Chúng ta ai cũng cần một thần tượng để noi theo. Các siêu anh hùng vốn là thần tượng của hàng trăm triệu người qua nhiều thế hệ. Vậy phải chăng các nhà đầu tư theo phân tích kỹ thuật cũng cần một siêu anh hùng để làm hình mẫu cho mình?

Tố chất cá nhân là thứ khó thay đổi

Các cá nhân sinh ra vốn đã có những tố chất mặc định được di truyền. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến gia đình, sự nghiệp và tương lai sau này của mỗi người.

Các kỹ năng bạn có thể học nhưng “giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời”. Các tố chất cá nhân gần như sẽ không thay đổi theo thời gian nên bạn sẽ phải học cách “thích nghi” với chúng. Theo các nhà tâm lý học, một người có bản tính nóng nảy thì chỉ có thể dùng các liệu pháp để giúp anh ta kềm chế cơn nóng giận chứ khó mà biến anh ta thành một người kín đáo, lạnh lùng kiểu “phớt tỉnh Ăng-lê” được.

Không chỉ riêng người thường hoặc các nhà đầu tư chứng khoán bị chi phối bởi yếu tố này mà ngay cả các siêu anh hùng cũng thế. Superman có thể sở hữu khả năng chiến đấu siêu hạng nhưng nhìn chung vẫn thuộc dạng “hữu dũng vô mưu”, “vai u thịt bắp” nên khi đụng phải những vấn đề mang tính phức tạp, tinh vi thì vẫn phải nhờ đến Batman. Ngược lại, bạn có bao giờ thấy Iron Man cởi bỏ bộ giáp thông minh của mình để đấu tay đôi với Hulk hoặc Thor chưa?

Các tố chất hoặc điều kiện cá nhân của mỗi nhà đầu tư không có cái nào hoàn toàn tốt hay hoàn toàn xấu. Chúng đều sẽ có ích trong một hoàn cảnh cụ thể nào đó. Bây giờ thì hãy xem bạn sở hữu những điều kiện và tố chất gì để có thể tìm kiếm một hình mẫu lý tưởng cho bản thân.

Batman – Nhà đầu tư nhỏ lẻ cần phải học hỏi

Bạn có bao giờ tự hỏi tại sao một người thường như Batman có thể tồn tại trong một thế giới đầy những siêu nhân, quái vật, ma quỷ, thần thánh… hay chưa? Không như các siêu anh hùng khác, Batman không có bất kỳ một siêu năng lực nào! Ta có thể tưởng tượng tình trạng của Batman trong vũ trụ DC Comics giống hệt như một nhà đầu tư nhỏ lẻ, tí hon trong một thị trường đầy những tay to, cá mập, đội lái… chỉ chực chờ ăn tươi nuốt sống nạn nhân.

Không những tồn tại được, anh ta còn luôn là “kép chính” trong bất cứ team siêu anh hùng nào mà mình tham gia. Hãy cùng phân tích vấn đề khá thú vị này nhé.

Tạo hình của Batman trong phim Batman Begins

Thứ nhất, Batman có kỹ năng chiến đấu được rèn luyện đến mức tối đa. Nếu là một trader trẻ và mới bước vào thị trường, bạn cần phải “biết thân biết phận”, phải siêng năng học hỏi, rèn luyện ngày đêm, thường xuyên tham gia các khóa học để mài dũa các kỹ năng phân tích, đầu tư. Sự siêng năng, khổ luyện cùng cực này sẽ phần nào thu ngắn được khoảng cách vốn đã quá chênh lệch giữ bạn và các cao thủ trong nghề.

Thứ hai, Batman luôn có nhiều loại vũ khí công nghệ cao trợ giúp. Công nghệ vốn là điều kỳ diệu. Cũng chính nhờ công nghệ mà Iron Man, cũng là một người thường khác, có thể “chơi tay đôi” hoặc thậm chí là đánh bại Hulk hoặc Captain America.

Bạn là nhà đầu tư nhỏ lẻ, ít tiền, ít quan hệ nên không thể tiếp cận được những tin hành lang, tin nội gián như các nhà đầu tư lớn? Không sao, bạn có thể khắc phục bằng phân tích kỹ thuật vì chả phải “tất cả các thông tin đều phản ảnh vào giá, bao gồm cả tin tức lẫn tin đồn” đó sao! Bạn không thể biết trước được kết quả kinh doanh của doanh nghiệp nhưng vẫn có thể dự phóng nó bằng các mô hình của phân tích cơ bản kia mà. Dù không thực sự chính xác 100% nhưng phần nào nó sẽ giúp bạn không quá thua thiệt trong cuộc chơi trên thị trường chứng khoán.

Vả lại, khi “cá mập” vào hàng hay ra hàng thì sẽ khó khăn hơn người thường vì dễ bị chú ý hơn. Nhỏ lẻ không hẳn là bất lợi nhé!

Thứ ba, khả năng lợi dụng ngoại cảnh, biết mình biết người là một thế mạnh. Hầu như trên phim chả mấy khi Batman muốn đưa mình vào hoàn cảnh “một mình chống mafia”. Anh rất lý trí và ít khi mạo hiểm đưa mình vào hoàn cảnh bất lợi để rồi thất bại. Khi cảm thấy nhiệm vụ vượt quá sức mình anh thường tận dụng thêm sự hỗ trợ từ đồng đội hoặc các thế lực bên ngoài.

