Cuộc chiến thị phần: Vietnam Airlines – VietJet Air

Trong khi ACV nắm giữ vị trí độc quyền ở lĩnh vực của mình thì Vietnam Airlines và VietJet Air lại phải cạnh tranh từng chút để có thêm thị phần.

Với 5 hãng hàng không trong nước, Air Mekong đã ngừng bay từ đầu năm 2013, còn Jestar Pacific Airlines và VASCO đều là công ty con do Vietnam Airlines sở hữu lần lượt 69% và 100% vốn. Như vậy, thị trường vận chuyển hàng không Việt Nam có thể xem là cuộc đối đầu giữa Vietnam Airlines và VietJet Air.

Tương tự các hãng hàng không full-service khác, Vietnam Airlines đang chịu áp lực lớn về thị phần giảm sút, nhất là thị trường nội địa khi tỷ lệ tăng trưởng trung bình của VietJet luôn ở mức 50% trong 3 năm gần đây.

Kể từ khi khai thác chuyến bay thương mại đầu tiên vào cuối năm 2011 và thị phần chỉ đạt vỏn vẹn 8% vào năm 2012, đến nay con số này tại VietJet Air đã tăng gấp hơn 5 lần trong khi thị phần của Vietnam Airlines giảm gần một nửa. Năm 2016, VietJet Air thâu tóm được tới 41% thị phần hàng không trong nước, so với 42% của Vietnam Airlines. Cú lội ngược dòng về thị phần vẫn chưa dừng lại khi VietJet còn triển khai kế hoạch mở rộng cả đường bay và đội bay giai đoạn sắp tới.
Thị phần của các hàng hàng không Việt Nam 2011 - 6T2016


Nguồn: ACCV

Đến hết năm 2016, Vietnam Airlines có mạng đường bay quốc tế gồm 55 đường bay đến 29 điểm thuộc 17 quốc gia và vùng lãnh thổ, mạng đường bay nội địa gồm 41 đường bay đến 21 điểm. Đội tàu bay của tổng công ty hiện đang có 88 tàu bay, trong đó có 42 máy bay thuê ngoài và 46 máy bay sở hữu. Theo kế hoạch, hãng sẽ tiếp nhận 10 chiếc máy bay A350 và 8 chiếc B787 trong giai đoạn 2016-2019, nâng tổng số lượng tàu bay dự kiến là 115 chiếc trong 2019. Tổng công ty cũng sẽ thuê thêm 20 chiếc máy bay A321 NEO trong giai đoạn 2016-2020, để tăng năng lực khai thác và thay thế dần các dòng máy bay đã khai thác lâu.

Còn VietJet, tính đến 31/12/2016 đang khai thác 37 đường bay nội địa, 23 đường bay quốc tế và nhiều tuyến bay thuê chuyến. VietJet dự kiến sẽ tăng số đường bay nội địa lên 45 vào năm 2019 và tăng số đường bay quốc tế lên 36 vào năm 2018. Đội máy bay của Công ty gồm 41 máy bay với độ tuổi trung bình là 3.03 tuổi, trong đó gồm 30 máy bay Airbus A320-200 và 11 máy bay Airbus A321-200.

Cuối năm 2016, VietJet đặt hàng thêm 77 tàu Airbus dòng A320/A321 với quyền chọn thuê thêm và 100 tàu 737MAX 200, được giao từ 2019-2023. Trước đó, tháng 9/2016, Công ty đã ký hợp đồng với Airbus mua thêm 20 máy bay, thời gian bàn giao dự kiến 2017-2020. Số lượng máy bay của VietJet dự kiến sẽ tăng từ 41 lên 78 vào năm 2019, và tăng lên khoảng 200 máy bay đến năm 2023 sau khi đơn hàng với Airbus và Boeing được hoàn tất, gấp đôi số lượng tàu bay hiện tại của Vietnam Airlines.

Số liệu của IATA cho thấy thị trường hàng không Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh thứ 3 thế giới với tỷ lệ trung bình 16.6%/năm trong giai đoạn 2001-2014. Trong báo cáo triển vọng năm 2016, IATA cũng dự báo Việt Nam sẽ là thị trường hàng không phát triển nhanh thứ 5 thế giới, đạt 150 triệu lượt hành khách vận chuyển vào năm 2035.

Nhân tố chính của sự tăng trưởng ấn tượng này là: (i) hạ tầng hàng không đã có sự cải thiện đáng kể, (ii) ngành du lịch trên đà tăng tốc mạnh mẽ, dẫn đến việc xây dựng hàng loạt khách sạn, khu nghỉ dưỡng và các cơ sở liên quan đến du lịch, giúp cho Việt Nam trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn và ngành hàng không phát triển nhanh chóng, và (iii) tốc độ đô thị hóa tăng cao.