(tiếp theo của kỳ 1)
II. Định nghĩa thật sự về rủi ro của cổ phiếu
Sau phần lập luận trên, chúng ta thấy được rủi ro thực sự không phải là sự biến động, cũng không thể lượng hóa được thành một con số hay một phép tính đơn giản, và chúng ta phải hạn chế rủi ro hết mức có thể nếu muốn có được lợi nhuận trên thị trường chứng khoán trong dài hạn.
Như vậy, định nghĩa chính xác về rủi ro cổ phiếu là gì? Trong quyển The Intelligent Investor, 1949 của Benjamin Graham, ông đã chỉ ra rằng có ba thứ rủi ro thực sự cho nhà đầu tư cá nhân: (1) việc trả giá quá cao cho một cổ phiếu nóng (2) suy thoái tình hình kinh doanh nội tại (3) rủi ro tâm lý khi bị buộc phải bán cổ phiếu ở mức giá thấp hơn giá trị thực. Tuy nhiên, chúng tôi muốn bổ sung thêm vào định nghĩa của Graham để phân loại rủi ro đầy đủ thành các loại sau đây:
Rủi ro kinh doanh nội tại (inherent business risks)
Lí do chúng tôi đưa loại rủi ro này lên đầu tiên bởi vì chúng đặc biệt ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng sinh lời/thua lỗ dài hạn của một cổ phiếu. Rủi ro kinh doanh nội tại bao gồm:
+ Rủi ro sụt giảm vị thế kinh doanh: tình hình cạnh tranh gay gắt trong ngành, dẫn đến sụt giảm doanh thu, biên lợi nhuận và thị phần sản phẩm; chẳng hạn như trường hợp của các công ty yếu kém ngành chứng khoán, ngân hàng, thương mại điện tử, bán lẻ, tiêu dùng, … trong thời gian qua
+ Rủi ro mất mát nguồn thu: chấm dứt/hủy bỏ một phần hợp đồng với các đối tác B2B lớn, dẫn đến sụt giảm mạnh về doanh thu và lợi nhuận – một số trường hợp của công ty logistics như NCT, SFI, … – hoặc vấp phải scandal gây mất niềm tin với người tiêu dùng như Hanoimilk, Tân Hiệp Phát trước đây
+ Rủi ro tài chính: đòn bẩy tài chính tăng mạnh – chẳng hạn như >150% vốn chủ sở hữu – cộng với dòng tiền thu hẹp dần sẽ làm doanh nghiệp lâm vào tình trạng khủng hoảng như ngành tàu biển, nông nghiệp, thủy hải sản thời gian qua
+ Rủi ro chiến lược: doanh nghiệp bắt đầu dùng tiền đầu tư trái ngành nghề cốt lõi, đi vào M&A những công ty xấu trong những lĩnh vực không phải thế mạnh – chẳng hạn như trường hợp của các doanh nghiệp Nhà nước đầu tư trái ngành trong thập niên vừa qua hay một số các tập đoàn như HAG, DLG, FIT, VIC, …
+ Rủi ro đạo đức của ban lãnh đạo: cho dù nhà đầu tư có theo dõi sát sao đến cách mấy, hay thậm chí quyền lực như các nhà đầu tư chiến lược, vẫn khó có thể xoay chuyển được các tình huống lừa đảo – lợi dụng quyền lực điều hành để báo cáo sai, tuồn tiền ra các công ty “sân sau”, chẳng hạn như TTF, JVC, OGC hay thậm chí có cả một số công ty đang trên sàn hiện tại mà chúng tôi không tiện kể tên (!)
Rủi ro thị trường & vĩ mô (market & economic risks)
+ Rủi ro xu hướng ngành tiêu cực: những xu hướng ngành tiêu cực như tình trạng sản xuất dư thừa – giá hàng hóa thế giới giảm, sản phẩm lỗi thời (chẳng hạn như báo giấy, cáp đồng hay taxi truyền thống) hoặc sự dịch chuyển sang những ngành có lợi hơn (chẳng hạn như từ dầu khí sang năng lượng tái tạo) sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các doanh nghiệp hàng hóa thô sơ – đặc biệt là nhóm vay nợ nhiều và nặng về tài sản cố định.
+ Rủi ro thị trường bong bóng: việc mua cổ phiếu vào thị trường bong bóng (bubble market) cho dù đó là cổ phiếu tốt
dưới giá trị thực – cũng sẽ khá nguy hiểm đối với nhũng nhà đầu tư không kiên nhẫn hoặc vay nợ – như tình trạng vỡ nợ của quỹ đầu tư Graham – Newman năm 1929 – 1933 khi ông mua những “cổ phiếu giá hời” với nợ vay trong giai đoạn bong bóng.
