Trong gần như suốt thế kỷ XX, đầu tư vào vàng, tiền tệ và cổ phiếu chỉ mang lại nhiều lợi nhuận hơn những hình thức đầu tư kinh doanh khác với điều kiện các nhà đầu tư sẵn sàng giữ chúng trong thời hạn dài.

Trong thời hạn ngắn, giá vàng, tiền tệ và cổ phiếu có thể luôn thay đổi. Do vậy, các nhà đầu tư không kiên nhẫn rất dễ bị thiệt hại khi bán chúng trong giai đoạn thị trường đi xuống. Ví dụ, Peter Lynch, một cựu giám đốc nổi tiếng của một trong những quỹ tín dụng lớn nhất Mỹ, năm 1998 đã nói rằng các cổ phiếu Mỹ bị mất giá tới 20 năm trong vòng 72 năm qua. Theo ý kiến của Lynch, các nhà đầu tư đã phải chờ đợi 15 năm sau khi thị trường chứng khoán sụp đổ năm 1929 để thấy các cổ phiếu mình đang giữ lấy lại được giá trị đã mất. Nhưng những người giữ cổ phiếu 20 năm hoặc lâu hơn thì không bao giờ bị lỗ. Trong một báo cáo phân tích được chuẩn bị cho Quốc hội Mỹ, văn phòng kế toán tổng hợp liên bang đã nói rằng trong giai đoạn 20 năm xấu nhất kể từ năm 1926, giá cổ phiếu chỉ tăng 3%. Trong hai thập kỷ thuận lợi nhất, chúng tăng tới 17%. Ngược lại, thu nhập từ vàng, ngoại hối và trái phiếu, một hình thức đầu tư phổ biến giống như cổ phiếu, trong 20 năm chỉ dao động trong khoảng từ 1% đến 10%.

Từ những phân tích tương tự như vậy, các nhà kinh tế kết luận rằng những nhà đầu tư nhỏ làm ăn tốt nhất nếu họ đặt tiền của mình vào một danh mục đầu tư tài chính đa dạng các loại ngoại hối, vàng, cổ phiếu và giữ chúng trong một thời gian dài. Nhưng một số nhà đầu tư lại sẵn sàng chấp nhận mạo hiểm với hy vọng kiếm được nhiều lợi nhuận hơn trong ngắn hạn. Họ trang bị một loạt các chiến lược để thực hiện điều đó. Và các hoạt động đầu cơ cũng bắt đầu ra đời từ đó. Chúng ta hãy theo chân của Goerge Soros để thấy rõ bộ mặt thật của hoạt động đầu cơ.

Cuối thập niên 90, thị trường tài chính Nga chao đảo dữ dội. Một trong những ngòi nổ gây nên tình trạng này là bức thư của George Soros gửi cho tờ Financial Times với nội dung thông báo rằng kinh tế Nga đang lâm vào tình trạng bi đát mặc dù vừa nhận được sự giúp đỡ tài chính của Quỹ tiền tệ quốc tế IMF. Ngay sau ngày xuất hiện bài viết trích dẫn bức thư của George Soros trên tờ Financial Times, thị trường chứng khoán Nga bỗng lặng ngắt và hoàn toàn không có người mua. Đây không phải là lần đầu tiên George Soros gián tiếp gây ra hiện tượng khủng hoảng tài chính. Năm 1998, rất nhiều chuyên gia cũng đã cáo buộc George Soros tạo ra sự hỗn loạn trong thị trường tài chính châu Á.

Có thể nói rằng những người đầu cơ như George Soros kiếm tiền trên thị trường bằng cách đánh cược theo biến động giá. Ví dụ, một người đầu cơ có thể kiếm lời trong hợp đồng mua nước cam vào cuối năm, đánh cược rằng một trận đông lạnh sẽ bắt đầu và phá hỏng vụ cam ở Florida, giá nước cam và hợp đồng nước cam dựa trên đó sẽ tăng rất nhanh. Nếu người đầu cơ dự tính đúng - mùa đông rất khắc nghiệt, thì hợp đồng nước cam sẽ có giá trị cao hơn số tiền mà họ đã bỏ ra. Những người đầu cơ có thể bán hợp đồng của mình có lãi. Nhưng nếu họ dự đoán sai: vụ mùa năm đó bội thu, điều tồi tệ nhất sẽ xảy ra với thị trường, và những người đầu cơ sẽ mất sạch tiền do giá rớt.

