Tái cấu trúc NHTM (kỳ 2):
Khơi thông kênh dẫn vốn dài hạn
Trong bối cảnh tín dụng thắt chặt, nhiều doanh nghiệp đã tìm đến kênh cho thuê tài chính (CTTC) của các ngân hàng thương mại (NHTM) nhằm tháo gỡ khó khăn về vốn trung, dài hạn để duy trì hoặc mở rộng sản xuất.
* Tái cấu trúc NHTM - Nâng cao năng lực quản trị rủi ro
Thực tế CTTC ngày càng trở thành một trong những giải pháp tài chính được các doanh nghiệp nhỏ và vừa lựa chọn. Làm thế nào để khơi thông kênh vốn này đáp ứng hiệu quả yêu cầu doanh nghiệp là vấn đề đang đặt ra.

Èo uột theo thị trường tiền tệ
Với vai trò là một kênh cung ứng vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế, hoạt động CTTC từ đầu năm đến nay cũng chịu ảnh hưởng mạnh từ chính sách điều hành vĩ mô, thể hiện rõ nhất là sự giảm sút mạnh nhu cầu CTTC từ cộng đồng doanh nghiệp. Hệ quả này là kết quả tác động của nhiều nhân tố, trong đó chính sách lãi suất cao để kiềm chế lạm phát và chính sách cắt giảm đầu tư công, sức mua hàng hóa giảm sút, hàng tồn kho gia tăng… đã dẫn đến nhu cầu đầu tư mở rộng của doanh nghiệp bị thu hẹp. Các doanh nghiệp chỉ ưu tiên vay vốn ngắn hạn để giải quyết nhu cầu kinh doanh thường xuyên.
Tốc độ tăng trưởng toàn ngành CTTC 6 tháng đầu năm nay đã thể hiện khá rõ điều này: Dư nợ đến ngày 31-6-2011 chỉ đạt khoảng 20.315 tỷ đồng, giảm 8,5% so với cuối năm 2010 là 22.207 tỷ đồng. Mặc dù đến nay Công ty CTTC Sacombank (SBL) đã hoàn thành 65% kế hoạch lợi nhuận cả năm nhưng ông Hồ Xuân Nghiễm, Chủ tịch HĐQT SBL, thừa nhận yếu tố thuận lợi trong bối cảnh hiện nay rất ít. Vì vậy thời gian này SBL tập trung hoàn thiện các mặt hoạt động, nâng cao công tác quản trị rủi ro và chất lượng nguồn nhân lực… còn việc đẩy mạnh kinh doanh phải chờ thời.
Một yếu tố quan trọng khác khiến hoạt động CTTC năm nay kém khởi sắc là hạn mức tăng trưởng tín dụng 20% cho cả năm cũng áp dụng đối với lĩnh vực CTTC. Thực tế các công ty CTTC quy mô hoạt động còn rất nhỏ, nên việc tăng trưởng dư nợ bằng 20% là rất thấp. Thí dụ Công ty CTTC Á Châu (ACBL) năm ngoái dư nợ đạt 423 tỷ đồng, nếu tăng trưởng 20%, năm nay cũng chỉ thêm 80 tỷ đồng. Ngoài ra, khi tình hình kinh tế khó khăn, đặc biệt việc thắt chặt tiền tệ làm chi phí vốn của doanh nghiệp gia tăng đã ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của doanh nghiệp, nhất là lĩnh vực CTTC không có tài sản thế chấp.
Tuy vậy không ít NHTM vẫn có kế hoạch xin giấy phép thành lập công ty CTTC, với kỳ vọng CTTC sẽ đóng góp không nhỏ nguồn lợi nhuận cho các NHTM thông qua các hoạt động ủy thác và nhận ủy thác vốn từ cá nhân, cũng như tổ chức kinh tế để lách trần huy động 14%/năm theo quy định của NHNN. Việc các NHTM nhắm đến thành lập công ty CTTC còn nhằm thực hiện mua bán, hoán chuyển nợ xấu của NHTM.
Phạm vi hoạt động hạn hẹp, gò bó
Bên cạnh sự suy giảm tăng trưởng do tác động từ nhiều phía, nguy cơ gia tăng nợ quá hạn tại các công ty CTTC thời gian tới rất cao. Theo số liệu của Hiệp hội CTTC Việt Nam, năm 2010 có đến 9 công ty CTTC lỗ trước thuế hơn 3.600 tỷ đồng và 6 tháng đầu năm nay tình hình vẫn chưa được cải thiện. Nhiều công ty CTTC thừa nhận không quản lý được dòng tiền, đánh giá hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và tài sản chưa minh bạch, việc kiểm tra, giám sát chưa chặt chẽ nên dễ xảy ra rủi ro.
Hoạt động của CTTC rủi ro hơn NHTM là do tài sản thế chấp là tài sản cho thuê nên khó có nguồn thu trả nợ bổ sung. Công ty CTTC chỉ có thể phòng ngừa rủi ro bằng cách kiểm tra kỹ dòng tiền, năng lực tài chính của doanh nghiệp, trong đó phải dựa trên uy tín, quy mô hoạt động của chính doanh nghiệp. Vì vậy, các khâu thẩm định, kiểm tra, giám sát và dự báo khi đưa tài sản cho thuê vào vận hành mang ý nghĩa quyết định về hiệu quả đối với hoạt động CTTC.
Ông Nguyễn Quang Hiển, Tổng giám đốc ACBL

