“Hiện tượng giá cổ phiếu ngân hàng tăng nhanh là bình thường!”

VNECONOMY cập nhật: 05/04/2006


Với chương trình tái cơ cấu, phần lớn các ngân hàng thương mại cổ phần đã cải thiện căn bản tình trạng tài chính, khả năng sinh lời cao hơn


Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Chiến lược phát triển ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) nhận định việc giá cổ phiếu của các ngân hàng thương mại tăng nhanh gần đây là sự phát triển bình thường và trong trung hạn sẽ không có rủi ro lớn.

Đang dấy lên dư luận về hiện tượng tăng giá đột biến của các Ngân hàng thương mại cổ phần, nhiều người cho đây là hiện tượng không bình thường. Thậm chí đã có người lo ngại rủi ro có thể xảy ra đối với các nhà đầu tư làm ảnh hưởng đến sự phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam vốn đang ở quy mô rất nhỏ. Ông bình luận gì về điều này?

Không phải là dư luận mà thực tế giá cổ phiếu của các ngân hàng thương mại cổ phần đang tăng lên. Chẳng có gì là không bình thường cả, hãy xem VN-Index của thị trường chứng khoán (nơi chưa có cổ phiếu ngân hàng) cũng đã tăng lên 500 điểm.

Đây mới là con số bình quân, nghĩa là có những cổ phiếu của doanh nghiệp nhỏ và vừa còn tăng tới 6 hoặc 7 lần so với mệnh giá. Điều này chứng tỏ nhu cầu đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam đang tăng lên. Nói cách khác, các nhà đầu tư trong nước và quốc tế đang có kỳ vọng sáng sủa về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam nói chung trong tương lai.

Liệu có thể có rủi ro gì đối với nhà đầu tư khi giá chứng khoán tăng khá nhanh như vậy? Để trả lời câu hỏi này cần phân tích sâu hơn về triển vọng và tính bền vững của tăng trưởng kinh tế (mà hệ thống tài chính là một trụ cột), đồng thời cũng phải hiểu rõ hơn về cấu trúc của cầu chứng khoán và các lực lượng thị trường trong trung hạn.

Làm được điều đó không phải dễ, tôi cho rằng rủi ro là có thể nhưng không lớn như đã từng xảy ra năm 2003, ít nhất là trong trung hạn.

Chỉ trong vòng 10 tháng gần đây, người ta chứng kiến sự tăng giá của cổ phiếu các Ngân hàng thương mại cổ phần lên mức từ 3 đến 7 lần so mệnh giá. Điều gì đã khiến giá cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh như vậy? Vai trò của các nhà đầu tư nước ngoài đối với thị trường cổ phiếu ngân hàng?

Đúng là trong vòng 10 tháng qua, giá cổ phiếu của khu vực ngân hàng tăng mạnh. Có hai lực lượng chủ yếu đang nhằm vào thị trường này. Đó là các nhà đầu tư nước ngoài và các doanh nghiệp trong nước. Đây cũng là lực lượng đầu tư khá dài hạn và tính ổn định tương đối cao.

Có nhiều động lực thúc đẩy họ, nhưng về cơ bản là để mở rộng thị phần, phát triển quy mô và tìm kiếm lợi nhuận ổn định, kể cả nhiều doanh nghiệp nội địa mong muốn trở thành tập đoàn tài chính-công nghiệp cũng thuộc loại này.

Trong xu hướng đó, các nhà đầu tư cá nhân và một số doanh nghiệp đầu cơ “ăn theo” là chuyện đương nhiên. Tuy nhiên, họ không phải (hoặc chưa phải) là lực lượng quyết định kỳ vọng thị trường. Tại sao lại là cổ phiếu ngân hàng được quan tâm? Theo tôi có hai lý do: trước hết là thứ hạng cao trong chuỗi giá trị gia tăng của ngành này cộng với cổ tức khá cao của các Ngân hàng thương mại cổ phần những năm gần đây đã hấp dẫn các nhà đầu tư.

