SHB vẫn tăng!
Nợ xấu:
"“Phẫu thuật” nợ xấu
Quí 4 năm ngoái khi Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) đi vào hoạt động và những khoản nợ đầu tiên được mua, người ta đã hy vọng nhìn thấy “ánh sáng cuối đường hầm” để “phẫu thuật” nợ xấu. Nhiều người cho rằng một cơ chế xử lý nợ đã ra đời, giống như ở các nước trong các cuộc khủng hoảng trước đây, và cơ chế này sẽ mang lại hiệu quả.
* VAMC ‘hụt hơi’ xử lý nợ xấu: Người trong cuộc nói gì?
* Xử lý nợ xấu: VAMC thiếu quyền đặc biệt

VAMC công bố đến cuối tháng 8-2014 đã mua được tổng cộng 59.000 tỉ đồng nợ xấu.
Cơ chế hoạt động của một tổ chức như VAMC ở các quốc gia khác thực chất là Nhà nước bỏ tiền ra mua nợ, ôm khoản nợ đó một thời gian, sau đó khi kinh tế phục hồi, thị trường tài chính, bất động sản ấm lên, Nhà nước bán ra, thu tiền về. Những ngân hàng bán nợ “sống lại” là nhờ bán dứt điểm được khoản nợ, có tiền tươi thóc thật để kinh doanh, hồi sinh.
Nhưng VAMC không như vậy. VAMC mua nợ bằng giấy. Giấy đó là trái phiếu đặc biệt, được mang lên giao dịch với Ngân hàng Nhà nước để vay tiền. Bán nợ, cầm giấy, ngân hàng vẫn phải tiếp tục đòi nợ và thêm một công đoạn mới là mỗi năm trích dự phòng rủi ro 20% tổng giá trị tờ giấy cầm ấy.
Hoá ra VAMC, đúng như Ngân hàng Nhà nước (NHNN) định nghĩa ngay từ đầu, “không phải đôi đũa thần” vì nó không có tiền. Đã thế cơ chế của nó cũng không đổi mới. Trong cuộc họp báo thường kỳ cuối tháng 8 vừa qua, đại diện VAMC nhấn mạnh công ty đang gặp khó khăn trong việc phát mãi tài sản đảm bảo thông qua đấu giá. VAMC đã tổ chức ba lần đấu giá nhưng đều thất bại.
Chuyện đấu giá thất bại của VAMC là hiển nhiên. Nếu VAMC đấu giá được thì mới đáng ngạc nhiên! Từ hồi nào đến giờ, các ngân hàng bán tài sản đảm bảo qua đấu giá để thu hồi nợ mà có được mấy đâu. Có ngân hàng nay đã chán đấu giá đến tận cổ. Họ mà bán được tài sản đảm bảo, thì hà cớ gì cần đến VAMC nữa?
Bán đấu giá bây giờ trăm người bán, một người mua. Bán không được mới nhờ cậy đến VAMC. VAMC đấu giá theo cách thông thường, sao bán được? Cái tên VAMC không làm cho người mua nhiều hơn, không làm cho giá bán linh hoạt hơn, cũng không làm cho thị trường nợ chuyển động...thất bại là ở đó!
Chung quy lại bản chất câu chuyện là ở sự mất giá của tài sản đảm bảo so với giá trị khoản vay. Khoản vay không bao giờ mấy giá, nó chỉ có giá thêm nhờ lãi mẹ đẻ lãi con, trong khi giá trị tài sản thế chấp đang giảm, nhất là bất động sản. Tất cả mọi đối tượng đều đang chờ thị trường bất động sản tăng lại, thì có vẻ như còn lâu nó mới tăng. Về mặt tâm lý, đáy của thị trường tài sản thường diễn ra ở thời điểm mà người ta không còn nhòm ngó đến nó nữa. Nó lên cũng vậy, nó xuống cũng thế. Sự buông tay, sự chán nản cùng cực xuất hiện, đáy mới đến.
VAMC công bố đến cuối tháng 8-2014 đã mua được tổng cộng 59.000 tỉ đồng nợ xấu. Con số này có thể thấp hơn số nợ xấu phát sinh từ tháng 10-2013 đến nay. VAMC ôm nợ, mà “ôm chùa”, thì làm sao nợ giảm được?
Cái cần hiện nay là cho VAMC một cơ chế thật và một chút tiền mồi, khoảng 3.000 – 5.000 tỉ đồng để giải phẫu nợ. Cơ chế ấy là cho phép VAMC bán đấu giá tài sản theo giá thị trường, bán đến khi có người mua. Thí dụ giá trị khoản vay là 100 tỉ đồng, giá trị tài sản thế chấp khi vay là 150 tỉ đồng. Nay tài sản ấy có thể chỉ còn giá trị tương đương 50 tỉ đồng. Có bán không? Hay đợi đến khi nó được 100 tỉ đồng, bằng giá trị gốc khoản vay mới bán? Vướng mắc này cần được tháo gỡ.
Còn cứ với cách thức tiến hành hiện tại, sẽ chẳng có ngân hàng nào giải thể, phá sản vì nợ, nhưng sẽ nợ đến “chết”.
Hải Lý"