(VEF.VN) - Dù rằng HOSE và HNX còn rất nhỏ trong dịch vụ giao dịch hiện tại, nhưng với tiềm năng của một thị trường có 84 triệu dân số và vị trí chiến lược ở Đông Nam Á, HOSE và HNX hội đủ yếu tố phát triển nhanh chóng để NYSE, NASDAQ hay các công ty điều hành quốc tế lớn chú ý.
Cách đây gần 5 năm, trên một chuyến bay từ Singapore đi Hongkong, tôi tình cờ ngồi cạnh vị chủ tịch và CEO của một công ty chứng khoán cỡ vừa của Singapore. Sau khi biết về lý lịch của tôi (làm luận án tiến sĩ về thị trường chứng khoán Trung Quốc và quản lý quỹ Viasa), ông ta khoe là sắp gặp vị giám đốc sở chứng khoán VN trong 2 tuần tới. Ông ta nhờ tôi làm hộ một bài nhận xét về TTCK VN và những đề nghị tôi nghĩ là hữu dụng nhất để công ty ông sử dụng và cũng để tặng lại cho vị giám đốc kia.

Tôi đồng ý vì muốn tìm hiểu thêm về TTCK của quê hương mình và dù sao, ông ta cũng chịu trả một khoản tiền hậu hĩnh. Bài viết 5 trang bằng tiếng Anh, ông ta nói đã trân trọng trao cho vị giám đốc; nhưng sau 3 tháng, ông ta không nghe gì thêm. Sau này, khi quen lối làm ăn tại VN, tôi mới biết sự im lặng không phản hồi là việc bình thường, rất phổ biến. Không nơi nào áp dụng triệt để câu "im lặng là vàng" như ở VN.

Tình cờ, tôi đọc lại bài viết này khi lục lọi các hồ sơ trên một máy tính cũ. Tôi chia sẽ vài ý tưởng chính ở đây vì thấy nó vẫn khá phù hợp với giai đoạn này của thị trường, dẫu bài viết đã ghi ra hơn 4 năm về trước. Dĩ nhiên, qua 4 năm, bài viết có thể sai lầm về vài chi tiết nhỏ trong dự đoán, những tựu trung, giải pháp đưa ra vẫn là những gì tôi cho là đúng trong bối cảnh hiện nay.

Hiện trạng thị trường

Bài viết bắt đầu những mô tả về TTCK lúc bấy giờ (ngày 6 tháng 10 năm 2006, VN Index chốt điểm là 536, lượng giao dịch khoảng 13 triệu cổ phiếu và có 186 công ty niêm yết trên 2 sàn, tổng cộng gi trị của thị trường là 13 tỷ USD).

Dựa trên kinh nghiệm ở Trung Quốc, tôi tiên đoán là một thị trường còn phôi thai như vậy sẽ lôi kéo nhiều nhà đầu cơ với các thủ thuật làm giá. Theo tính bầy đàn cố hữu của mọi thị trường, các nhà đầu tư VN sẽ ào ạt đổ tiền vào kênh này và VN Index có thể lên cao gấp đôi trong 2 năm tới. (Tôi hơi sai ở điểm này, vì chỉ trong vòng 5 tháng, vào 16 tháng 3 năm 2007, VN Index vọt lên 1,109 với 45 triệu cổ phiếu giao dịch).

Tôi cũng dựa vào kinh nghiệm bên Trung Quốc mà tiên đoán rằng sau khi kiếm được khối tiền từ các nhà đầu tư cá nhân, các quỹ đầu tư lớn và các công ty CK cũng như các nhóm đầu cơ sẽ chốt lời, và thị trường sẽ tụt lại về khoảng 500 sau 1 năm (một lần nữa, tôi hơi sai vì VN Index không rớt về 500 mà xuống đến 245 vào 27 tháng 2 năm 2009, sau 16 tháng).

