Hiện Công ty đang tập trung vào các lĩnh vực kinh doanh chính: (1) Lĩnh vực sản xuất: bột giặt, hóa chất,..; (2) Cung cấp dịch vụ: vận chuyển, cho thuê kho; (3) Lĩnh vực thương mại bán hóa chất,... Sản phẩm chủ lực của Công ty là Phốt pho vàng, bột giặt, chất tạo bọt LAS, axit phosphoric đã được xuất khẩu đi các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Ấn Độ.

DGC là một trong các doanh nghiệp có sản lượng phốt pho vàng lớn nhất cả nước và là doanh nghiệp duy nhất sản xuất phân lân phức hợp MAP, phân lân kép TSP tại Việt Nam.

Tiềm năng phát triển của ngành hóa chất vẫn khá lớn: Theo Đề án Tái cơ cấu ngành hóa chất Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp hóa chất đạt bình quân 14% - 16%. Nhu cầu nội địa cho các sản phẩm hóa chất đang rất cao, trong khi nguồn cung còn thấp, cho thấy dư địa phát triển của thị trường còn rất nhiều.

Rào cản gia nhập ngành hóa chất: Do đặc thù ngành hóa chất những vấn đề như: khó xin giấy phép SXKD từ Bộ Công thương, kiểm soát chất lượng sản phẩm gắt gao, quá trình đóng gói vận chuyển phức tạp,… khiến việc tham gia thị trường cực khó khăn.

2. Triển vọng của công ty
Dự án khai thác mỏ Apatit tại Lào Cai và nhà máy tuyển quặng: DGC đã chính thức được Bộ Tài nguyên & Môi trường phê duyệt việc khai thác nguồn tài nguyên này tại xã Quảng Kim và xã Bản Qua, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Diện tích khu vực thăm dò, phê duyệt trữ lượng là 92,3 ha, với trữ lượng quặng Apatit cấp là 3.776 nghìn tấn ở trạng thái tự nhiên, tương đường 3.216 tấn ở trạng tháy khô, trong đó Quặng loại I (P2O5 ≥32%) là 505 nghìn tấn ở trạng thái tự nhiên, tương đương với 444 nghìn tấn ở trạng thái khô, và quặng III (P2O5 ≥12%) là 3.271 nghìn tấn ở trạng thái tự nhiên, tương đương với 2.772 nghìn tấn ở trạng thái khô. Vị trí mỏ Apatit mới này có khoảng cách đến các nhà máy tuyển quặng như Đức Giang Lào Cai (DGL) hay Bảo Thắng (BTC) chỉ 40 km nên chi phí vận chuyển sẽ được tiết kiệm. Công ty chia sẻ sẽ không khai thác hết mà cân đối giữa nguồn khai thác và mua ngoài để đáp ứng kịp thời khi nguồn cung bên ngoài khan hiếm. Bên cạnh đó, khi đi vào khai thác, chi phí vốn của DGC sẽ giảm mạnh do giá thành Apatit khai thác này sẽ rẻ hơn so với mua ngoài. Chúng tôi hiện chưa có số liệu để so sánh mức chênh lệch giữa chi phí sản xuất của hai nguồn đầu vào này, tuy nhiên, ban lãnh đạo của DGC khẳng định rằng mức chi phí apatit khai thác sẽ rẻ hơn nhiều so với mua ngoài, cải thiện biên lợi nhuận. Dự kiến cuối năm 2016 công ty sẽ bắt tay vào khai thác mỏ Apatit mới này

Một điểm nổi bật cho triển vọng tương lại của DGC là kế hoạch sáp nhất toàn bộ các công ty con, công ty liên kết. Công ty dự kiến trong năm 2017, sẽ tiến hành sáp nhập hết các công ty con và liên kết và sẽ hoàn tất việc sáp nhập này trong năm. Đây chính là một bước đi mới trong chiến lược kinh doanh của DGC và sẽ mang lại KQKD khả quan trong tương lai.

Nhà máy hóa chất Bảo Thắng (BTC): DGC hiện đang sở hữu 37,02% vổ phần tại BTC. BTC có 2 dây chuyền sản xuất Axit phosphoric và phốt pho vàng, với công suất 20.000 tấn phốt pho vàng và 30.000 tấn axit phosphoric, trong đó dây chuyền sản xuất axit phosphoric đã đi vào hoạt động từ tháng 7/2016 và hiện đã chạy hết công suất, còn dây chuyền sản xuất phốt pho vàng dự kiến đi vào hoạt động vào đầu quý 4. Trong năm 2016, DGC ước tính mảng kinh doanh axit phosphoric sẽ mang về cho BTC 190 tỷ đồng doanh thu, còn mảng kinh doanh phốt pho vàng tạo ra 120 tỷ đồng doanh thu. Như vậy BTC sẽ mang về 310 tỷ đồng doanh thu trong năm 2016. Ban lãnh đạo công ty đặt kế hoạch cho năm 2017, doanh thu của BTC sẽ đạt 1.500 tỷ đồng và hơn 2.000 tỷ đồng vào năm 2018 khi nhà máy Bảo Thắng hoạt động hết công suất.

