[h1]Nếu duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ thì sẽ
dẫn đến suy giảm tăng trưởng, nhưng nếu nới lỏng tiền tệ thì sẽ đi liền
nguy cơ lạm phát.[/h1]Tiến sĩ Nguyễn Đức Độ - Viện khoa học tài chính (Bộ Tài
chính) cho rằng, các rủi ro bất ổn về kinh tế vĩ mô ở Việt Nam còn khá cao. Do đó, việc đưa ra
những chính sách thích hợp trong giai đoạn này là hết sức khó khăn.

Ông Độ phân
tích, mặc dù đà suy giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế đã chấm dứt, nhưng quá
trình phục hồi mới chỉ bắt đầu và chưa có tính bền vững cao, nhất là khi các
nền kinh tế phát triển, thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam, vẫn còn chưa
thoát khỏi suy thoái.

Do vậy, một
chính sách tiền tệ thắt chặt sẽ làm ảnh hưởng đến tiến độ phục hồi kinh tế. Chính
sách này cũng sẽ khó tìm được sự đồng thuận, khi lạm phát còn chưa quá cao.

Nhưng một
chính sách tiền tệ nới lỏng quá mức cần thiết sẽ dẫn đến lạm phát quay trở lại
nhanh hơn, đặc biệt là trong bối cảnh giá dầu và giá nhiều nguyên vật liệu trên
thế giới đang trong xu thế tăng.

Trong tương
lai không xa, nhiều khả năng Việt Nam sẽ phải đối mặt với những nguy
cơ lạm phát xuất phát từ 2 phía: cả từ phía cầu (lạm phát cầu kéo do chính sách
tiền tệ và tài chính nới lỏng), lẫn từ phía cung (lạm phát chi phí đẩy do giá
dầu, giá nguyên vật liệu tăng).

Chính sách bù
lãi suất đã thực hiện được gần nửa năm và nhiều khả năng chỉ sau vài tháng nữa,
những tác động của nó tới giá cả sẽ ngày càng trở nên rõ nét hơn.

Bởi vậy, vấn
đề mấu chốt là phải xác định đúng liều lượng của chính sách tiền tệ trong thời
gian tới.

Nhưng hiện tại
chưa ai đưa ra được những đánh giá cụ thể về tác động (nhất là những tác động
mang tính dài hạn) của chương trình bù lãi suất như: Tiền chảy về đâu? Tác động
đến GDP thế nào? Tác động đến giá cả ra sao? Các tác động nói trên kéo dài
trong bao lâu?...

Chính sách bù
lãi suất của Việt Nam
là chưa có tiền lệ. Do vậy, chính sách này được thực hiện theo phương châm: “cứ
làm, sai đâu sửa đấy”. Nhiều người đang kêu gọi cần phải đánh giá hiệu quả của chương
trình bù lãi suất, để quyết định xem có nên thực hiện tiếp hay không.

Nếu những tác
động tích cực đối với khu vực sản xuất không nhiều, trong khi ảnh hưởng đến giá
cả lại lớn, quy mô và cách thực hiện chương trình bù lãi suất cần được chỉnh
sửa.

Có lẽ câu hỏi dễ
tìm được sự đồng thuận hiện nay không phải là thắt chặt hay tiếp tục nới lỏng
tiền tệ, mà là phải giảm dần mức nới lỏng tiền tệ như thế nào? Mức bù lãi suất
có thể cần được giảm bớt, đối tượng được hưởng chính sách bù lãi suất có thể cần
được thu hẹp. Thời gian thực hiện chính sách bù lãi suất có thể cần được rút
ngắn.

Tuy nhiên, có
một vấn đề là hiện nay việc thực hiện chính sách tiền tệ lại đang bị tỷ giá
VND/USD "trói tay".

Trong thời
gian qua, lãi suất huy động tăng ngay cả khi chính sách tiền tệ đang được nới
lỏng.

Bên cạnh việc
nhu cầu vay lãi suất thấp tăng mạnh (do được bù lãi suất) hay việc thâm hụt
ngân sách ở mức cao (dẫn đến chính phủ cạnh tranh với khu vực tư nhân trong
việc vay vốn), điều này xảy ra một phần còn do nỗi lo sợ VND bị mất giá, khi
lạm phát gia tăng cũng như tỷ giá VND/USD thay đổi trong tương lai.

Chính vì vậy,
nếu không giải quyết được vấn đề tỷ giá, lãi suất có thể sẽ vẫn tiếp tục tăng
khi mức độ nới lỏng tiền tệ được giảm bớt. Tình hình sẽ phức tạp hơn, nếu thâm
hụt thương mại vẫn chưa có được những cải thiện đáng kể trong thời gian tới.

Ông Độ cho
rằng, điều chỉnh tỷ giá (để VND giảm giá) sẽ cho phép giảm lãi suất huy động và
cho vay trên thị trường, mà không cần phải tăng cung tiền thông qua chương
trình bù lãi suất.

Điều đó không
những giúp giảm nguy cơ lạm phát trong tương lai, mà còn củng cố xu thế phục
hồi kinh tế, khi giúp các doanh nghiệp Việt Nam trở nên cạnh tranh hơn trên cả
thị trường trong nước lẫn nước ngoài.

Hạnh Lệ