Đón sóng ngân hàng đổ bộ UPCoM

Sau nhiều năm dài trễ hẹn, hàng loạt nhà băng đang bước vào cuộc chạy đua lên UPCoM trước áp lực đáp ứng quy định tại Thông tư 180/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính. Đồng thời, nhiều ngân hàng cũng “đánh tiếng” kế hoạch niêm yết trên các Sở giao dịch chứng khoán trong thời gian gần nhất.

* Hành trình chèo lái ngân hàng – đến và đi
Bên cạnh kết quả kinh doanh năm 2016 khởi sắc, bức tranh ngành ngân hàng đầu năm mới xuất hiện nhiều điểm sáng, điển hình như hai ông lớn Vietcombank và VietinBank công bố mua lại toàn bộ nợ xấu từ VAMC. Bên cạnh đó, thị trường cũng chứng kiến những làn sóng đầu tiên đổ bộ lên UPCoM, hứa hẹn một lượng lớn ngân hàng niêm yết trong năm nay.

Theo quy định tại Thông tư 180, tất cả các công ty đại chúng hình thành trước ngày 01/01/2016 mà không niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán sẽ phải thực hiện đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch UPCoM trong vòng 1 năm kể từ ngày 01/01/2016.
Hiện đang có 9 ngân hàng thương mại cổ phần niêm yết cổ phiếu gồm VCB, BID, CTG, STB, EIB, MBB, ACB, SHBNVB.

VIB là ngân hàng đầu tiên chào sàn UPCoM trong năm mới 2017. Theo đó, hơn 564.4 triệu cổ phiếu với mã chứng khoán VIB chính thức được đưa vào giao dịch với giá tham chiếu 17,000 đồng/cp kể từ ngày 09/01. Với mức giá này, vốn hóa của VIB đạt gần 9,600 tỷ đồng. Ban lãnh đạo cũng cho biết, theo kế hoạch được ĐHĐCĐ 2016 thông qua, VIB dự kiến niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán vào năm 2018.

Theo số liệu BCTC hợp nhất trước kiểm toán năm 2016, lợi nhuận trước thuế của VIB đạt 702 tỷ đồng, tăng 7% so với năm 2015 và vượt 4% kế hoạch cả năm; tỷ lệ nợ xấu dưới 3%. Tổng tài sản của Ngân hàng xấp xỉ 105,000 tỷ đồng; tổng dư nợ tín dụng ở mức 68,000 tỷ đồng, tăng trưởng 25%. Cổ tức được chi trả ở mức cao, trong đó năm 2014 là 23.5% và năm 2015 là 25%, bao gồm cả tiền mặt và cổ phiếu thưởng. Năm 2017, VIB đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận cao hơn 10% so với kế hoạch 2016.

Toàn bộ 887.8 triệu cổ phiếu TCB của Techcombank và 300 triệu cp KLB của Kienlongbank cũng đã được lưu ký trên VSD lần lượt kể từ ngày 13/12 và 29/12/2016. Trước đó, các cổ đông của hai ngân hàng này đều đã thông qua phương án đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch chứng khoán tập trung UPCoM hoặc HOSE/HNX. Việc được VSD cấp mã chứng khoán là bước đi đầu tiên để Techcombank và Kienlongbank chính thức gia nhập thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2017.

VPBank hiện cũng đang thực hiện các thủ tục đăng ký, lưu ký chứng khoán tại VSD sau khi gửi văn bản lấy ý kiến cổ đông và thông qua Nghị quyết chấp thuận việc đăng ký cổ phiếu VPBank tại VSD, đăng ký giao dịch trên UPCoM hoặc niêm yết trên HOSE/HNX kể từ ngày 27/12/2016.
Còn MaritimeBank (MSB) vừa có thông báo về việc chốt danh sách cổ đông để thực hiện đăng ký chứng khoán tập trung. Theo đó, tổng số lượng chứng khoán đăng ký là 1,175 triệu cổ phần, tương ứng tổng giá trị 11,750 tỷ đồng. Thời gian chốt danh sách cổ đông để thực hiện đăng ký lưu ký và thời gian thực hiện đăng ký lưu ký là ngày 20/01/2017. Sau thời điểm chốt danh sách cổ đông, MaritimeBank sẽ tiến hành hoàn tất các thủ tục cần thiết để cổ phiếu MSB đăng ký chứng khoán tập trung tại VSD, đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch UPCoM theo quy định.

