Làm sao để giao dịch nhà, đất không bị ngưng trệ?



Từ 1-8, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến
đầu tư xây dựng cơ bản (gọi là Luật SĐBS) trong đó có quy định về việc
gộp giấy tờ nhà, đất có hiệu lực. Theo chỉ đạo của Thủ tướng và Bộ Tài
nguyên và Môi trường (TN&MT), các hồ sơ xin cấp giấy đều phải ngưng
để chờ cấp theo giấy mới. Tuy nhiên, trên thực tế, các giao dịch nhà,
đất diễn ra liên tục, nếu ngừng một ngày là ứ đọng hồ sơ và ảnh huởng
trực tiếp đến quyền lợi của người dân.



Vậy có giải pháp nào hợp pháp và hợp lý, lại nhanh chóng nhất? Pháp
Luật TP.HCM ghi nhận ý kiến một số chuyên gia với những kiến giải cụ
thể.



Ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT: Cấp chứng chỉ tạm thời



Trong lúc chưa có giấy mới thì không thể bắt người dân dừng lại những
giao dịch về nhà, đất. Bắt dân đợi là không nên. Theo tôi, trong thời
gian chờ giấy mới có thể nghiên cứu cấp chứng chỉ tạm thời. Đó là một
loại chứng chỉ ghi nhận lại những thông tin về nhà, đất. Trong chứng
chỉ ghi rõ: “Chỉ có giá trị trong thời gian chờ cấp giấy mới”.



Cách làm này cũng tương tự như việc ngành giáo dục cấp giấy chứng nhận
tốt nghiệp tạm thời cho học sinh, sinh viên trong khi chờ có bằng tốt
nghiệp chính thức. Dĩ nhiên, để cấp được chứng chỉ tạm thời về nhà, đất
thì cũng cần phải ban hành thật nhanh một nghị định để quy định các vấn
đề liên quan.



Ông Nguyễn Đăng Sơn, Viện phó Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng: Tiếp tục cấp giấy cũ chỉ thêm rối



Bây giờ chỉ có hai cách thôi: hoặc Bộ TN&MT làm việc thật nhanh,
sớm trình dự thảo nghị định cho Chính phủ, hoặc là người dân phải chờ
thêm. Vấn đề là phải tạo sức ép xã hội đối với Bộ TN&MT để họ tiến
hành mọi việc thật nhanh chóng.



Với những ý kiến đề xuất Chính phủ hoặc UBND TP.HCM cho tiếp tục cấp
giấy cũ, tôi thấy không khả thi. Giờ mà cấp nữa thì giấy đó đâu có giá
trị. Nói chung, đừng làm gì nữa, càng gây rối rắm thêm.



Luật sư Nguyễn Đình Hùng, Đoàn luật sư TP.HCM: Ban hành gấp văn bản hướng dẫn



Chỉ có một cách duy nhất trong lúc này là phải gấp rút ban hành nghị
định, thông tư hướng dẫn việc cấp giấy mới mà thôi. Trong lúc chưa có
giấy đỏ mới, các loại giấy chứng nhận được cấp sau ngày 1-8 đều là sai
luật và không có giá trị pháp lý. Quan điểm xin ý kiến chỉ đạo của Thủ
tướng hoặc Bộ TN&MT để làm khác luật là một cách làm sai lầm mà đâu
đó vẫn tồn tại. Nó trái với nguyên tắc trọng pháp, cơ quan chấp hành
pháp luật không có quyền làm sai luật.



Bộ TN&MT có trách nhiệm trong việc chậm trễ chuẩn bị nghị định,
thông tư hướng dẫn việc cấp giấy mới. Do đó, chỉ có cách khắc phục là
bộ này phải nhanh chóng hoàn chỉnh nghị định, thông tư để việc cấp giấy
cho dân được tiếp tục thực hiện.



Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Điện, Phó Trưởng khoa Luật - Kinh tế, ĐH Quốc gia TP.HCM: Từng có tiền lệ xin ý kiến chỉ đạo khác luật



Theo tôi, từ 1-8, không thể tiếp tục cấp giấy hồng, các loại giấy tạm,
giấy chứng nhận lại càng không. Cơ sở nào để cấp các loại giấy này?



Nếu nói về nguyên tắc pháp lý thì chỉ còn cách phải chờ nghị định,
thông tư hướng dẫn mà thôi. Xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng hay bộ
trưởng cũng có thể là một giải pháp vì trước nay cũng có tiền lệ này để
ổn định xã hội khi luật chưa thể thực hiện được ngay.



Có một cách khác là không cần đến sự tồn tại của loại giấy chứng nhận
nào cả. Giấy chứng nhận không phải là bằng chứng tuyệt đối về quyền sở
hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, bởi nó hoàn toàn có thể bị đánh đổ
trước tòa án. Nhưng đây là một vấn đề lớn, đến nay nó vẫn chưa được các
cơ quan có thẩm quyền xem xét đến.



Nguồn: http://landtoday.net/



Link gốc: http://landtoday.net/vn/tintuc/18822/index.aspx