Đ
HỒ MAI
13, Tháng 06, 2017 | 15:35
Nhàđầutư Ông Dương Công Minh vẫn được xem là một ẩn số của thị trường tài chính và bất động sản Việt kể cả khi tên tuổi của vị đại gia kín tiếng này gắn liền với nhiều thương vụ lớn.
Sân gôn Tân Sơn Nhất: bí ẩn như 'chủ soái' Dương Công Minh

Ông Dương Công Minh, cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) đồng thời là Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Him Lam, từ lâu được biết đến với biệt danh “Minh Him Lam” nhưng trước đó từng có biệt danh “Minh Xoài”. Cái tên này bắt nguồn từ việc ông Minh kinh doanh xoài xuất khẩu sang Trung Quốc trong những năm đầu thập niên 1990.

Trong một phi vụ thua lỗ, ông Minh đã phải bán nhà để trả nợ. Tuy nhiên, chính trong lúc lo thủ tục giấy tờ bán nhà ông Minh đã nhận thấy những cơ hội làm giàu từ bất động sản. Những ý tưởng lúc đó về sau đã hình thành nên Công ty Cổ phần Him Lam - Him Lam Group, một trong những tập đoàn phát triển bất động sản lớn nhất Việt Nam cho đến hiện nay.

duong cong minh
Ông Dương Công Minh - Chủ tịch HĐQT Him Lam Group
Ông Dương Công Minh mới đây đã có đơn xin từ nhiệm chức danh Chủ tịch, Thành viên HĐQT LienVietPostBank. Hiện tại, ông Dương Công Minh vẫn đảm nhiệm vai trò Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Him Lam, tập đoàn này đồng thời là cổ đông lớn nhất tại LienVietPostBank với 14,98% cổ phần nắm giữ. Cá nhân ông Dương Công Minh không nắm giữ cổ phần tại LienVietPostBank nhưng vợ ông, bà Lê Thị Vân Thảo, cùng em gái Dương Thị Liêm sở hữu gần 5% cổ phần.

Him Lam của ông Minh là một "ông lớn" trong lĩnh vực địa ốc, với hơn 30 đơn vị thành viên và công ty liên kết hoạt động trên nhiều lĩnh vực tập trung ở Hà Nội, TP.HCM và một số địa phương khác.

Trong lần hiếm hoi xuất hiện trước ông chúng, ông Dương Công Minh đã từng tuyên bố: “Him Lam không phải là công ty gia đình trị mà là độc trị. Chỉ mình Dương Công Minh là người quyết định thôi”.

Him Lam có vốn 6,5 ngàn tỷ đồng (trong đó ông Minh sở hữu 99%) đầu tư và xây dựng ngót nghét 100 dự án nhà ở, khu đô thị, khu du lịch với một số dự án lớn như: Him Lam Tân Hưng (quận 7, TP.HCM), Him Lam Riverside, Him Lam Chợ Lớn, Him Lam Phú Đông, sân gôn Long Biên, sân gôn Tân Sơn Nhất, dự án BT nút giao thông Long Biên, khai thác quỹ đất 20ha ở Dương Xá (Gia Lâm) và 320ha đất tại các phường Long Biên và Cực Khôi thuộc quận Long Biên, và 135ha đất bãi sông Hồng.

Nhiều dự án bất động sản khác mà tập đoàn Him Lam cũng đã và có kế hoạch triển khai đầu tư tại Hà Nội. Trong đó phải kể tới trung tâm tài chính Him Lam trên phố Tôn Đản, Hoàn Kiếm, Hà Nội có diện tích 3.500m2, tuy nhiên, dự án này đã được Him Lam chuyển nhượng lại cho ThaiGroup.

Một trong những dự án gây tranh cãi trong thời gian gần đây là dự án sân gôn Tân Sơn Nhất do Công ty Cổ phần Đầu tư Long Biên - thành viên của Công ty Cổ phần Him Lam làm chủ đầu tư.

tan son nhat
Dự án sân gôn Tân Sơn Nhất do Công ty Cổ phần Đầu tư Long Biên - thành viên của Công ty Cổ phần Him Lam làm chủ đầu tư
Công ty Cổ phần đầu tư Long Biên được thành lập năm 2006 bởi các cổ đông bao gồm: Công ty Trường An (Bộ Quốc Phòng), Công ty Cổ phần Him Lam, Tổng Công ty Cổ phần Thương mại Xây dựng, Công ty Cổ phần Đầu tư Thành Lam.