Cũng có người cho rằng có tâm lý đầu cơ chờ các nhà đầu tư nước ngoài, chờ chính sách tăng tỷ lệ chiếm hữu cổ phần của họ tại các ngân hàng thương mại nội địa... Cũng đúng thôi, nhưng nên chú ý rằng phần lớn các ngân hàng thương mại của Việt Nam quá nhỏ bé và với tỷ lệ chiếm hữu 10% (cho một ngân hàng nước ngoài) thì không bõ để các ngân hàng nước ngoài mặc cả giá một cách quyết liệt. Vì vậy họ khá dễ dàng khi mua cổ phiếu một số ngân hàng thương mại cổ phần với thị giá cao như vừa qua.

Hơn nữa, với việc thực hiện chương trình tái cơ cấu trong nhiều năm qua, phần lớn các ngân hàng thương mại cổ phần đã cải thiện căn bản tình trạng tài chính, chất lượng tài sản khá tốt, khả năng sinh lời khá cao.

Cơ chế hình thành giá của thị trường chứng khoán là theo sự tương tác cung và cầu trên thị trường. Giá cả được hình thành không bị sự áp đặt của bất kỳ lực lượng nào nhưng tình trạng giá cổ phiếu “ảo” của các Ngân hàng thương mại có thể đem đến rủi ro cho cả nhà đầu tư lẫn các ngân hàng với tư cách là người cho vay mua/đầu tư cổ phiểu. Biện pháp nào có thể hạn chế tình trạng này?

Giá cả cổ phiếu được quyết định bởi kỳ vọng thị trường, nó tưởng chừng như “ảo” nhưng lại là thực, nó là sự đánh giá của các lực lượng thị trường về giá trị của một doanh nghiệp.

Tuy nhiên, do là kỳ vọng nên rủi ro rất lớn và vì thế ít ai dám vay vốn của người khác hoặc của ngân hàng để kinh doanh chứng khoán, ngoại trừ vay của chính công ty chứng khoán nơi họ mở tài khoản kinh doanh và thường là vay ngắn hạn hoặc thông qua các giao dịch phát sinh.

Nếu ngân hàng nào đó cho vay khách hàng để mua chứng khoán theo cách của một hợp đồng tín dụng thông thường thì đó là điều cần phải cảnh báo và nói chung là không nên làm. Kinh doanh ngân hàng và kinh doanh chứng khoán có hai thang bậc rủi ro khác nhau, rủi ro chứng khoán cao hơn nhiều. Nếu làm được cùng lúc hai điều đó thì người ta đã không cấm ngân hàng sử dụng tiền gửi để mua chứng khoán làm gì.

Cơ quan giám sát ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước phải lưu ý đến vấn đề này như là một tiêu chí an toàn về mức độ nhạy cảm của tài sản với rủi ro thị trường.

Vậy các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư nhỏ thiếu thông tin hoặc không có khả năng phân tích các thông tin một cách thích hợp cần phải làm gì để tự bảo vệ mình?

Đúng là kinh doanh chứng khoán cần có nhiều thông tin cả vĩ mô và vi mô. Đặc biệt là các thông tin về “dòng đời” của cổ phiếu trong khoảng thời gian nhất định, các đánh giá về hiện trạng và triển vọng của nó. Mua trên thị trường OTC thường thiếu thông tin hoặc thông tin thiếu chính xác. Vì vậy các nhà đầu tư cá nhân nhỏ, lẻ nên biết “nương theo” các nhà đầu tư lớn-những người chỉ chịu bỏ tiền khi đã nghiên cứu thị trường khá đầy đủ.

Tất nhiên việc “nương theo” nào cũng phải khôn khéo nếu không cũng có thể bị cuốn chìm. Nếu đầu tư ngắn hạn “vênh giá” thì ngoài các vấn đề về phân tích thông tin cần lựa chọn loại cổ phiếu dễ mua, dễ bán đồng thời phải tuân thủ ba nguyên tắc: đừng quá tập trung vào một hoặc một vài cổ phiếu và đừng quá tin vào một triết lý nào.