Gom thông tin, tập tành viết như một bài báo. Hihi.... Biết đâu sau này được báo ngấp nghía mời viết báo phân tích chuyên ngành

Giá cao su vẫn duy trì ở mức chấp nhận được tuy đã có những phiên điều chỉnh vào thời gian gần đây do ảnh hưởng nợ công châu Âu và thông tin mủ cao su bị trộn tạp chất. Các doanh nghiệp cao su mới cười tươi một chút thì đã phải lo lắng vì những vấn đề mới, đặc biệt là vốn. Đặc thù của ngành này, là anh phải đủ tiền chi ra một gói thật lớn, rồi mới mong thu về nhiều gói còn lớn hơn…

Cơ hội thì có đấy
Theo ông Ker Chung Yang, chuyên gia phân tích đầu tư và thị trường hàng hóa của công ty Phillip Futures, Singapore, thị trường tiêu thụ 1/3 tổng sản lượng cao su của thế giới là Trung Quốc vẫn đang cho thấy nhu cầu tiếp tục tăng cao. Ngành công nghiệp ô tô của nước này được dự báo sẽ tiếp tục tăng sản lượng lên 11% so với năm 2010, điều này sẽ tạo một sức cầu lớn với cao su để chế tạo săm lốp. Chính nhu cầu cao của quốc gia đông dân nhất nhì thế giới này đã giúp cho lượng giao dịch cao su trên thế giới không bị giảm quá sâu.

Hiện tại Việt Nam có khoảng 150 doanh nghiệp trong ngành cao su, tập trung chủ yếu khu vực Tây nguyên và Đông Nam Bộ. Tính đến cuối năm 2010, tất cả các doanh nghiệp ngành cao su đều có kết quả vượt xa kế hoạch đặt ra. Giá bán cao su thiên nhiên xuất khẩu tăng khoảng 82% trong năm 2010, là lý do dẫn đến những kết quả kinh doanh vượt dự báo này.

Sang năm 2011, mặc dù giá cao su tự nhiên đã chững lại, có những thời điểm giảm giá với biên độ khá mạnh do tác động bởi động đất, sóng thần tại Nhật Bản, và gần đây, do nợ khủng hoảng tại châu Âu nên công nghiệp sản xuất lốp ô tô đã giảm đi dẫn đến một số phiên giao dịch cao su điều chỉnh nhưng về cơ bản giá cao su vẫn duy trì ở mức cao.

Trong vài năm qua, Việt Nam đã rất nhanh chóng vượt lên xếp hàng thứ tư trong số những nước xuất khẩu cao su tự nhiên lớn nhất thế giới (sau Thái Lan, Indonexia và Malaysia).

Tuy nhiên, những người trong cuộc lại có một cái nhìn thận trọng hơn. Bà Trần Thị Thúy Hoa, Tổng Thư ký Hiệp hội Cao su Việt Nam, đánh giá thị trường vẫn đang có những diễn biến khả quan. Kim ngạch xuất có thể đạt mức 3 tỷ USD năm 2011 so với mức 2,4 tỷ USD năm 2010. Nhưng cũng theo bà Hoa, một trong những mối quan ngại lớn nhất hiện nay của các doanh nghiệp cao su không phải là giá bán sản phẩm mà chính là sự hỗ trợ tài chính phù hợp với đặc thù của ngành để tận dụng cơ hội thị trường.

“Chính sách tiền tệ thắt chặt, việc tiếp cận nguồn vốn trở lên khó khăn là một trong những lý do khiến các doanh nghiệp ngành cao su vẫn đặt kế hoạch kinh doanh khá thận trọng trong năm nay”, bà Hoa cho biết.

Nhưng đất không là vàng?

Nhiều người cho rằng, sản phẩm của các doanh nghiệp cao su dễ mang đi vay vốn, vì tính thanh khoản cao, dễ quản lý, cụ thể và… có giá. Tuy nhiên, nhìn kỹ mới biết, cao su nguyên liệu, cao su tổng hợp chỉ có theo mùa, và chưa hẳn là tài sản lớn nhất, chủ yếu nhất của các doanh nghiệp cao su.

Đất trồng cao su mới là tài sản lớn nhất - đối với họ! Nhưng đất nguyên liệu lại hoàn toàn không phải là tài sản đảm bảo được các ngân hàng ưa chuộng.

Trong các loại tài sản đảm bảo (TSĐB) mà các doanh nghiệp cao su đem ra bày trên bàn huy động vốn, hàng hóa vẫn là thứ thường thấy. Nhưng cái mà các doanh nghiệp này đang rất muốn mang vào, lại là đất trồng cao su, thậm chí họ muốn vay mà không cần TSĐB.

