị trường xuất khẩu đang có dấu hiệu hồi phục cũng góp phần kéo nhóm cổ phiếu thủy sản tăng không thua kém gì nhóm bất động sản. Điển hình là BAS của Công ty CP Basa “leo” một mạch từ 12.400 đồng lên gần 30.000 đồng một (tăng gần 150%), MPC của Công ty CP thủy sản Minh Phú tăng 40%, ABT của Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Bến Tre tăng hơn 30%.

Thông tin Tổng công ty Sông Đà sẽ chuyển sang hoạt động theo mô hình tập đoàn kinh tế khiến hàng chục công ty “con, cháu” của tổng công ty này tăng giá ầm ầm. Nhóm cổ phiếu Vinaconex từng bị nhà đầu tư “xả hàng” sau khi Chính phủ yêu cầu trả lại gần 900 tỷ đồng thặng dư vốn cũng quay đầu tăng giá nhờ thông tin về kết quả kinh doanh khả quan.

So với các nhóm cổ phiếu trên, nhóm tài chính ngân hàng chưa thể sánh bằng về mặt tạo “sóng” cho thị trường nhưng theo dự báo của các công ty chứng khoán, nhóm này giống như một chiếc lò xo bị nén lâu ngày đang chuẩn bị bật lên mạnh mẽ.

Việc nhà đầu tư ngoại đang thu gom cổ phiếu STB (Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín, KLS (Công ty CP Chứng khoán Kim Long), HPC (Công ty CP chứng khoán Hải Phòng) trong những phiên giao dịch cuối tuần qua chính là tín hiệu cho thấy nhóm cổ phiếu này chuẩn bị thăng hoa.

Thận trọng với cổ phiếu đã tăng “nóng”

Theo nhận định của các chuyên gia, sự phân hóa cổ phiếu theo nhóm ngành là một tín hiệu tích cực. Hiện tượng nhà đầu tư thu gom cổ phiếu ngành đã không ít lần “cứu” VN-Index thoát khỏi phiên giao dịch mất điểm.

Lý giải về nguyên nhân của hiện tượng chuyển “sóng” từ nhóm ngành này sang nhóm ngành khác, ông Trần Quang Vinh, chuyên viên môi giới chứng khoán niêm yết Công ty CP chứng khoán FPTS, cho rằng, thông tin về triển vọng các ngành nghề được công bố trong thời gian qua chính là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này.

Thể hiện rõ nhất là nhóm cổ phiếu bất động sản. Với sự phục hồi của chứng khoán, thị trường bất động sản đã có dấu hiệu “nóng” lên, đặc biệt ở phân khúc nhà dự án. Điều đó khiến cho các doanh nghiệp ngành bất động sản, đặc biệt là những đơn vị có nguồn thu lớn từ phát triển dự án đô thị mới như NTL, SJS, TDH được nhà đầu tư đặc biệt quan tâm.

Tuy nhiên, hệ quả của hiện tượng cổ phiếu tăng theo nhóm là mặt bằng giá cổ phiếu được đẩy lên quá cao. “Điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với các nhà đầu tư chạy theo phong trào đầu tư theo nhóm ngành. Một khi cổ phiếu không thật sự tốt những tăng quá đà thí ắt hẳn sẽ điều chỉnh về trạng thái cân bằng”, ông Vinh chia sẻ.

Theo phân tích của Công ty CP chứng khoán Rồng Việt, về cơ bản thì các cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng thu nhập từ hoạt động kinh doanh chính khả quan nên tiếp tục được mua và nắm giữ dài hạn. Tuy nhiên, nhà đầu tư phải hết sức thận trọng với cổ phiếu đã tăng “nóng” trong hai tháng gần đây, đặc biệt những cổ phiếu tăng trên cơ sở tin đồn.

Tỷ trọng tiền mặt trong danh mục nên được duy trì tỷ lệ nghịch với mức độ biến động của thị trường và được giải ngân trên cơ sở lựa chọn kỹ những cổ phiếu tốt, phù hợp với tiêu chí đầu tư, đặc biệt lưu ý đến nhóm cổ phiếu có tăng trưởng thu nhập ổn định thời gian qua, đồng thời sắp hoàn thành các dự án mở rộng quy mô và năng lực sản xuất hoặc những cổ phiếu có tình hình kinh doanh, tình hình tài chính và quản trị lành mạnh.

Những cổ phiếu này phải có chỉ số P/E dưới 10 lần đồng thời tỷ suất cổ tức trên thị giá từ 8% trở lên hoặc những cổ phiếu đã trải qua giai đoạn tích lũy dài trong hai tháng trở lại đây.

Nguồn: http://vfinance.vn/

Link gốc: http://vfinance.vn/m13/sm13/n15890/c...g%E2%80%99.htm