Mới chỉ vài doanh nghiệp công bố kết quả lợi nhuận quý 3 năm 2014 và vẫn đồn đoán vẫn đang liên tục được các nhà đầu tư đưa ra. Chứng khoán "ngóng" từng con số lợi nhuận của doanh nghiệp.

Phân nửa tháng 10 đã đi qua thì cũng là lúc nhà đầu tư bắt đầu đón nhận thông tin kết quả kinh doanh của doanh nghiệp niêm yết. Những câu trao đổi ngắn của chúng tôi với nhiều nhà đầu tư thì đa phần họ đều có chung nhận định: Kết quả kinh doanh quý 3 sẽ sáng sủa. Ít nhất là so với cùng kỳ và so với các quý trước đó!

Sáng đến mức nào thì còn tuỳ từng doanh nghiệp nhưng dù sao, với nhận định như vậy, thì các nhà đầu tư cũng đã phần nào đặt niềm tin vào tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Nhiều công ty chứng khoán có kết quả kinh doanh khả quan

Được trông chờ có kết quả kinh doanh khả quan nhất là các công ty chứng khoán. Thị trường quý 3 dù không sôi động bằng quý 2 nhưng đã tạo ra rất nhiều con sóng dập dềnh. Tình hình này khiến nhà đầu tư cho rằng công ty chứng khoán không những "ăn no" doanh thu môi giới mà còn "vớ bẫm" ở mảng tự doanh. Không những thế, mảng doanh thu khác (thường là thu từ hoạt động cho vay margin) tăng mạnh.

Qủa thực vậy, báo cáo của các công ty chứng khoán đầu tiên công bố báo cáo tài chính quý 3 cho thấy sự vượt trội trong doanh thu tự doanh, doanh thu môi giới và doanh thu khác.

Những công ty chưa công bố KQKD thì nhà đầu tư tiếp tục đồn đoán với những cơ sở danh mục cuối quý 2, thị phần môi giới hay đơn giản là dư tiền cuối quý 2 để xem dư địa cho vay trong quý 3 có nhiều hay không...

Hàng loạt doanh nghiệp được "đồn đoán" lãi đậm

Đáng chú ý là VOS của VOSCO. Doanh nghiệp vận tải biển này được đồn đoán có lợi nhuận cao trong quý 3 nhờ bán tàu. Và, không biết vì nguyên nhân gì, thông tin bán tàu Silver Star từ 17/9 mà "bỗng nhiên" được VOS công bố vào 10/10 vừa qua trên website công ty. Thực hư lãi lỗ từ việc bán tàu này ra sao thì vẫn chưa rõ.

Đồn đoán "chuyên nghiệp" hơn một chút là các nhà đầu tư sử dụng những thông tin có thể tác động lên kết quả kinh doanh của doanh nghiệp để tính toán cho những hành động của mình. Chẳng hạn như, trước việc đồng Euro và đồng Yên mất giá thì nhiều nhà đầu tư cá nhân, nhà đầu tư tổ chức nhận định là các doanh nghiệp có vay nợ đáng kể bằng 2 loại ngoại tệ này có lợi.

HT1 của Hà Tiên 1 được VCSC nhận định là được hưởng lợi nhiều nhất từ sự trượt giá đồng Euro. Bắt đầu quý 3 năm 2014, HT1 vẫn còn dư nợ 76 triệu Euro. Việc đồng Euro mất giá 8,8% so với tiền đồng (theo tính toán của VCSC) sẽ giúp HT1 có khoản lãi tài chính 170 tỷ đồng trong quý 3/2014.

Hay như cổ phiếu BCC của Xi măng Bỉm Sơn. Doanh nghiệp này được VCSC nhận định có lãi tài chính 131 tỷ đồng trong quý 3/2014 do có khoản nợ 56 triệu EURO dài hạn. Công ty chứng khoán này đánh giá tích cực với tình hình hoạt động, kinh doanh của BCC dù rằng tỷ lệ giá trị doanh nghiệp/tấn tương đối thấp so với trung bình của ngành xi măng nhưng đồng Euro giảm và nhu cầu xi măng tại Việt Nam tăng là các yếu tố sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận cho công ty.

Hay như PPC của Nhiệt điện Phả Lại lại chưa bao giờ hết nóng khi khoản vay yên Nhật của doanh nghiệp này lên đến 24 tỷ. Việc đồng yên giảm giá 7,7% kể từ cuối tháng 6 sẽ giúp công ty (theo ước tính của VCSC) có khoản lãi tài chính 360 tỷ đồng trong quý 3/2014. Chứng khoán VCSC cũng không quên nhận đinhh: Tuy PER và PB còn cao so với các công ty nhiệt điện khác trong khu vực nhưng VCSC cho rằng khoản lợi nhuận bất thường sẽ giúp giá cổ phiếu PPC tăng trong ngắn hạn.

Mới chỉ vài doanh nghiệp công bố kết quả lợi nhuận quý 3 năm 2014 và vẫn đồn đoán vẫn đang liên tục được các nhà đầu tư đưa ra. Thực-hư vẫn là ẩn số cho đến khi báo cáo tài chính được "bung" ra thị trường.