Câu chuyện sân bay Tân Sơn Nhất quá tải cả dưới đất và trên trời đã từ lâu và nay lại càng “nóng” lên khi thời gian qua, nghị trường Quốc hội và dư luận nói nhiều về câu chuyện sân gôn ôm trọn 157ha đất nằm ngay trong sân bay này.

Chiều 12/6, Thủ tướng, các Phó thủ tướng đã họp với các bộ ngành liên quan, đi đến quyết định thuê tư vấn nước ngoài nghiên cứu mở thêm một đường băng nữa, để tăng công suất khai thác sân bay Tân Sơn Nhất. Đồng thời, Thủ tướng cũng giao Bộ trưởng Quốc phòng chỉ đạo dừng tất cả các công trình liên quan hạ tầng phụ trợ trong sân gôn Tân Sơn Nhất, như trường đào tạo năng khiếu gôn, khu biệt thự, chung cư cao cấp cho thuê… để chờ các cơ quan tư vấn và các nhà khoa học xem xét trước khi quyết định.

Điều đáng nói là, trong lịch sử hình thành sân gôn Tân Sơn Nhất, dự án này bí ẩn chính ông chủ của nó. Dự án được nghiên cứu từ năm 2006, phê duyệt năm 2007, nhưng tới năm 2011 mới được công bố.

Đến nay, rất nhiều hạng mục công trình phụ trợ được xây dựng bên trong sân gôn Tân Sơn Nhất như nhà hàng, khách sạn, khu tiệc cưới, biệt thự,... nhưng hầu như không có thông tin cụ thể nào lọt ra ngoài. Hiện muốn vào sân gôn này không phải chuyện đơn giản.

Ứng viên số 1 ghế nóng Chủ tịch Sacombank

Không chỉ sân gôn Tân Sơn Nhất mà Ngân hàng Sacombank cũng là một trong những tâm điểm của thị trường trong thời gian gần đây. Viêc ông Dương Công Minh rút khỏi LienVietPostBank và được giới thiệu vào danh sách ứng viên HĐQT Sacombank, thay ông Nguyễn Đức Hưởng vừa rút là một trong những động thái khiến thị trường tài chính 'sôi sục'.

Với những gương mặt hiện tại, ông Dương Công Minh được đánh giá là ứng cử viên số một cho chiếc ghế nóng Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Sacombank nhờ vào kinh nghiệm làm trong lĩnh vực ngân hàng (Chủ tịch LietVietPostBank) và là ông trùm trong lĩnh vực bất động sản cả hai miền Nam - Bắc.

Trong một diễn biến đáng chú ý, ngày 23/5 vừa qua, LienVietPostBank đã thông qua khoản đầu tư trị giá 500 tỷ đồng, mua trái phiếu của Công ty Cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (Sacomreal) với lãi suất khá thấp.

duong cong minh 112
Ông Dương Công Minh (giữa), ông Đặng Văn Thành (trái) và ông Nguyễn Đức Hưởng (phải) là ba nhân vật đang được chú ý trên thị trường tài chính, ngân hàng
Sacomreal hiện vẫn được coi là thành viên của Tập đoàn Thành Thành Công, nơi ông Đặng Văn Thành làm Chủ tịch. Tính đến hết ngày 31/12/2016, ông Đặng Hồng Anh – con trai ông Đặng Văn Thành là cổ đông lớn nhất của Sacomreal với tỷ lệ sở hữu 10,95%. Công ty Cổ phần Đầu tư Thành Thành Công hiện cũng đang sở hữu 4,91% cổ phần của Sacomreal.

Đây là bước hợp tác có quy mô lớn đầu tiên giữa 2 đơn vị này. Và có thể là cầu nối giữa 2 ông trùm trong lĩnh vực bất động sản và ngân hàng: gia đình ông Đặng Văn Thành và Dương Công Minh.

Cái bắt tay giữa 2 đại gia Dương Công Minh và gia đình Đặng Văn Thành dù mới chỉ thông qua Sacomreal nhưng đã mang lại hy vọng thúc đẩy quá trình tái cấu trúc Sacombank nhanh và thành công hơn. Trong đó, điểm cốt yếu chính là việc xử lý nợ xấu của Sacombank với khối tài sản đảm bảo là bất động sản rất lớn. Mà bất động sản chính là lợi thế của ông Dương Công Minh và cũng là lĩnh vực chính mà Sacomreal hoạt động.