Batman cũng hiếm khi kéo dài cuộc chiến đấu với đối thủ, đặc biệt là những đối thủ “trâu bò” hơn mình về mặt thể lực, vì anh ta thừa biết mình là người thường nên chẳng thể “cày bừa” suốt ngày suốt đêm như Deadpool hay Worlverine được. Anh ta thường chỉ rình mồi, chờ cơ hội thuận tiện để ra tay rồi rút lui nhanh chóng sau khi đạt được mục đích. Rõ ràng về điểm này thì Batman thuộc dạng “vô đối”. Nhà đầu tư cũng nên học hỏi kỹ năng này.

Một số nhà đầu tư nhỏ lẻ thường hay mua những cổ phiếu được khối ngoại mua nhiều và liên tục như VNM, REE… Bản thân người viết nghĩ đây cũng là một cách phòng ngừa rủi ro thông minh. Vì với số tiền ít, khả năng tiếp cận thông tin “mật” gần như bằng không… thì việc đi cùng hướng với những tay to như khối ngoại sẽ hạn chế khả năng thua lỗ.

Các cổ phiếu tăng nhanh, giảm nhanh kiểu như HHS, HAR … hoặc những cổ phiếu vốn được nhiều nhà đầu tư lớn ủng hộ như BVH, VIC, VNM (hình minh họa bên dưới) dự kiến sẽ được Batman khá yêu thích nếu anh ta có ý định chuyển nghề … đầu tư chứng khoán.

Thứ tư, hãy im lặng và quan sát. Hãy thử tưởng tượng xem nếu Batman lại có phong cách “ngáo đá”, đụng đâu chửi đó kiểu Deadpool thì anh có tồn tại nổi không? Dĩ nhiên là không vì Batman đâu có healing factor như tay lính đánh thuê kia.

Nếu là người mới, bạn cũng hãy học cách ít nói và quan sát. Vì rõ ràng điều đó sẽ giúp bạn nhanh chóng tiến bộ và dễ dàng nắm bắt cơ hội hơn. Việc nói quá nhiều và quá đề cao bản thân chỉ làm hại cho bạn thôi.

Batman rất đáng khâm phục. Hãy học Batman nếu bạn là nhà đầu tư nhỏ lẻ!

Superman – Hình mẫu của “tay to”

Luôn tràn đầy sức mạnh như một vị thần, có thể nói Superman là một trong những siêu anh hùng thuộc dạng “trâu” nhất của vũ trụ DC Comics. Khi gặp kẻ thù anh cũng chẳng phải tâm tư, suy nghĩ nhiều như Batman hay làm, cứ việc bay vào đập cho hắn tơi tả là xong!

Tạo hình của Superman trong phim Man of Steel

Nhìn chung Superman giống kiểu một trader nhà chẳng có gì ngoài … điều kiện: cứ mua cho đến khi nào cổ phiếu hết giảm nữa thì thôi! Nói theo cách nói của các cụ ngày xưa là “Buôn tài không bằng dài vốn”. Dĩ nhiên, để làm được điều này bạn cần phải sở hữu một dòng tiền vô cùng ổn định trong suốt nhiều năm.

Một số nhà đầu tư chứng khoán có sở hữu vài căn nhà cho thuê có thể là một ví dụ tốt. Nếu nhà đầu tư này bị “kẹp hàng” (thường gọi vui là kẹper), anh ta có thể dùng dòng tiền dư ra từ hoạt động cho thuê nhà của mình để bình quân giá xuống. Vì hoạt động cho thuê nhà được coi là khá ổn định nên dòng tiền này có thể duy trì liên tục trong 1-2 năm. Điều này sẽ giúp kéo giá vốn của nhà đầu tư này xuống mức thấp và chỉ cần một đợt tăng mạnh của cổ phiếu xuất hiện thì nhà đầu tư này sẽ lấy lại toàn bộ những gì đã mất.

Các đội lái cũng có thể coi là hiện thân của Superman trong … chứng khoán. Đối với các cổ phiếu thuộc dạng smallcap họ có thể “cân” toàn bộ thị trường thì đã nắm rõ được cung cầu. Họ cũng có thể kêu gọi thêm vốn vay từ các nguồn như ngân hàng, công ty chứng khoán… trong trường hợp không có đủ tiền trang trải cho một vụ đầu tư lớn, y như kiểu Superman chiến đấu kiệt sức hoặc bị thương thì lại bay đến gần mặt trời lấy năng lượng để “chiến” tiếp.

Cổ phiếu dạng như OGC, NVT, SHN… có thể sẽ là món ưa thích của những “nhà đầu tư Superman” vì họ hoàn toàn có thể chịu đựng được những giai đoạn sụt giảm mạnh (thrust down) của những cổ phiếu này và đủ tiền để bình quân giá xuống liên tục cho đến khi đợt tăng trưởng mới xuất hiện.

Ví dụ dưới đây của OGC sẽ cho thấy giai đoạn thrust down khủng khiếp như thế nào và nó cũng cho thấy những cổ phiếu dạng này không dành cho “tay mơ”. Trong trường hợp của OGC phải có đến vài đợt giảm mạnh mới xuất hiện một đợt tăng mạnh nên các nhà đầu tư nhỏ, ít kinh nghiệm sẽ rất khó để tìm kiếm lợi nhuận.

Kết luận

Nếu chứng khoán là một môn thể thao thì chắc chắn nó sẽ là một môn thể thao rất cá nhân. Các kết quả của đầu tư chứng khoán cũng mang tính cá nhân rất cao: lợi nhuận 20%/năm có thể là rất lớn đối với người này nhưng lại quá kém đối với người khác.

Vì vậy, trước khi bắt đầu đầu tư hãy tự vấn bản thân xem bạn có những điểm mạnh, điểm yếu gì và bạn thực sự muốn gì khi đầu tư chứng khoán. Khi đó bạn sẽ có đối sách và một chiến thuật phù hợp nhất cho bản thân.