Vì những hoạt động này thường xảy ra ởTTCK phôi thai và lượng giao dịch kém sẽ khiến cho việc làm giá khá dễ dàng, nên tôi cảnh báo các vị quản lý TTCK nên xét lại những yếu tố căn bản trong việc vận hành một thị trường CK và phải thực thi những biện pháp hành chánh và pháp lý rõ ràng để tránh hay làm nhẹ đi những hố sâu trên đường phát triển. Tôi lập lại những thành tố để tạo dựng một TTCK bền vững và một giải pháp, dù hơi "táo bạo" nhưng cần cho một thực tế mới về kinh tế toàn cầu.

Yếu tố căn bản

Vấn đề lớn nhất trong quyết định mua bán của các quỹ đầu tư thế giới là yếu tố "tin cậy" (trust). Sự tin cậy thường dựa trên quản trị công ty (corporate governance), minh bạch thông tin và tài chính (transparency), giá trị thực sự của báo cáo công ty và kiểm toán quốc tế, chất lượng của nhóm quản lý, sự tôn trọng quyền lợi các cổ đông thiểu số, sự nghiêm minh công bằng trong việc áp dụng luật của cơ quan giám sát, các điều kiện vĩ mô rõ ràng về hối đoái và thuế vụ, cũng như một cam kết về "chơi cho phải" (fair play); không bị bóp méo bởi điều lệ thay đổi bất cập, hay bị thao túng bởi các nhóm có tay trong. Không có tin cậy là không thể có một thị trường bền vững và phát triển.


Dĩ nhiên, còn các yếu tố khác gồm tính thanh khoản (liquidity), tầm cỡ của công ty, hệ số tài chính, chi phí mua bán, và vài yếu tố cá nhân khác như bầy đàn (herding), lướt sóng, đầu cơ.. khi nhà đầu tư mua bán cổ phiếu.

Nói chung, hiện nay, rất nhiều các nhà đầu tư nước ngoài đã không tham dự vì thị trường chứng khoán việt nam thiếu yếu tố tin cậy này.

Thêm vào đó, viễn cảnh trong 5 năm tới của thị trường VN không gì là sáng sủa. Khi các nhà đầu cơ và các quỹ lớn đẩy giá cả các cổ phiếu lên quá cao, rồi chốt lời, thị trừơng sẽ tụt hâu về lại điểm khởi hành trong 3 năm tới. Điều này sẽ làm mất cái niềm tin quý báu mà các nhà đầu tư cá nhân đã đổ vào thị trường bằng đồng tiền xương máu của họ.

Tôi cũng tiên đoán là TTCK cũng như các điều kiện vĩ mô của kinh tế thế giới sẽ gặp vấn đề vào 2007 và ảnh hưởng dây chuyền sẽ làm xáo trộn hoạt động và kết quả tài chánh của phần lớn các công ty niêm yết (một lần nữa, tôi hơi sai vì chuyện này xảy ra vào 2 năm sau, 2009). Các nhà đầu tư trong nước sẽ không còn tài lực để tiếp tục cuộc chơi. Nếu không có các quỹ đầu tư nước ngoài tham gia, thị trường chứng khoán VN coi như ngưng nghỉ.

Giải pháp đột phá

Trước hết, hãy phân tích lợi ích quốc gia trong vai trò của thị trường chứng khoán. Mục tiêu chính của thị trường chứng khoán là gây vốn cho doanh nghiệp, dù công hay tư. Nó không có một giá trị chiến lược nào khác, từ quốc phòng đến kinh tế. Phần lớn các thị trường chứng khoán Âu - Mỹ đều do công ty tư nhân đảm trách điều hành. Chính phủ chỉ giám sát để bảo đảm cuộc chơi không bị thao túng gian lận.