Còn trên thị trường cổ phiếu, George Soros và nhiều nhà đầu cơ khác có thể lợi dụng đà tăng lên của giá cổ phiếu để bóp méo giá cổ phiếu. Thường thường, giá đang tăng sẽ thu hút nhiều người mua hơn tham gia vào thị trường, và lượng cầu tăng lên này lại đẩy tiếp giá lên cao. Các nhà đầu cơ tài chính như George Soros thường góp thêm vào áp lực đang gia tăng đó bằng việc mua các cổ phiếu với hy vọng sau đó họ có thể bán lại chúng cho những người mua khác với mức giá cao hơn. Các nhà phân tích mô tả hiện tượng tăng giá cổ phiếu liên tục như trên là một thị trường “giá lên”. Khi cơn sốt đầu cơ không thể duy trì lâu hơn nữa thì giá cổ phiếu bắt đầu hạ. Nếu nhiều nhà đầu tư trở nên lo lắng về giá hạ, họ vội vã bán đi cổ phiếu của mình, làm tăng thêm đà giảm giá.

George Soros thật sự là một tay đầu cơ tài chính đáng gờm nhất thế giới. George Soros đã kiếm được hàng tỷ USD bằng cách chuyển dịch thị trường giống như điều khiển một cỗ xe ngựa. Người ta bắt đầu e ngại George Soros khi ông kiếm được 1 tỷ USD chỉ trong vòng một tuần bằng cách ép giá một số cổ phiếu tại Anh với các thủ thuật bí hiểm, khiến cả Ngân hàng Anh cũng phải chao đảo. Từ đó, George Soros có biệt hiệu “Kẻ phá sụp các cổ phiếu Anh”. Cựu thủ tướng Malaysia, Mahathir Mohamad đã gọi George Soros là “tên tội phạm bí hiểm nhất thế giới”, nhưng một trong những “hình tượng” của các nhà đầu cơ tài chính như George Soros là luôn xuất hiện với bộ mặt nhân từ. Cách đây không lâu, khi nhận được bằng danh dự từ trường Đại học Oxford và được yêu cầu tự miêu tả về mình, George Soros đã nói: “Ai muốn được gọi là nhà đầu cơ tài chính thì họ cần có đầu óc như một triết gia và một trái tim luôn bày tỏ lòng nhân hậu”.

Để chứng minh cho điều này, đầu tiên, George Soros đã đầu tư tài chính với trái tim nhân hậu vào Trung và Đông Âu. Là một người sống sót qua nạn diệt chủng của Đức quốc xã, George Soros cũng như rất nhiều nhà đầu cơ tài chính khác đã tung ra hàng triệu USD để giúp đỡ khu vực này nhanh chóng đi vào guồng máy tư bản. Sau đó, khi Liên Xô tan rã, George Soros đã bỏ ra 100 triệu USD để giúp các nhà khoa học Nga. Rồi tại Nam Tư cũ, George Soros tung ra 50 triệu USD để cứu Sarajevo thoát khỏi bàn tay của người Serbia. Đó là chưa kể hàng tỷ USD tài trợ cho các tổ chức và dự án nhân quyền trên thế giới. Sau khi thực hiện nghĩa vụ mang tính nhân đạo như một triết gia luôn ưu tư về số phận con người tại nhiều nước, George Soros lại dốc hàng đống tiền vào nước Mỹ. Cụ thể, George Soros và nhiều nhà đầu cơ tài chính khác đã tung ra hàng trăm triệu USD để hỗ trợ chính phủ Mỹ trong trận chiến chống ma tuý.

