“Lướt sóng” kiểu Nicolas Darvas

Ngày nay, những nhà đầu tư lướt sóng có thể hơn hẳn Darvas về mức độ táo bạo. Họ lướt sóng ngay trong ngày, hình thành trường phái "Day Trading". Nhưng từ những năm 1950, Darvas đã rất thành công với kiểu lướt sóng rất căn cơ, dựa vào các công cụ lệnh rất đa dạng của thị trường chứng khoán (TTCK) Mỹ.

Trường phái kỹ thuật

Darvas là một trong những người khai sinh ra trường phái phân tích kỹ thuật: "Không bao giờ có cổ phiếu tốt hoặc xấu, mà chỉ có cổ phiếu tăng giá hay giảm giá mà thôi".

Phát biểu này cho thấy Darvas chú ý đến các yếu tố kỹ thuật hơn là các yếu tố cơ bản của cổ phiếu. Tuy nhiên, trong các yếu tố kỹ thuật, ông chỉ quan tâm tới giá và khối lượng giao dịch. Trong một trả lời phỏng vấn hiếm hoi (và dường như là duy nhất) vào năm 1975, ông đã làm người ta ngạc nhiên khi cho rằng những mô hình kỹ thuật phức tạp, những sóng Elliot, những Fibonaci... chẳng có mấy giá trị. Ông cho rằng nhà đầu tư không cần bỏ công đi tìm những thứ gọi là "bí mật" cao siêu của thị trường, vì thực tế là chẳng có bí mật nào cả. Darvas quan niệm TTCK như một con người, mà hai trạng thái tình cảm luôn chi phối là lòng tham và nỗi sợ hãi. Bằng việc theo dõi giá và khối lượng giao dịch, có thể phát hiện ra những cơ hội đầu tư tuyệt vời.

Lý thuyết hộp

Darvas nhận thấy rằng, trong một khoảng thời gian nào đó, giá của một cổ phiếu biến thiên trong một biên độ nhất định. Cổ phiếu dao động giữa điểm giá cao nhất và điểm giá thấp nhất, tạo thành một "chiếc hộp". Sự kết hợp giữa giá và khối lượng giao dịch tăng thúc đẩy sự tăng giá cổ phiếu, cổ phiếu sẽ dao động trong một biên độ mới, hình thành một chiếc hộp mới. Nếu các hộp tạo thành một cạnh xiên như cạnh kim tự tháp, có nghĩa là cổ phiếu đang trong xu thế tăng giá và Darvas sẽ quan tâm đặc biệt. Tín hiệu mua vào xuất hiện khi giá tăng lên một mức mới, vượt đỉnh hộp, kết hợp với một khối lượng giao dịch tăng vọt.

Nguyên tắc đầu tư của Darvas có thể tóm tắt như sau:
- Không nghe những lời khuyên của người môi giới, tin đồn.
- Phát hiện những cổ phiếu có tiềm năng tăng giá mạnh.
- Theo dõi sát giá và khối lượng giao dịch, vẽ những "chiếc hộp".
- Mua vào khi có tín hiệu từ những "chiếc hộp".
- Tự bảo hiểm bằng lệnh bán "cắt lỗ" với mức giá ngay dưới giá mua. Như vậy, thực tế Darvas đã sử dụng trò chơi xác suất. Giả sử ông quyết định mua vào những thời điểm khác nhau 5 loại cổ phiếu A, B, C, D, E, sau đó giá các cổ phiếu A, B, C, D giảm và phải bán ra từ những lệnh cắt lỗ tự động. Riêng cổ phiếu E tiếp tục tăng giá, sẽ được giữ lại. Giá cổ phiếu E càng tăng thì Darvas càng tăng thêm số lượng mua vào, kèm theo đó là nâng dần giá "cắt lỗ" sát bên dưới giá mua mới. Cuối cùng, khi Darvas quyết định bán cổ phiếu E thì lợi nhuận vượt xa khoản lỗ của các cổ phiếu A, B, C, D, vì đã được bán "cắt lỗ" từ rất sớm. Trên thực tế lý thuyết hộp sẽ giúp Darvas mua được các cổ phiếu vào chu kỳ tăng giá và do đó tỉ lệ phải cắt lỗ sẽ không lớn đến mức 4/5 cổ phiếu như ví dụ vừa nêu. "Tôi chỉ hy vọng đúng được một nửa số lần", Darvas từng nói về các quyết định đầu tư của ông như thế.

Bằng phương pháp này, chỉ trong vòng 18 tháng, Darvas đã kiếm hơn 2 hiệu USD từ khoản đâu tư ban đầu 36.000 USD. Đó là vào thời điểm cuối những năm 1950, số tiền này ngày nay tương đương gần 20 triệu USD, đưa tên tuổi ông trở thành một trong những nhà đầu tư huyền thoại của Phố Wall.