Riêng OCB, ĐHĐCĐ gần đây của Ngân hàng này đã nhất trí thông qua tờ trình của HĐQT về việc không đăng ký giao dịch trên UPCoM, mà chuyển sang niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (HOSE); việc xin ý kiến cổ đông được OCB thực hiện bằng văn bản. Sự chuyển hướng này được lãnh đạo OCB lý giải do việc lên niêm yết trên HOSE sẽ giúp cổ phiếu có thanh khoản tốt hơn. Được biết, lợi nhuận trước thuế năm 2016 của Ngân hàng đạt 484 tỷ đồng, vượt 8% kế hoạch năm và tăng 81% so với cùng kỳ năm trước. Tổng tài sản tăng gần 30% lên 63,834 tỷ đồng. Huy động vốn đạt hơn 46,192 tỷ đồng, tăng 57%; tổng dư nợ tăng trưởng 35%, đạt 39,607 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu giảm từ 2.32% thời điểm đầu năm xuống 1.51%.
Vẫn còn… lỡ hẹn

Nhiều ngân hàng có kế hoạch niêm yết và được ĐHĐCĐ chấp thuận cách đây vài năm nhưng đến nay vẫn đang bỏ ngỏ. Thị trường không thuận lợi, cổ phiếu kém hấp dẫn với nhà đầu tư; cần chọn thời cơ và thời điểm để niêm yết là lý do quen thuộc mà lãnh đạo các ngân hàng trình bày tại mỗi kỳ ĐHĐCĐ thường niên.

Kế hoạch niêm yết đã được HDBank trình cổ đông trong nhiều năm, song vẫn chưa thực hiện được. Một phần do phải thực hiện kế hoạch sáp nhập với DaiABank và mua lại Công ty Tài chính SGVF trước đó, đi cùng với việc thực hiện tái cơ cấu ngân hàng hậu sáp nhập và kế hoạch tìm kiếm đối tác chiến lược nước ngoài. Một phần vì diễn biến thị trường chưa thuận lợi, chưa phù hợp để niêm yết theo như Ban lãnh đạo trình bày tại các kỳ Đại hội. “Niêm yết thì khi nào diễn biến thị trường tốt hơn, cơ hội đến HDBank nhất định sẽ thực hiện” - Chủ tịch HĐQT HDBank, bà Lê Thị Băng Tâm từng cho biết.

Còn DongABank đã lên kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên HOSE từ năm 2008. Tuy nhiên, khủng hoảng xảy ra, chứng khoán sụt giảm khiến DongABank phải hoãn kế hoạch niêm yết vô thời hạn.

ABBankVietABank cũng cho biết vẫn chưa có kế hoạch niêm yết dù mốc hẹn là năm 2016, các ngân hàng này sẽ xin ý kiến cổ đông và cơ quan chức năng đăng ký giao dịch trên UPCoM hoặc niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán tùy theo tình hình thực tế của ngân hàng và thị trường.

Với trường hợp của TPBank, tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2016, Chủ tịch Đỗ Minh Phú dự tính, đến hết năm 2016 vốn tự có của Ngân hàng vượt mốc 5,500 tỷ, vào thời điểm đó TPBank mới nghĩ đến việc phát hành. Ban lãnh đạo đang đặt mục tiêu niêm yết sau khoảng 3 năm (từ 2017 đến trước 2020) kể từ thời điểm ngân hàng bù đắp lỗ lũy kế, bù đắp thặng dư âm, tuy nhiên việc này vẫn cần sự cho phép của NHNN và nhiều điều kiện khác. Còn SCB, cũng bên lề ĐHĐCĐ thường niên năm 2016, Tổng Giám đốc Võ Tấn Hoàng Văn cho biết sau năm 2019 SCB mới lên niêm yết sau khi đã hoàn tất quá trình tái cấu trúc.

Sau gần 3 năm rời sàn vì hợp nhất, nhiều cổ đông PVcomBank chất vấn HĐQT về kế hoạch sớm niêm yết cổ phiếu trở lại. Lãnh đạo PVcombank giải thích, theo quy định thì tổ chức sáp nhập sẽ được xem xét niêm yết trong vòng 12 tháng, còn sau 2 năm phải căn cứ các chỉ số hoạt động tài chính, tổ chức mới được phép nộp hồ sơ niêm yết trở lại; khi đó, ngân hàng sẽ tổ chức ĐHĐCĐ thông qua việc niêm yết. Hiện tại, do PVcombank vẫn còn phụ thuộc đề án tái cơ cấu mà Chính phủ đang xem xét phê duyệt nên đây chưa phải là lúc thích hợp để niêm yết cổ phiếu. Trước đó, sau khi hoàn tất việc hợp nhất giữa Tổng công ty Tài chính cổ phần Dầu khí Việt Nam (PVFC) và Ngân hàng TMCP Phương Tây (WesternBank), PVcomBank chính thức thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 10/2013./.