+ Rủi ro kinh tế vĩ mô: những chỉ tiêu kinh tế vĩ mô xấu đi như lãi suất tăng, lạm phát tăng, tỷ lệ thất nghiệp và tỷ giá có thể ảnh hưởng trực tiếp/gián tiếp đến một số ngành, trong đó ví dụ như nhóm bất động sản, ngân hàng, chứng khoán sẽ chịu tác động trực tiếp bởi môi trường lãi suất.
Rủi ro từ chính tâm lý nhà đầu tư (psychology risks)
+ Rủi ro đua lệnh & trả giá quá cao: bị ảnh hưởng bởi tâm lý đám đông, nhiều nhà đầu tư trở nên tham lam và sợ “mất hàng” như thuật ngữ thường dùng bởi giới đầu cơ; họ quên mất những nguyên tắc phân tích kĩ lưỡng, đãm bảo biên độ an toàn và chen nhau đua lệnh mua những cổ phiếu nóng nhất tại mức giá đỉnh điểm – dẫn đến kết quả lợi nhuận bi đát như bong bóng 2007 với nhiều cổ phiếu trên 100 lần P/E hay cuộc chơi của một số cổ phiếu như FLC, HAI, TSC, ROS gần đây.
+ Rủi ro sợ hãi & buộc phải bán cổ phiếu: ngược lại, nhiều nhà đầu tư với tâm lý yếu sẽ dễ bị lung lay trước bảng điện thị trường và bị buộc phải bán đi cổ phiếu của mình tại những mức giá thấp đến kinh ngạc, qua đó giúp làm giàu hơn những nhà đầu tư thông minh khác với tư duy độc lập.
III. Cách đối phó với rủi ro và kết luận
Quá nhiều rủi ro cho ngày hôm nay rồi, hỡi các bạn đọc. Song ắt hẳn điều mà quý đọc giả muốn biết chính là cách nhận diện và ứng phó với rủi ro cổ phiếu khi chúng ta đầu tư. Chúng tôi đề xuất 03 hành động như là giải pháp đối với các nhà đầu tư cá nhân:
(1) Nhận diện rủi ro và yêu cầu biên độ an toàn (margin of safety)
Việc “làm bài tập về nhà” là tối quan trọng đối với bất kỳ nhà đầu tư năng động/phòng thủ nào. Tuy nhiên chúng tôi không thể đưa ra hướng dẫn cụ thể vì từng công ty/ngành nghề sẽ tồn tại những rủi ro đặc thù khác nhau. Nhà đầu tư cá nhân cần siêng năng đọc tất cả tài liệu liên quan đến mô hình kinh doanh của công ty, xu hướng phát triển của ngành nghề cũng như tình hình tài chính và chiến lược tương lai. Sau đó, anh ta cần yêu cầu biên độ an toàn tương ứng với mức rủi ro mà anh ta nhận định.
(2) Theo dõi thường xuyên, không theo dõi giá cổ phiếu mà theo dõi sát sao tình hình kinh doanh & tin tức ngành nghề
Đôi khi phân tích kĩ lưỡng vẫn sơ hở những lỗi sai, nhà đầu tư phải thường xuyên cập nhật tình hình kinh doanh mỗi quý cũng như tin tức về các động lực tăng trưởng của ngành liên quan. Tình hình kinh doanh xấu đi là một trong những lí do hợp lí nhất để bán đi cổ phiếu.
(3) Lắng nghe ý kiến trái chiều và nghiệm lại những kinh nghiệm trong quá khứ
Những người thông thái sẽ luôn mở rộng đầu óc của mình và lắng nghe những ý kiến trái chiều một cách có tư duy. Ngoài ra, anh ta phải nghiệm lại những sai lầm/kinh nghiệm trong quá khứ để tránh những rủi ro lặp lại trong tương lai.
Lời cuối, luôn tồn tại rủi ro trong mọi khoản đầu tư. Song nhà đầu tư nào biết nhận diện rủi ro và giảm thiểu rủi ro tối đa bằng cách đòi hỏi biên độ an toàn khổng lồ sẽ đạt được lợi nhuận phi thường. Hơn nữa, sự không chắc chắn – uncertainty – chính là người bạn tốt nhất của nhà đầu tư thông minh; nếu tất cả mọi thứ đều chắc chắn, thị trường chứng khoán sẽ không còn cái đẹp về nghệ thuật tư duy và lòng can đảm cho những người chiến thắng như bây giờ.
Filologos

Chi tiết tại: http://newslettervietnam.com/dinh-ng...co-phieu-ky-2/
Kỳ 1: http://newslettervietnam.com/dinh-ng...co-phieu-ky-1/