GBP TIẾP TỤC LAO DỐC BỞI NGUY CƠ BREXIT

Diễn biến đáng chú ý hôm qua vẫn là đà lao dốc không ngừng của đồng bảng Anh kể từ khi thủ tướng David Cameron công bố ngày diễn ra cuộc trưng cầu dân ý về việc Anh sẽ đi hay ở lại EU vào 23/06 tới. Đồng bảng giảm giá do lo ngại về tăng trưởng kinh tế và lãi suất giảm cũng như những lo lắng về dòng vốn ra khỏi nước Anh một khi cử tri nước này bỏ phiếu ủng hộ việc rời khỏi EU. GBP hiện đang giao dịch dưới ngưỡng 1.40 so với USD, mức thấp nhất kể từ tháng 03/2009. Phần lớn các nhà phân tích đều cho rằng bất ổn sẽ tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến đồng nội tệ của Anh và đồng tiền này chưa thể phục hồi cho đến khi cuộc trưng cầu dân ý tại Anh sẽ được tổ chức vào tháng 6. Trong trường hợp Anh quyết định ra đi, đồng bảng được dự báo sẽ giảm rất mạnh và GBP/USD có thể xuống dưới ngưỡng thấp nhất năm 2009 là 1.35.

Giá dầu phiên 24/02 tăng trở lại khi nguồn cung sản phẩm lọc dầu giảm xuống, bất chấp lượng dầu lưu kho của Mỹ tuần qua lập kỷ lục mới. Bên cạnh đó, sản lượng dầu thô của Mỹ giảm trong khi nhu cầu nhiên liệu tăng cũng hỗ trợ giá dầu. Kết thúc phiên giao dịch, giá dầu WTI ngọt nhẹ giao tháng 4/2015 trên sàn New York tăng nhẹ 0.4 USD, tương ứng 1.3%, lên 32.2 USD/thùng.

Chứng khoán Mỹ chủ yếu chìm trong sắc đỏ trong gần như suốt phiên thứ Tư. Tuy nhiên, về cuối phiên, sự phục hồi của giá dầu giúp phố Wall đảo chiều thành công và đóng cửa với mức tăng nhẹ. Sự phục hồi của giá dầu cũng giúp lo ngại về khoản nợ của các công ty năng lượng với các ngân hàng được giảm bớt, do đó giúp cổ phiếu của cả hai cùng đảo chiều tăng giá về cuối phiên. Trong khi đó, lo ngại về viễn cảnh Anh rời khỏi EU có thể trở thành hiện thực khiến các chỉ số chính của chứng khóa châu Âu tiếp tục có phiên giảm điểm với mức giảm mạnh hơn phiên thứ Ba. Kết thúc phiên 24/02, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 1.6%. Chỉ số DAX tại Đức giảm 2.64% và chỉ số CAC 40 của Pháp giảm 1.96%.

Đồng yen hôm qua tăng giá mạnh, về lại ngưỡng 111 bởi sự giảm điểm mạnh của các chỉ số chứng khoán. Tuy nhiên, đồng tiền này giảm giá trở lại về cuối phiên khi chứng khoán Mỹ hồi phục đóng cửa với sắc xanh. Bên cạnh đó, giới đầu tư cho rằng Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) sẽ phải can thiệp nếu tỷ giá USD/JPY về ngưỡng 110. Do đó, cặp tỷ giá này có thể khó giảm sâu hơn nữa.

Với sự sụt giảm trên thị trường chứng khoán châu Á và đặc biệt là đợt giảm mạnh trên thị trường chứng khoán châu Âu và nửa phiên đầu chứng khoán Mỹ, giá vàng đã tăng vọt lên trên mốc 1,250 USD/ounce. Tuy nhiên, vào cuối phiên, việc giá dầu thô hồi phục, kéo phố Wall đảo chiều tăng theo đã khiến vai trò trú ẩn an toàn của vàng giảm đi, buộc giá kim loại quý này hạ nhiệt và chỉ còn mức tăng nhẹ. Kết thúc phiên 24/02, giá vàng thế giới tăng 3 USD lên 1,228 USD/ounce.