Thị trường bắt đầu xuất hiện áp lực chốt lời tuy nhiên tâm lý nhìn chung vẫn giữ được sự bình ổn nên không có hiện tượng bán ồ ạt diễn ra. Trong khi đó bên mua cũng hành động dè dặt trở lại nhằm thăm dò lực cung, vì vậy thanh khoản thị trường tiếp tục giảm nhẹ.


Một điểm lưu ý là mặc dù Vnindex đóng cửa vẫn tăng 1.28 điểm nhưng động lực trên toàn thị trường thì yếu đi rất nhiều, số cổ phiếu giảm giá hay giảm sàn lại tăng trở lại. Nếu như loại trừ ảnh hưởng của 3 mã lớn BVH, VIC, MSN tăng trần đi thì Vnindex khó mà giữ được sắc xanh. Mức độ phân hóa mạnh diễn ra vào đầu tuần là điều dễ dự báo được vì chúng tôi cho rằng dòng tiền thực tế trong thị trường sẽ không đủ mạnh để đẩy giá của tất cả các cổ phiếu. Thay vào đó họ quyết định rút ra khỏi các cổ phiếu yếu và chỉ tập trung cho một nhóm nhất định.
Trong ngắn hạn, chúng tôi vẫn lưu ý tới hai kịch bản về mô hình CỜ - thị trường tiếp tục tăng lên khu vực 450-460 sau đó mới điều chỉnh giá hoặc mô hình CỜ ĐUÔI NHEO – thị trường tiếp tục bị điều chỉnh trong 2-3 phiên tới và có thể lại tăng giá trở lại vào cuối tuần. Dù là kịch bản nào xảy ra thì việc đầu tư ngắn hạn trong nửa sau của mô hình cờ là điều không dễ dàng, vì đây vốn là một mẫu hình thường xảy ra trong thời gian ngắn.
Chúng tôi vẫn giữ quan điểm thận trọng về xu hướng trung hạn vì CỜ và CỜ ĐUÔI NHEO là hai mô hình phản ánh các đợt pullback trong một xu hướng giá, và khi kết thúc mô hình thì giá có khả năng tiếp diễn xu hướng trước đó nhiều hơn. Ngoài ra, NĐT cũng không nên bỏ qua mô hình VAI – ĐẦU – VAI trong đồ thị tuần mà chúng tôi phân tích trong bản tin Thứ 5 tuần trước. Với việc Vnindex bị thủng xuống dưới đường cổ thì dựa vào cách đo giá mục tiêu của mô hình Vnindex có thể giảm về tới đáy 235. Khả năng này vẫn cần thêm thời gian đánh giá vì Vnindex đột phá xuống dưới đường cổ với KLGD không mấy thuyết phục. Nhưng trên khía cạnh đầu tư thì NĐT nên chuẩn bị chiến lược giao dịch cho tất cả các kịch bản, nhất là NĐT trung – dài hạn.