Tham ô tại BIDV Đông Đô: Đề nghị án tử hình cho “đầu vụ”
Trong suốt một thời gian dài, nhóm cán bộ Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Đông Đô (BIDV Đông Đô) do Trần Lệ Thủy cầm đầu đã câu kết với một số đối tượng bên ngoài giả mạo giấy tờ để lừa đảo và tham ô gần 204 tỷ đồng của Nhà nước.
Nguyên Phó Giám đốc BIDV Đông Đô cùng các bị cáo tại phiên tòa

“Qua mặt” hàng loạt ngân hàng…
Các bị cáo trong phiên tòa gồm: Trần Lệ Thủy (SN 1969), Hoàng Bích Liên (SN 1984), đều nguyên cán bộ BIDV Đông Đô; vợ chồng Trần Chí Dân (SN 1973), Ngô Thị Thanh Huyền (SN 1977), cùng trú ở xã Việt Hùng, Đông Anh, Hà Nội; Trần Thị Huyền (SN 1980), trú ở phường Đề Thám, TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình; Nguyễn Thị Thu (SN 1979), Nguyễn Minh Hằng (SN 1978), cùng nguyên Phó Trưởng phòng Giao dịch I Ngân hàng Ngoại thương - Chi nhánh Thành Công; Thái Thị Yên (SN 1969), trú ở phường Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội; Vũ Khắc Thành (SN 1959), Phạm Thị Hồng Thái (SN 1963), cùng nguyên Phó Giám đốc BIDV Đông Đô và Hoàng Trung Thông (SN 1977), nguyên Phó Trưởng phòng Dịch vụ khách hàng BIDV Đông Đô. 11 bị cáo này bị VKSND TP Hà Nội truy tố theo 4 tội danh là tham ô tài sản; lừa đảo chiếm đoạt tài sản; vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Tài liệu truy tố thể hiện, Trần Lệ Thủy vốn là cán bộ của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Thái Bình (BIDV Thái Bình). Để có tiền chơi chứng khoán, đầu tư bất động sản và tiêu xài, Thủy bàn với em gái là Trần Thị Huyền và Trần Chí Dân làm thủ tục vay tiền ở BIDV Thái Bình, theo phương thức thế chấp giấy tờ có giá. Bằng thủ đoạn này, từ năm 2003 đến tháng 4-2008, Thủy cùng đồng bọn đã giả mạo, tráo đổi 14 giấy chứng nhận tiền gửi (GCNTG) có số dư tiền gửi giá trị thấp thành các GCNTG có trị giá lên đến 2.540.428USD và chiếm đoạt hơn 29,4 tỷ đồng của BIDV Thái Bình.
Cuối năm 2004, Trần Lệ Thủy chuyển công tác sang BIDV Đông Đô. Tại đây, Thủy tiếp tục dùng thủ đoạn, chức vụ của mình và cùng với đồng bọn chiếm đoạt 174,5 tỷ đồng. Tổng cộng trong cả 2 phi vụ giả mạo, đánh tráo giấy tờ, Trần Lệ Thủy cùng đồng bọn đã chiếm đoạt của 2 đơn vị trong hệ thống BIDV Việt Nam gần 204 tỷ đồng.
Có “tay trong” giúp sức
Không như hành vi lừa đảo tại BIDV Thái Bình, Trần Lệ Thủy sẽ không thể thực hiện được đối với BIDV Đông Đô nếu thiếu sự giúp sức đắc lực của một số cán bộ ngân hàng thoái hóa. Đầu tiên phải kể đến Nguyễn Minh Hằng và Nguyễn Thị Thu của VCB Thành Công. Là Phó Trưởng phòng Giao dịch, Hằng có trách nhiệm quản lý con dấu và các phôi trắng GCNTG tiết kiệm. Thế nhưng không những không tuân thủ quy trình quản lý mà còn đóng dấu khống vào các phôi trắng và giao chìa khóa két cho đồng nghiệp.
Trong các khoản vay của Thủy và đồng bọn tại BIDV Đông Đô, Vũ Khắc Thành tự ý ký duyệt 3 hợp đồng không đúng thẩm quyền với tổng giá trị gần 22 tỷ đồng. Ngoài ra còn ký 8 giấy đề nghị kiêm phong tỏa giấy tờ có giá, trong đó có 7 giấy ký không đúng quy trình. Phạm Thị Hồng Thái thì buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm đối với nhân viên và công việc được giao. Với Hoàng Bích Liên và Hoàng Trung Thông, tài liệu truy tố xác định đã tự tiện lập hồ sơ và phát lệnh chuyển 33 tỷ đồng vào các tài khoản cá nhân của đồng bọn Thủy khi chưa được lãnh đạo BIDV Đông Đô phê duyệt.
Trong suốt quá trình xét hỏi tại tòa, nhóm bị cáo nguyên là cán bộ ngân hàng gồm: Thành, Thái, Liên và Hằng đều không thừa nhận hành vi phạm tội của mình với lý do đã thực hiện ký duyệt các văn bản, hợp đồng đúng thẩm quyền, quy trình.
Kết thúc ngày xét xử thứ 3 hôm qua (13-7), hình phạt dành cho từng bị cáo cũng đã được đại diện VKS đề nghị. Theo đó, đề nghị áp dụng án tử hình đối với Trần Lệ Thủy, chung thân với Trần Chí Dân cho cả 2 tội tham ô tài sản và lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Các bị cáo còn lại, cao nhất là từ 27 - 28 năm tù giam và thấp nhất là từ 24 - 36 tháng tù, hưởng án treo.
Trịnh Tuyến
An Ninh Thủ Đô



Xem bài viết: Tham ô tại BIDV Đông Đô: Đề nghị án tử hình cho “đầu vụ”