Theo khuynh hướng quản trị của công ty tư nhân, các vị giám đốc của NYSE (New York Stock Exchange), Nasdaq, LSE (london), v.v... luôn luôn tìm cách phát triển và mua lại các công ty điều hành những thị trường nhỏ hơn. Gần đây, NYSE đã mua liên tiếp sàn Archipalego, rồi đến Euronext và Amex.Trong khi đó, sau khi mua lại BSE, NASDAQ lại mua thêm OMX, PHLX. Tất cả các công ty điều hành thị trường chứng khoán tại Âu Mỹ đã xài hơn 53 tỷ USD trong 2 năm qua trong việc sát nhập và tiếp thu. Lý do là các công ty điều hành thị trường vẫn có lợi nhuận rất khả quan trong bối cảnh khủng hoảng vì họ kiếm lời qua phí giao dịch, không nhận rủi ro gì về tài chính.

Dù rằng HOSE và HNX còn rất nhỏ trong dịch vụ giao dịch hiện tại, nhưng với tiềm năng của một thị trường có 84 triệu dân số và vị trí chiến lược ở Đông Nam Á, HOSE và HNX hội đủ yếu tố phát triển nhanh chóng để NYSE, NASDAQ hay các công ty điều hành quốc tế lớn chú ý. Do đó, tôi nghĩ nếu có cơ hội để mua và điều hành HOSE và HNX, những công ty như NYSE và NASDAQ sẵn sàng mua đa số cổ phần với giá phải chăng. Giải pháp kích cầu hữu hiệu nhất cho chứng khoán VN là tìm cách để một công ty điều hành lớn và danh tiếng như NYSE hay NASDAQ đầu tư và mua lại HOSE và HNX. Dĩ nhiên, Chính phủ phải điều chỉnh vài dự luật về đầu tư chứng khoán để phù hợp với tình thế mới.

Những tác động có thể nhìn thấy

Những điều gì có thể xẩy đến nếu chúng ta thuyết phục được NYSE hay NASDAQ mua lại hai thị trường HOSE và HNX?

1. Tác động lớn lao nhất là thiết lập lại "sự tin cậy" cho mọi nhà đầu tư trong và ngoài nước. với niềm tin vào một sân chơi bằng phẳng, và uy tín thương hiệu lâu đời của NYSE hay NASDAQ, thị trường chứng khoán VN sẽ thu hút sự chú ý không những của cộng đồng đầu tư mà còn của mọi giới truyền thông khắp thế giới. Sự chú ý này cũng ảnh hưởng không ít đến uy tín chung của quốc gia VN trên toàn cầu. Khi đó, chúng ta có thể hãnh diện tuyên bố là thị trường chứng khoán VN có một chất lượng quản lý và điều hành cao hơn thị trường Hongkong hay Singapore.

2. Với thương hiệu, hệ thống phân phối, khách hàng truyền thống, kỹ năng công nghệ cao, lối quản trị tân kỳ, NYSE hay NASDAQ sẽ đem lại cho HOSE và HNX một yếu tố vô cùng cần thiết: tính thanh khoản. Việc thu hút các khách hàng quốc tế mới sẽ là một liều thuốc hồi sinh cho chứng khoán VN. Hơn lúc nào hết, chúng ta cần một dung lượng giao dịch gấp 10 lần hiện tại để sống còn.

3. Ngoài dung lượng giao dịch, thương hiệu NYSE hay NASDAQ sẽ làm tăng ít nhất là 15% đến 30% thị giá các công ty. Mọi doanh nhân đều thấu hiểu giá trị của thương hiệu: hai chiếc đồng hồ có cùng một chất lượng và vẻ đẹp tương đương, nhưng chiếc đồng hồ mang tên Rolex sẽ có giá bán gấp 20 lần chiếc Seiko.

