“Trái chiều” tín dụng phi sản xuất
Ngày 30/6, thời hạn đưa tỷ trọng cho vay phi sản xuất trong tổng dư nợ về dưới 22% đang đến rất gần, đồng nghĩa với sức ép thực thi yêu cầu của NHNN đối với một số ngân hàng trở nên căng thẳng. Chuyên gia và người trong cuộc nghĩ gì? Đầu tư Chứng khoán xin trích đăng một vài ý kiến.
* Tín dụng phi sản xuất, cần làm rõ khái niệm
"Mạnh tay để làm lành mạnh hệ thống ngân hàng"
Ông Huỳnh Thế Du, Giảng viên chương trình Fullbright Việt Nam
Đưa tỷ lệ dư nợ cho vay lĩnh vực phi sản xuất xuống 22% tại thời điểm 30/6/2011 không phải là giải pháp tốt nhất nhưng khả thi nhất. Một chính sách đưa ra sẽ có người được hưởng lợi và có người không, nhưng bản chất nền kinh tế Việt Nam không cần số lượng ngân hàng lớn như vậy, nên tôi ủng hộ quan điểm của NHNN là cần mạnh tay để làm lành mạnh hệ thống ngân hàng. Trên thực tế, hầu hết các ngân hàng sẽ đưa tỷ lệ trên về đúng con số, đúng thời điểm 30/6 tới và chỉ còn lại một số ít ngân hàng không thực hiện được đúng yêu cầu, khi đó, NHNN cần phải áp dụng các chế tài cụ thể để việc thực thi luật pháp được minh bạch, rõ ràng. Hoặc là những ngân hàng yếu tự vận động lớn mạnh hoặc phải chấp nhận sáp nhập…, nếu không hệ thống ngân hàng sẽ mãi èo uột và làm tổn hại cho cả nền kinh tế.
"Có ngân hàng sẽ 'lách' nếu không muốn bị phạt theo chế tài"
Ông Cấn Văn Lực, Cố vấn cao cấp Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)
Việc "phanh" nhanh quá sẽ khiến khách hàng gặp khó khăn. Ví dụ như: dừng cho vay bất động sản nghĩa là dự án dở dang dẫn đến việc dự án không hoàn thành, không tạo ra sản phẩm và gây nên rủi ro tín dụng cho cả khách hàng và ngân hàng. Điều này chắc chắn sẽ khiến những ngân hàng trên tìm mọi cách "lách" nếu không muốn bị phạt theo chế tài. Tuy nhiên, phải phân loại thật rõ ràng thế nào là phi sản xuất mới có thể áp được chế tài và cũng không nhất thiết tạo thêm quá nhiều khó khăn cho các ngân hàng, mà cần thêm một lộ trình ngắn hạn để họ xử lý vấn đề. Bản thân các ngân hàng cũng phải đánh giá và rà soát lại rõ hơn về tình hình của mình, đồng thời phải cam kết với NHNN bằng một lộ trình giảm cụ thể và thể hiện quyết tâm thực hiện.
"Cuộc chạy đua mang tính chất… đánh đố"
Ông Phan Đào Vũ, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Bảo Việt (BaoVietBank)
NHNN nên có những ứng xử riêng với từng ngân hàng cụ thể đang có tỷ trọng cho vay phi sản xuất rất cao hay cao vừa phải. Bởi với những ngân hàng tỷ trọng trên 40% tại thời điểm hiện tại mà đến 30/6 phải đưa về 22% là không thể, bởi chỉ các khoản vay chứng khoán là ngắn hạn còn lại chủ yếu (bất động sản và tiêu dùng) là trung, dài hạn. Như vậy, cuộc chạy đua để giảm xuống tỷ lệ trên mang tính chất "đánh đố" nhiều hơn. Đặc biệt, NHNN cũng cần kiểm soát cả những ngân hàng có tỷ trọng dưới 22%, bởi 1% của những ngân hàng có quy mô lớn bằng 10 - 15% của những ngân hàng trung bình và nhỏ. Như vậy, nếu một ngân hàng nhỏ giảm 1% mà một ngân hàng lớn lại tăng 1% thì tổng thể của cả hệ thống ngân hàng không giảm.
"Nguy cơ thị phần cho vay tiêu dùng rơi vào tay ngân hàng nước ngoài"
Ông Phạm Quyết Thắng, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Dầu khí Toàn cầu (GPBank)
Các ngân hàng không thể yêu cầu khách hàng vay vốn phi sản suất trả nợ trước hạn được nếu như khách hàng đang quan hệ vay, trả tốt với ngân hàng. Thực tế, lĩnh vực cho vay phi sản xuất vẫn là lĩnh vực cho vay có hiệu quả, ít rủi ro nên nhiều ngân hàng thậm chí còn đưa vào chiến lược hoạt động kinh doanh của mình và dành đến 30 - 40% dư nợ cho đối tượng này.
Với chính sách mới ban hành thì ngoài việc lãng phí về đầu tư tài chính, công sức, các ngân hàng còn cần phải có thời gian cho việc điều chỉnh chiến lược kinh doanh cho phù hợp với quy định mới của NHNN. Nguy cơ các ngân hàng nội địa bị tuột khỏi tay thị phần cho vay tiêu dùng vào ngân hàng nước ngoài là hiện hữu.
"Không nên tìm cách để giảm xuống bằng mọi giá"
Ông Hà Văn Thắm, Chủ tịch Tập đoàn Đại dương (OGC)
Định hướng chung của NHNN trong việc giảm mạnh tỷ lệ dư nợ cho vay lĩnh vực phi sản xuất là đúng, bởi trong giai đoạn khó khăn hiện nay, cũng cần phải siết chặt lĩnh vực này và hỗ trợ các DN sản xuất.
Tuy nhiên, với những ngân hàng chưa thể thực hiện được tỷ trọng này theo đúng lộ trình, không nên cố gắng tìm cách để giảm xuống bằng mọi giá mà nên trình bày rõ ràng, cụ thể với NHNN để có biện pháp tháo gỡ. Đối với riêng Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank), hiện tỷ lệ dư nợ phi sản xuất đã tiến sát 23% và chắc chắn sẽ về kịp đúng con số và thời gian NHNN yêu cầu.
Hồng Dung
đầu tư chứng khoán