Di dời nhà máy bột giặt và hóa chất Đức Giang về KCN Phố Nối, Hưng Yên: Nhà máy cũ tại Long Biên hiện đã hết khấu hao, và công ty quyết định di dời nhà máy về khu công nghiệp Phố Nối, tỉnh Hưng Yên, tăng công suất từ 10.000 tấn lên 50.000 tấn/năm và chỉ tập trung vào các mặt hàng bột giặt và chất tẩy rửa. Công ty chia sẻ nhà máy mới này sẽ tạo ra những sản phẩm cạnh tranh với các thương hiệu lớn như LIX, NET. Ban lãnh đạo công ty đã xây dựng những chiến lược cụ thể cạnh tranh và hy vọng sẽ mang lại kết quả kinh doanh tốt.

Dự án nhà máy nhiệt điện 100 MW: nhà máy được xây dựng với tổng mức đầu tư 1.800 tỷ đồng, nguồn điện sẽ được sử dụng cho các nhà máy sản xuất khác của DGC, chủ yếu là Đức Giang Lào Cai và Bảo Thắng. Nhà máy sẽ sử dụng 70% nhiên liệu từ than và 30% là khí dư từ các nhà máy phốt pho của các công ty con, công ty liên kết, do đó sẽ giúp DGC tiết kiệm chi phí và bảo vệ môi trường. Đồng thời, chúng tôi nhận thấy rằng giá than hiện nay đang có chiều hướng giảm, do đó nếu xu hướng này vẫn tiếp diễn, thì nhà máy điện này sẽ được hưởng lợi. Công ty chia sẻ, nhà máy điện 100MW dự kiến sẽ đáp ứng 80% nhu cầu điện năng sản xuất phốt pho vàng (với chi phí điện năng chiếm 40% trong cơ cấu giá vốn), và sẽ tiết kiệm 350 đồng/KW. Như vậy, công ty sẽ tiết kiệm được 196 tỷ đồng chi phí mỗi năm. Nhà máy dự kiến đi vào xây dựng vào đầu năm 2016. Với tổng mức đầu tư 1.800 tỷ đồng, nguồn vốn xây dựng được huy động một phần từ nguồn vốn vay ODA, phần còn lại công ty sẽ phát hành thêm.

Dự án bất động sản tại Đức Giang: Tổng diện tích đất vào khoảng 4,7 ha với quy mô gần 2.000 căn hộ. Mục tiêu của công ty là xây dựng căn hộ ở phân khúc cấp trung, giá bán giao động trong khoảng 18- 20 triệu/m2 , bắt đầu xây dựng vào năm 2017 và doanh thu sẽ ghi nhận theo kiểu cuốn chiếu, xây dựng xong block nào thì bán dứt điểm block đó. DGC ước tính chi phí xây dựng dự án này khoảng 4.500 tỷ đồng từ năm 2017 đến 2021, trong đó, công ty dự kiến sẽ vay nợ khoảng 1.100 tỷ đồng, 550 tỷ đồng đến từ nguồn vốn chủ sở hữu và còn lại được huy động từ khách hàng.

DGL hiện được hưởng ưu đãi thuế đối với các sản phẩm phốt pho vàng và phân bón. Dây chuyền sản xuất phốt pho số 1, công suất 10.000 tấn, sau khi được miễn thuế 4 năm đầu, sau đó chịu mức thuế 5% trong 9 năm từ năm 2010 trở đi, và 10% từ 2023 đến 2025. Từ năm 2015 đến nay, mức thuế ưu đãi dành cho dây chuyền số 2 là 5%, nên thuế suất dành cho DGC giảm. Từ năm 2014 trở đi, các dây chuyền sản xuất DCP và phân bón cũng được miễn thuế trong 4 năm đầu tiên và sẽ được giảm 50% đối với mức thuế TNDN 22% trong 9 năm tiếp theo.

Cổ tức luôn duy trì ở mức cao: Trong các năm qua, công ty luôn duy trì mức chi trả cổ tức khá cao với tỷ lệ trên 30% và đặc biệt năm 2015 là 68,31%. Năm 2016, công ty đặt kế hoạch chi trả cổ tức 27,44%, Tuy nhiên trong năm nay, do DGC đầu tư vào nhiều dự án trọng điểm, do đó chúng tôi cho rằng khả năng, tỷ lệ cổ tức trong năm 2016 sẽ giảm so với các năm trước.

Rủi ro: tuy tiềm năng tăng trưởng vững mạnh như vậy, nhưng DGC cũng không thể tránh khỏi những rủi ro tiềm tàng. Đó là (1) rủi ro tỷ giá: do các mặt hàng của DGC đa phần đều xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài, đồng thời một phần nguyên vật liệu dùng để sản xuất được nhập khẩu, nên rủi ro tỷ giá là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên một điểm tích cực là hoạt động xuất khẩu cũng thanh toán bằng đồng USD, do đó DGC có thể hưởng lợi khi tiền đồng mất giá so với USD (2) rủi ro cạnh tranh về giá bán: hiện nay, đối thủ chính của DGC trên thị trường quốc tế chính là Trung Quốc, do đó, DGC luôn chịu áp lực cạnh tranh về giá đối với các sản phẩm của Trung Quốc cùng chất lượng.

Chúng tôi khuyến nghị mua DGC với giá mục tiêu trong ngắn hạn 56.000 Đồng/CP và cuối năm đặt 92.000 Đồng/CP. Vùng giá mùa từ 35-37 nắm giữ dài hạn từ 2-5 năm.