4. Dưới sự điều hành của NYSE hay NASDAQ, và sự tham gia trực tiếp của các nhà đầu tư Âu Mỹ, các công ty niêm yết cần phải chấp hành nghiêm túc các luật lệ và điều kiện của cơ quan giám sát mỹ, SEC (securities and exchange commission). Quan trọng nhất là quản trị công ty và minh bạch thông tin. Các kiểm toán quốc tế phải hội đủ điều kiện để sec chấp thuận và phương thức kiểm toán phải phù hợp với GAAP (general accepted accounting practices). Dù phải gia tăng chi phí, nhưng các công ty niêm yết sẽ học được bài học đáng giá về nâng cao chất lượng quản trị công ty. Những thay đổi này sẽ giúp các công ty và ban quản trị cạnh tranh hữu hiệu sau này với các đối thủ hàng đầu của thế giới. nó không khác bao nhiêu với hệ thống tiêu chuẩn iso đã được mọi nhà sản xuất chấp nhận.

5. Dĩ nhiên trong mọi tình huống, đều có những điểm tiêu cực đi kèm với lợi ích. hậu quả tệ nhứt là có thể hơn 50% các công ty đang niêm yết hiện nay sẽ không đủ điều kiện để tiếp tục niêm yết trên sàn mới. những lý do thải lọc bao gồm việc công ty không đủ tầm cỡ, hay kế toán không đủ minh bạch, hoặc gian dối trong thông tin, hay bị mâu thuẫn lợi ích về quản trị và các vi phạm luật lệ chứng khoán khác theo điều luật mới. Cổ đông hiện tại của các công ty này sẽ phải nhận chịu lỗ lả khi giá cổ phiếu rơi rớt. đây là giá phải trả để có một thị trường phong cách quốc tế.

6. Sở chứng khoán của Chính phủ vẫn tiếp tục giám sát theo luật lệ đặc thù của VN; nhưng ai cũng hiểu rằng, trên thực tế, vai trò giám sát của SEC (Mỹ) sẽ rất quan trọng. Lý do là luật lệ Mỹ khắt khe hơn và SEC có nhiều tài lực để thi hành luật pháp nghiêm chỉnh hơn. Thêm vào đó, luật giới hạn sở hữu cổ phiếu của các nhà đầu tư nước ngoài là 49% sẽ phải thay đổi và Chính phủ sẽ mất đi quyền hạn can thiệp vào thị trường để điều chỉnh các hệ số vĩ mô khác của nền kinh tế quốc gia.

Mục tiêu thực sự của TTCK

Như đã trình bày, mục tiêu chính của thị trường chứng khoán là để tìm vốn cho doanh nghiệp công hay tư; mọi ý đồ can thiệp hay kiềm chế khác đều phá hoại tính chất sòng phẳng của sân chơi và làm mất niềm tin của mọi nhà đầu tư chân chính.

Tóm lại một giải pháp thật đơn giản nhưng rất hữu hiệu, có thể gia tăng dung lượng giao dịch và giá cổ phiếu, nâng tầm chất lượng quản lý công ty, tạo thương hiệu cho thị trường, không tốn kém Chính phủ một đồng bạc nào, phải là một giải pháp hợp lý hợp tình trong tình trạng suy thoái kinh tế hiện nay. Nhưng trên hết, nó trả lại niềm tin cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào chứng khoán VN.

T/S Alan Phan là Chủ Tịch Quỹ Đầu Tư Viasa tại Hong Kong và Shanghai. Du học Mỹ từ năm 1963, ông đã làm việc tại nhiều công ty đa quốc gia ở Wall Street và phát triển công ty Hartcourt của mình thành một tập đoàn niêm yết trên sàn Mỹ với thị giá hơn 700 triệu dollars. Ông sống và làm việc tại Trung Quốc từ 1999. T/S Phan tốt nghiệp BS tại Penn State (Mỹ), MBA tại American Intercontinental (Mỹ), Ph.D tại Sussex (Anh) và DBA tại Southern Cross (Úc). Email của ông là aphan@asiamail.comvà Web site cá nhân là www.gocnhinalan.com.