Đầu tư giá rẻ: Cơ hội và cạm bẫy


Giá rẻ và có nhiều lựa chọn đang được các chuyên gia kinh tế phân tích là cơ hội cho những khoản đầu tư mới, đầu tư mở rộng của doanh nghiệp. Nhiều kế hoạch tranh thủ cơ hội của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhà nước lớn, đã được đưa ra với dự định mua lại nhà máy, thiết bị… của những doanh nghiệp phá sản từ các quốc gia khác. Thậm chí, các kế hoạch đầu tư xây dựng cũng được tính đến khi giá nguyên vật liệu đang ở mức rất hấp dẫn. Khá nhiều dự án bị dừng lại vào năm ngoái đang được lên kế hoạch phục hồi.10:05:02








Trao đổi với ĐTCK, ông Nguyễn Đình Cung, Trưởng ban Nghiên cứu chính sách kinh tế vĩ mô, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, phân tích rằng, giai đoạn này sẽ là cơ hội tốt đối với các doanh nghiệp có được thị trường đầu ra cũng như chiến lược hợp lý cho đầu ra của sản phẩm. Với sự suy giảm khá mạnh của giá cả các loại nguyên vật liệu, giá thành sản phẩm sẽ hạ đáng kể, hơn thế, do có sự cơ cấu lại thị trường dưới tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, cơ hội cạnh tranh giành thị phần hoàn toàn có thể tận dụng được.


Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường đầu ra vô cùng hạn hẹp, nguồn tài chính không dồi dào, nếu thiểu cẩn trọng, đây sẽ là cạm bẫy đối với không ít nhà đầu tư. Chính tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đang làm thay đổi đặc tính của nhiều thị trường, ngay cả với những thị trường truyền thống của doanh nghiệp Việt Nam. Việc lựa chọn các thị trường mới tiềm ẩn khá nhiều rủi ro.


Ngay cả với thị trường trong nước đang được coi là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu, khả năng cạnh tranh trên sân nhà thực sự không đơn giản. Giáo sư Võ Đại Lược, chuyên gia kinh tế, đã cảnh báo về sự thâm nhập vô cùng mạnh mẽ của luồng hàng giá rẻ từ quốc gia láng giềng Trung Quốc do các cơ chế kích cầu đầu tư và tiêu dùng trong nước của họ. Nhiều khả năng nhập siêu từ Trung Quốc trong năm tới của Việt Nam tiếp tục gia tăng do tình huống này.


"Các kế hoạch đầu tư cần phải được tính toán trên cơ sở chiến lược phát triển, những nghiên cứu thị trường cẩn trọng để đánh giá hiệu quả", ông Cung khuyến cáo và cho rằng, cơ cấu lại đầu tư để nâng cao hiệu quả vẫn là điều mà doanh nghiệp nên tranh thủ trong giai đoạn hiện nay.


Đặc biệt, việc khơi dậy những dự án trong diện cắt giảm của năm ngoái đối với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước lớn đang đặt ra nhiều băn khoăn. Theo phân tích của giới chuyên gia, nền kinh tế Việt Nam chưa thoát khỏi nguy cơ bất ổn, nguồn tài chính vẫn rất hạn hẹp chứ không phải đã dư thừa. Hơn thế, những yếu kém nội tại của nền kinh tế vẫn chưa được khắc phục. Khả năng lạm phát quay trở lại vẫn ở mức cảnh báo cao. Trong khi đó, nhìn lại việc cắt giảm các dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước nhằm mục tiêu chống lạm phát, các tiêu chí để lựa chọn dự án cắt giảm là những phân tích về hiệu quả, nhu cầu đầu tư cũng như chất lượng của dự án. Hầu hết những dự án bị cắt giảm đều thuộc diện chưa cần thiết, không hiệu quả, đầu tư dàn trải, ra ngoài lĩnh vực đầu tư chính của doanh nghiệp nhà nước.


"Nếu như các dự án này tiếp tục được đổ vốn để đầu tư, thành quả của việc cơ cấu lại nguồn đầu tư nhà nước, nâng cao hiệu quả đầu tư nhà nước đã đạt được sẽ không còn. Tôi lo ngại về nguy cơ không hiệu quả trong đầu tư sẽ tăng lên trong khi chúng ta chưa giải quyết được rốt ráo điểm yếu này", ông Cung thẳng thắn.


Tất nhiên, cơ hội đầu tư giá rẻ hoàn toàn có thể đem lại lợi nhuận cho doanh nghiệp nếu các quyết định đầu tư được thực hiện chặt chẽ theo các nguyên tắc xác định mục tiêu, hiệu quả song hành với các cơ chế giám sát được định lượng rõ ràng. Riêng với các nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp nhà nước, chìa khoá cho bài toán hiệu quả chính là quyết sách hợp lý và khôn ngoan cũng như cách thức lựa chọn lĩnh vực, dự án đầu tư. Theo ông Võ Trí Thành, Trưởng ban Nghiên cứu chính sách hội nhập kinh tế quốc tế, các dự án được cân nhắc ở giai đoạn này nên là các dự án tạo ra hiệu ứng lan toả lớn trong tạo việc làm, thu nhập, đầu ra cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, cải thiện cơ sở hạ tầng…