Nhiều tờ báo gọi George Soros là Robin Hood của thời hiện đại, tổ chức đánh cướp từ nước giàu để giúp đỡ các nước nghèo. Tuy nhiên, có người là cho rằng George Soros cũng như nhiều nhà đầu cơ tài chính khác là tay cướp chuyên nghiệp, lấy của cải của phương tây để làm giàu và dùng số tiền đó để mua chuộc phương Đông, rồi lại rút rỉa tài nguyên và nhân lực rẻ mạt của khu vực này. Mục tiêu của Soros là đánh cướp bất cứ nơi nào có thể, bằng bất kỳ biện pháp có thể, dưới lớp áo choàng của một người nhân từ. George Soros đã khôn ngoan tạo ra uy tín và dùng nó làm phương tiện hữu hiệu để đánh cướp. Chẳng hạn, hồi đầu thập niên 90, George Soros dẫn đầu một nhóm các nhà đầu cơ tài chính tung ra nguồn tin rằng giá vàng có nguy cơ tăng mạnh và nói thêm rằng “một nguồn tin từ bên trong” cho biết Trung Quốc đang chuẩn bị một lượng vàng rất lớn để hỗ trợ nền kinh tế trong nước. Vậy là cơn sốt mua vàng đã bùng lên, giá tăng đến 20% chỉ trong vòng 04 tháng và George Soros cũng các nhà cơ tài chính khác đã bí mật tuôn vàng ra thị trường, vớ được khoản lợi nhuận cực lớn. Người ta ước tính rằng cứ 100.000 USD mà George Soros đầu tư vào năm 1969 thì nay trị giá đến 300 triệu USD.

Trong thực tế, những nhà đầu cơ như George Soros đều là nhà đầu tư tài chính toàn cầu và chẳng hề quan tâm đến bất cứ quốc gia nào, kể cả Mỹ. Điển hình như Quỹ Quantum của George Soros không hề đặt ở Mỹ mà có trụ sở tại quần đảo Antille thuộc Hà Lan với lý do dễ hiểu: tránh sự can thiệp của chính phủ Mỹ và nhất là để trốn thuế. Trong nhiều năm qua, cơ quan phòng chống rửa tiền đã đánh động nhiều lần rằng Antille là trung tâm lớn nhất thế giới chuyên tiến hành buôn lậu ma tuý vào khu vực Mỹ LaTinh đồng thời là trạm rửa tiền của bọn tội phạm chuyên nghiệp. Tuy thế, muốn đổ lỗi cho George Soros không phải dễ: George Soros không có tên trong Hội đồng quản trị của Quỹ Quantum mà chỉ làm việc cho tổ chức tài chính này với cương vị cố vấn đầu tư, thông qua Công ty tổ chức quản lý Quỹ Soros ở New York.

Trong Hội đồng quản trị của Quantum, người ta chú ý một cái tên là Edgar de Picciotto, một trong những ông chủ ngân hàng bị tai tiếng nhiều nhất ở Thuỵ Sỹ. Sinh ra tại Libăng trong một gia đình Bồ Đào Nha gốc Do Thái, Edgar là giám đốc ngân hàng CBI TDB Uinion Banque Privee, chuyên đầu tư về vàng và cổ phiếu. Edgar còn là bạn rất thân của Edmond Safra, chủ ngân hàng Republic Bank tại cộng hoà Séc mà ngân hàng này lại dính dáng rất nhiều đến mafia Nga. Edgar và ngân hàng Uinon Banque Privee từng liên quan đến một số vụ rửa tiền phi pháp. Ngoài ra, Edgar còn quan hệ rất thân thiện với chuyên gia buôn súng Helmut Raiser mà nhân vật này lại làm ăn chung với ông vua xã hội đen Nga Grigori Luchansky. Chẳng lẽ “cố vấn” George Soros không hề biết chuyện này? Đó là chưa kể đến một nhân vật khác nằm trong Hội đồng quản trị Quantum cũng không kém phần tai tiếng: Alberto Foglia, giám đốc ngân hàng Lugano, một trong các ngân hàng bí mật của các gia đình mafia Italia. Trong những mối quan hệ với George Soros, người ta còn chú ý đến sự thân mật với gia đình tỷ phú huyền thoại Rothschild, nổi tiếng nhất từ gần một thế kỷ qua. Công ty N.M. Rothschild and Sons từng thực hiện các phi vụ buôn ma tuý đổi lấy súng, liên quan đến cả những cơ quan lớn như Sở tình báo Anh MI-6.