Rất ít ngân hàng chấp nhận đất trồng cao su là TSĐB. Tính thanh khoản và giá trị của loại tài sản này theo họ là không cao. Và nếu chẳng may xảy ra trục trặc, thì cũng chẳng ngân hàng nào muốn sa vào các thủ tục ruờm rà khác để chuyển nguồn đất này thành tiền mặt thu hồi. Dù rằng, suy cho cùng, nội lực để duy trì nguồn cung cho thị trường vẫn phải dựa vào số diện tích đất trồng nguyên liệu.

Cho đến nay, có rất ít những ngân hàng như Techcombank mạnh tay chấp nhận nhiều loại tài sản đảm bảo như cao su nguyên liệu, hệ thống máy móc, đất trồng, quyền đòi nợ trong tương lai (vay dạng tín chấp, nghĩa là chấp nhận cho doanh nghiệp vay mà không cần TSĐB định hình)… Techcombank cũng tính tới những yếu tố đặc thù của ngành khi chấp nhận giải ngân bằng tiền mặt trường hợp doanh nghiệp thu mua nguyên liệu từ nông dân (sản phẩm ra đời đúng mùa vụ, việc thu mua mủ cao su từ nông dân cần lượng vốn nhiều vào chính vụ và đa số là tiền mặt…).

Nhưng vì Techcombank vốn là một thành viên của Hiệp hội Cao Su Việt Nam từ năm 2007, nên chuyện họ đi đầu trong sản phẩm hỗ trợ ngành cao su, tích cực hỗ trợ cho các doanh nghiệp ngành này là điều dễ hiểu. Còn với các ngân hàng khác thì mặc dù sản phẩm tín dụng có, chính sách có, nhưng đến thực tế vẫn là một chặng đường dài.

Vốn có giãn được như cao su ?

Các doanh nghiệp kinh doanh và xuất khẩu cao su đang rất cần sự hỗ trợ tích cực về mặt tài chính từ các ngân hàng và các tổ chức tín dụng cho các dịch vụ tài chính như vay vốn, thanh toán quốc tế, thanh toán biên mậu, ngoại hối, sàn giao dịch hàng hóa, tài khoản.

Vì nếu chỉ sản xuất cao su nguyên liệu, cao su tổng hợp rồi bán qua trung gian thì lãi thực cho các doanh nghiệp không nhiều. Ngành cao su Việt Nam cũng chỉ mới tham các sàn giao dịch hàng hóa quốc tế để chào hàng trực tiếp thời gian gần đây. Nhưng để thấu được hết hiểu quả của hoạt động này thì một doanh nghiệp đơn thân độc mã chẳng làm được gì hết.

Các giao dịch hợp đồng hàng hóa theo tiêu chuẩn trên các sàn giao dịch có tổ chức trên thế giới đã tồn tại và phát triển từ hơn 2 thế kỷ nay và ngày càng trở nên sôi động, được giao dịch nhiều trên các sàn giao dịch lớn: CBOT, CME, NYBOT, LIFFE, TOCOM. Tại đây, các loại hàng hoá giao dịch gồm một số mặt hàng nông sản (cà phê, ca cao, đường, cao su, bông và các loại hạt), các kim loại mầu (đồng, nhôm, kẽm ) và các loại nhiên liệu (dầu thô, khí đốt…).



Nhưng bản thân các sàn giao dịch quốc tế này cũng cần các tay trung gian, là các ngân hàng được cấp phép, để điều phối, cấp và bảo chứng nguồn tiền. Suy cho cùng, thậm chí doanh nghiệp cao su có vay được một khoản vốn lớn trong tay rồi, vẫn chưa hết lo khi một mình một ngựa bước ra chợ. Techcombank là một trong số ít những ngân hàng có mối quan hệ tốt và lâu dài với các sản giao dịch trên, điều này thật sự quý giá vì nó sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước rất nhiều, dưới dạng một người bạn đồng hành nơi đất khách.

Thị trường cao su Việt cần lắm những ngân hàng hiểu ngành và có các chính sách hỗ trợ phù hợp. Cho đến khi nào vốn vay cũng co giãn linh hoạt mà bền chắc được như cao su, trở thành yếu tố nền tảng cho các doanh nghiệp vững vàng trên trường quốc tế, chừng ấy, ngành cao su Việt mới có chỗ đứng vững chắc và thực sự phát triển bền vững.