Trao đổi với báo chí, ông Trần Phương, Đại diện công bố thông tin của FECON cho biết, công ty dự kiến sẽ tiến hành tăng vốn điều lệ thông qua hình thức phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo phương thức thực hiện quyền mua; phát hành riêng lẻ cho cổ đông chiến lược; phát hành cổ phiếu ESOP.
Mục đích của việc tăng vốn điều lệ lần này, theo ông Phương là để huy động nguồn vốn tài trợ cho sự tăng trưởng của các mảng kinh doanh hạ tầng, bao gồm hạ tầng giao thông và hạ tầng năng lượng, cũng như các dự án Công trình ngầm (giao thông ngầm đô thi) theo chiến lược đã đề ra trong giai đoạn 2017-2020.
Thời gian vừa qua, FECON liên tục là một cái tên đáng chú ý trên thị trường xây dựng cũng như trên sàn chứng khoán khi liên tiếp ghi nhận những thông tin về mảng kinh doanh công trình ngầm, cũng như khẳng định những bước đi chiến lược trong mảng hạ tầng.
Đầu tiên phải kể đến thương vụ đình đám khi ký Thỏa thuận Hợp tác Chiến lược trong lĩnh vực đầu tư, phát triển các dự án hạ tầng giao thông tại Việt Nam với đối tác “khủng” Nexco – Jexway Nhật Bản. Theo đó, hai bên thiết lập quan hệ đối tác để cùng tìm kiếm, triển khai các cơ hội đầu tư hạ tầng giao thông tại Việt Nam. Trong giai đoạn đầu của hợp tác, NEXCO và JEXWAY sẽ mua lại 20% cổ phần của FECON tại Dự án BOT tuyến tránh thành phố Phủ Lý mà công ty này đã tham gia đầu tư, thi công và đưa vào vận hành khai thác từ cuối năm 2016, tiếp theo hai bên sẽ cùng nhau bắt tay ngay vào công việc nghiên cứu đầu tư hai dự án đường bộ thu phí mới trong năm 2017 và đầu năm 2018.
Ngay sau đó, ngày 3/7, công ty này tiếp tục ký hợp tác thỏa thuận chiến lược với “ông lớn” trong lĩnh vực Năng lượng – Acwa Power để trở thành đối tác địa phương trong việc nghiên cứu, đầu tư vào các dự án hạ tầng năng lượng mặt trời tại Việt Nam, dự án đầu tiên tại tỉnh Bình Thuận, sẽ được quyết định đầu tư ngay trong những tháng tới để kịp hoàn thành dự án vào đầu 2019.
Một thông tin nữa, cũng khiến cho cái tên FECON nổi bật trên thị trường, là việc trở thành nhà thầu Việt Nam đầu tiên tham gia vận hành Robot đào hầm TBM tại dự án đường sắt đô thị TP. Hồ Chí Minh tuyến số 1 đoạn Bến Thành-Suối Tiên dưới sự hướng dẫn và chuyển giao công nghệ của các chuyên gia Nhật Bản. Ngay sau gói thầu này, FECON đã được nhà thầu Hyundai-Ghella tại dự án Metroline 3 – Hà Nội đưa vào “short list” để thực hiện các hạng mục công trình tại dự án đường sắt đô thị số 3 Hà Nội, đoạn đi ngầm Thủ Lệ - Cát Linh. Cụ thể, FECON đã trúng gói thầu đầu tiên - thi công cọc cừ cho các Nhà Ga và Dốc xuống từ Kim Mã - Cát Linh - Quốc Tử Giám - Trần Hưng Đạo trị giá 42 tỷ đồng. Dự kiến, những gói thầu tiếp theo đến từ dự án Metroline 3 Hà Nội sẽ tiếp tục có kết quả trong vài tháng tới, mục tiêu của FECON tham gia để mang về doanh số khoảng 1000 tỷ từ dự án này.
Đặt mục tiêu trở thành doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực Hạ tầng vào năm 2020, những năm qua FECON đã liên tục đầu tư mạnh mẽ cả nguồn nhân lực lẫn máy móc để có đủ khả năng cạnh tranh tại các dự án ngầm và hạ tầng tại Việt Nam. Năm 2016, công ty này đã mạnh tay chi hơn 130 tỷ đồng để đầu tư những thiết bị thi công tân tiến nhất như: Dàn máy thi công khoan cọc nhồi (SANY, SCX...), Thi công tường vây (LIEBHERR, BM, LS218…) và các thiết bị cẩu phục vụ kèm theo để sẵn sàng cho thi công các hạng mục của dự án metro line số 3.
Nhìn lại những bước đi của FECON, có thể hiểu được phần nào kế hoạch của việc tăng vốn lần này. Để sự mở rộng hoạt động kinh doanh theo mục tiêu dài hạn của công ty, việc tăng vốn là việc tất yếu phải làm. Trong đó, trước mắt, FECON cần vốn để đầu tư tăng năng lực thiết bị mảng khoan ngầm (TBM) tại các dự án Metroline sẽ bắt đầu triển khai cuối năm 2017; hiện thực hóa cơ hội đầu tư dự án năng lượng tái tạo theo biên bản ghi nhớ đã ký với Acwa Power; đầu tư các dự án đường bộ thu phí, một số đoạn trên đường cao tốc Bắc Nam có trị giá hàng tỷ USD trong giai đoạn 2018-2020.