Lãi suất không kỳ hạn lại lên 12%/năm
Mới đây, Ngân hàng Đông Nam Á (Seabank) ban hành sản phẩm Tài khoản tiền gửi thông minh dành cho khách hàng doanh nghiệp có tên gọi sản phẩm SeASave Smart Business và Tài khoản tiền gửi thông minh dành cho các hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp siêu nhỏ (Pro) có tên gọi SeASave Smart Pro.
Hai sản phầm trên có cơ chế lãi suất riêng, rất hấp dẫn, trong đó lãi suất của SeASave Smart Pro là 12% và 9% đối với SeASave Smart Business.
Đối với khách hàng doanh nghiệp, số dư tối thiểu trong tài khoản SeASave Smart Business VND là 1 triệu đồng; đối với khách hàng Pro, số dư tối thiểu trong tài khoản SeASave Smart Pro VND là 200 nghìn đồng.
Từ ngày 27.6 Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) cũng bắt đầu triển khai chính sách tiền gửi không kỳ hạn, áp dụng với cá nhân và tổ chức có tài khoản thanh toán không kỳ hạn bằng VND tại SCB, bao gồm tài khoản Chiếc ví thông minh và tài khoản Bà Triệu.
Với chính sách tiền gửi này, khách hàng sẽ được hưởng lãi suất tính theo số dư duy trì trên tài khoản thanh toán của khách hàng cuối mỗi ngày với mức lãi suất thấp nhất là 6%/năm, cao nhất là 12%/năm. Trong đó, nếu số dư tài khoản đến cuối ngày từ 500 triệu đồng trở lên sẽ được áp dụng lãi suất 12%/năm. Số dư từ 100 - 500 triệu đồng, lãi suất 10%/năm. Số dư từ 10 - 100 triệu đồng thì lãi suất là 9%/năm. Còn nếu số dư trong tài khoản cuối ngày dưới 10 triệu đồng thì khách chỉ được hưởng lãi suất 6%/năm.
Trước đó, hồi tháng 4.2011, một số ngân hàng cũng đã tăng lãi suất không kỳ hạn lên cao nhất 12%/năm như Seabank, Habubank (HBB)… Một số ngân hàng khác cũng nâng lãi suất đối với không kỳ hạn lên mức 9 đến 10%/năm.
Lãi suất không kỳ hạn được điều chỉnh tăng mạnh từ mức khoảng 3%/năm lên tới 12%/năm xảy ra sau ngày 10.3 Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư quy định về việc chỉ được áp dụng lãi suất thấp nhất đối với tổ chức cá nhân rút tiền trước hạn tại tổ chức tín dụng.
Tuy nhiên, các ngân hàng chủ yếu áp dụng mức lãi suất cao đối với các tài khoản VIP hoặc tài khoản doanh nghiệp... Các chuyên gia cũng cho rằng, việc đẩy cao lãi suất không kỳ hạn có thể dẫn tới rủi ro về thanh khoản cho chính các ngân hàng.
Ngọc Tuyên
lao động



Xem bài viết: Lãi suất không kỳ hạn lại lên 12%/năm