Khi cổ đông “ngoảnh mặt”

Những DN phải đợi đến lần thứ 3 mới tổ chức được đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên thường là DN “có vấn đề” trong mắt giới đầu tư.
Những doanh nghiệp 3 lần tổ chức ĐHCĐ
Ngày 9/6/2011, với 31,09% cổ phiếu có quyền biểu quyết tham gia, CTCP Nhựa và môi trường xanh An Phát (AAA) hoàn tất tổ chức ĐHCĐ sau 2 lần tổ chức thất bại trước đó.
ĐHCĐ của CTCP Vitaly (VTA) có diễn biến tương tự khi chỉ thu hút được 36,7% cổ phiếu có quyền biểu quyết tham gia. Đáng nói, nếu như lần tổ chức ĐHCĐ thứ nhất của VTA (5/5/2011) thu hút 6 cổ đông, thì đến lần thứ 2 (20/5/2011) chỉ còn 2 cổ đông tham gia, trong đó tính cả đại diện Tổng công ty Vật liệu xây dựng số 1, nắm 36% cổ phần. VTA dường như biết trước khả năng thất bại nên trong thư mời tham dự ĐHCĐ lần 2, Công ty thông báo luôn thời gian, địa điểm của lần tổ chức ĐHCĐ thứ 3 (3/6/2011).
Diễn biến ĐHCĐ ở CTCK Kim Long (KLS) có nhiều kịch tính về ý định thay đổi ngành nghề hoạt động và và với tính chất có rất nhiều cổ đông nhỏ, đến lần thứ 3, KLS vẫn có chưa đầy 30% cổ phiếu có quyền biểu quyết tham gia.
Tuy nhiên, tỷ lệ tham dự ĐHCĐ của KLS, VTA hay AAA vẫn nổi trội so với con số 12,7% cổ phiếu được quyền biểu quyết tham gia ở lần ĐHCĐ thứ nhất của CTCP Chế biến và xuất nhập khẩu thủy sản Cadovimex (CAD) ngày 23/4/2011. Lần thứ 2 (14/5/2011), số lượng tham dự ĐHCĐ CAD còn ít hơn, với 5,73% số phiếu có quyền biểu quyết. Ở ĐHCĐ lần thứ 3 diễn ra hôm 13/6/2011, theo bà Trần Ngọc Tươi, Chủ tịch HĐQT CAD, tuy số lượng đã đông hơn 2 lần trước, nhưng cũng chỉ khoảng 20% cổ phiếu có quyền biểu quyết tham dự.
Giữ niềm tin cho cổ đông, cách nào?
Thất bại của các doanh nghiệp trong tổ chức ĐHCĐ, trước hết bắt nguồn từ cơ cấu cổ đông nhỏ lẻ chiếm số đông, khó tập hợp. Tại thời điểm trước khi diễn ra ĐHCĐ, cổ đông nội bộ của KLS nắm chưa tới 10% vốn ở KLS. Vì thế, quyền chủ động không ở phía Công ty. Tại AAA, tính đến tháng 5/2011, cổ đông nội bộ chỉ nắm 12,7% cổ phần. Trong khi đó, các cổ đông lớn của AAA như CTCP Đầu tư Tam Sơn, Công ty Đầu tư FC, CTCP Đầu tư tài chính Thăng Long đều lần lượt bán hết cổ phần nắm giữ. Vì thế, thật khó để kêu gọi 85% cổ đông bên ngoài tham gia, nhất là khi ĐHCĐ của AAA diễn ra ở Hải Dương, không thuận tiện đi lại.
Tuy nhiên, theo giới quan sát, cổ đông không mặn mà tham gia ĐHCĐ chủ yếu vì những nguyên nhân sâu xa hơn. Từ 2/6/2011, VTA bị hủy niêm yết do thua lỗ 3 năm liên tiếp. VTA tiếp tục lỗ trong quý I/2011 và có khoản nợ lớn hơn tổng tài sản, còn nguồn vốn chủ sở hữu thì bị âm 19,5 tỷ đồng.
Với CAD, từ 2/6/2011, cổ phiếu công ty này bị ngừng giao dịch vì doanh nghiệp thua lỗ 2 năm liên tiếp. Tuy chưa công bố con số kết quả kinh doanh quý I/2011, vì chờ số liệu hợp nhất, nhưng theo bà Tươi, CAD vẫn lỗ. CAD đang ngổn ngang nhiều mối lo, vừa bị ngân hàng cắt hạn mức tín dụng, vừa chịu áp lực trả nợ, trả lãi với lãi vay cao.
AAA, cổ đông“quay lưng” không phải vì Công ty làm ăn tệ, mà có lẽ là vì nhiều cổ đông nội bộ đăng ký vừa mua vừa bán cổ phiếu. Trong trao đổi với báo chí, ông Phạm Ánh Dương, Chủ tịch HĐQT AAA đã có lời phân trần về việc bất đắc dĩ phải bán cổ phiếu (do dùng cổ phiếu AAA để bảo lãnh cho một số nhà đầu tư và đến thời điểm bị giải chấp).
Mỗi đơn vị có một hoàn cảnh, nhưng kết quả đều là không thuận buồm xuôi gió trong tổ chức ĐHCĐ. Các DN có lẽ sẽ rút ra được nhiều kinh nghiệm để các năm sau tổ chức ĐHCĐ được chủ động. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, chỉ khi DN làm ăn tốt, minh bạch, đặt quyền lợi cổ đông lên trên các lợi ích khác mới giúp DN giữ được niềm tin và sự trung thành của cổ đông.
Ngọc Thuỷ
đầu tư chứng khoán