Mua có trả trước tiền bảo chứng

Người Mỹ thường mua chịu nhiều thứ và cổ phiếu không phải là trường hợp ngoại lệ. Nắm được yếu tố này Goerge Soros cho rằng các nhà đầu tư có đủ khả năng có thể mua “có trả trước tiền bảo chứng”, tức là mua cổ phiếu bằng cách thanh toán ngay 50% và nợ người môi giới phần còn lại. Nếu giá cổ phiếu mua theo hình thức này tăng, nhà đầu tư đó có thể bán cổ phiếu rồi thanh toán cho người môi giới khoản nợ này cộng với lãi suất và tiền hoa hồng, số còn lại là lợi nhuận. Tuy nhiên, nếu giá cổ phiếu giảm, người môi giới đưa ra thông báo “bổ sung tiền bảo chứng”, buộc nhà đầu tư phải trả thêm tiền vào tài khoản của họ sao cho số tiền cho vay của họ không vượt quá một nửa giá trị cổ phiếu. Nếu chủ sở hữu cổ phiếu không có tiền mặt, người môi giới có thể bán đi một phần cổ phiếu đó - với thiệt hại gây ra cho nhà đầu tư - để bù đắp cho số nợ trên.

Nhiều chuyên gia nhận định rằng mua cổ phiếu có trả trước tiền bảo chứng là một hình thức mua bán đầu cơ vay nợ. Nó tạo cho các nhà đầu cơ - là người mua bán sẵn sàng mạo hiểm đánh bạc với những tình huống rủi ro cao - cơ hội để mua nhiều cổ phần hơn. Nếu quyết định đầu tư của họ là đúng đắn thì các nhà đầu cơ thu được lợi nhuận rất lớn, nhưng nếu họ đánh giá sai thị trường thì họ có thể bị thua lỗ rất nặng.

Bán khống

Goerge Soros cũng như nhiều nhóm các nhà đầu cơ khác rất ưa thích việc buôn bán cổ phiếu theo một hình thức được gọi là “bán khống”. Soros cho rằng giá của một loại cổ phiếu nào đó sẽ hạ, nên họ bán đi các cổ phiếu vay từ người môi giới với hy vọng kiếm được lợi nhuận từ việc mua lại sau đó bán các cổ phiếu này với giá thấp hơn giá thị trường mở để thế vào. Trong khi cách thức này mang lại một cơ hội thu lợi nhuận trong thị trường giá hạ, thì nó đồng thời là hình thức buôn bán cổ phiếu mạo hiểm nhất. Tuy nhiên, Soros cũng rất cẩn trọng khi cho rằng: “Nếu người bán khống dự đoán sai, giá cổ phiếu mà anh ta đã bán khống có thể tăng mạnh, thì nhà đầu tư này sẽ bị thua lỗ rất lớn”.

Quyền chọn mua và bán cổ phiếu

Có một hình thức đầu cơ khác được Goerge Soros hay thực hiện đó là bỏ ra một khoản tiền mặt tương đối nhỏ mua một quyền “chọn mua”, cho phép mua một loại cổ phiếu cụ thể với một mức giá gần với giá hiện tại của nó. Nếu giá thị trường tăng,ông có thể thực hiện quyền chọn mua này và thu được lợi nhuận rất lớn khi bán cổ phiếu với giá thị trường cao hơn. Quyền để bán chứng khoán, được gọi là quyền “chọn bán”, hoạt động theo chiều ngược lại; nó cam kết các nhà đầu tư sau đó sẽ bán một cổ phiếu cụ thể với một mức giá gần với giá hiện tại của nó. Cũng giống như hình thức bán khống, các quyền chọn bán này tạo khả năng cho nhà đầu cơ thu được lợi nhuận từ thị trường giá hạ.

Trong suốt cuộc đời mình, George Soros cũng như nhiều nhà đầu cơ tài chính khác chẳng quan tâm đến thứ gì ngoài tiền. Ông thư giãn bằng cách chơi tennis, trượt tuyết hay tản bộ trên các bãi biển. Ông nói rằng mình bỏ ra 1/3 thời gian trong ngày để suy nghĩ và “phân tích sự suy nghĩ của mình bằng tư duy triết học”. Bằng lối “phân tích” như thế, George Soros đã tìm ra kẽ hở của thị trường tài chính nào đó để lao vào tấn công. Mặc dù hoạt động đầu cơ của những người như Goerge Soros nhiều khi đã làm lũng đoạn thị trường tài chính nhưng chính Soros đã từng nói: “Những người như chúng tôi là yếu tố không thể thiếu trên thị trường bởi chúng tôi góp phần quyết định sự thành công của thị trường tài chính. Chúng tôi thực hiện một mối quan hệ cộng sinh giữa những ai muốn tránh rủi ro với những ai sẵn sàng chấp nhận nó”.