Sự phát triển lĩnh vực CTTC ở nước ta còn theo hướng “độc canh” cũng là một trong những lý do khiến cho các công ty CTTC dễ bị rủi ro, thua lỗ. Nếu như ở các nước phát triển, dịch vụ CTTC khá phong phú, từ máy móc thiết bị sản xuất, thiết bị văn phòng, phương tiện vận tải và cả bất động sản, trong khi tại nước ta các công ty CTTC chỉ mới được phép hoạt động cho thuê là động sản.
Hiện nay dư nợ CTTC của nhiều công ty chủ yếu là tàu thuyền các loại, còn máy móc, ô tô, dây chuyền sản xuất chiếm tỷ lệ thấp.
Phương thức CTTC không đa dạng cũng khiến các công ty CTTC chịu nhiều rủi ro khi đầu tư. Thị trường thứ cấp CTTC để tái cho thuê chưa có, nên cũng không có sàn giao dịch thiết bị hay các dịch vụ để tái cho vay. Đa phần công ty CTTC hiện nay đều có quy mô nhỏ nên rất khó huy động nguồn vốn lớn từ các tổ chức kinh tế trong và ngoài nước thông qua phát hành trái phiếu, phải phụ thuộc vốn vào công ty mẹ là NHTM.
Trên thị trường tiền tệ các công ty CTTC cũng không được tham gia thị trường mở mà chỉ được đấu thầu kỳ phiếu, các công cụ tài chính phái sinh như chứng khoán hóa các lại các khoản phải thu từ hoạt động CTTC cũng không phát triển.
Siết và mở theo hướng nào?
Để hạn chế rủi ro trong lĩnh vực CTTC, NHNN đang xem xét siết lại lĩnh vực này. Một lãnh đạo NHNN cho biết các công ty CTTC đã không xác định đúng bản chất hoạt động cho thuê. Do đó, để giảm thiểu rủi ro trong hoạt động CTTC và phù hợp với thông lệ quốc tế, tới đây dự thảo Nghị định về hoạt động CTTC sẽ quy định những tài sản được CTTC là máy móc, thiết bị (không phải là dây chuyền thiết bị toàn bộ), phương tiện giao thông (không phải là tàu thủy, tàu hỏa, máy bay, dàn khoan dầu khí) và các động sản khác.
Tại nhiều nước, tài sản CTTC được miễn các khoản thuế nhập khẩu để tạo động lực doanh nghiệp sử dụng CTTC. Ở nước ta, khung pháp lý cho hoạt động CTTC còn khiêm tốn. Gần đây Chính phủ đã quan tâm nhiều đến lĩnh vực này, như cho phép doanh nghiệp thuê mua tài chính chủ động lựa chọn phương thức khấu trừ VAT một lần, không thu phí trước bạ trong trường hợp bán tái thuê tài sản CTTC… Hy vọng lĩnh vực này thực sự phát huy vai trò là một kênh dẫn vốn tích cực và hiệu quả cho doanh nghiệp.
Ông Hồ Xuân Nghiễm, Chủ tịch HĐQT SBL

Ngoài ra, để hạn chế tình trạng công ty CTTC là “cánh tay nối dài” của các NHTM trong việc lách luật lãi suất huy động, NHNN cũng có những quy định mới về ủy thác vốn qua CTTC, đồng thời yêu cầu doanh thu từ các hoạt động CTTC phải đạt tối thiểu 70% tổng doanh thu của công ty CTTC. NHNN đang hạn chế cấp phép thành lập công ty CTTC nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý và buộc các công ty CTTC cũ cơ cấu lại hoạt động của mình cho phù hợp. Không loại trừ những công ty hoạt động không hiệu quả sẽ phải đóng cửa hay thực hiện sáp nhập.
Tại các quốc gia phát triển, CTTC đã khẳng định thế mạnh, trở thành một trong những nghiệp vụ thông thường trong quá trình phát triển doanh nghiệp. Theo con số thống kê, trên thế giới hoạt động CTTC đã được sử dụng tại hơn 80 quốc gia, trong đó chiếm hơn 75% là các quốc gia phát triển như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đức, Italia, Nga…
Tại Hoa Kỳ, cứ 10 doanh nghiệp thì có 8 doanh nghiệp sử dụng tín dụng thuê mua (cả thuê vận hành và thuê tài chính) để trang bị tất cả hoặc một phần máy móc, thiết bị của họ. Ước tính có khoảng 20-25% giá trị đầu tư hàng năm của các doanh nghiệp được thực hiện qua hình thức CTTC.
Ở nước ta, tính đến thời điểm hiện nay nếu tính trên tổng vốn đầu tư của nền kinh tế, tỷ trọng thực hiện qua CTTC mới chiếm khoảng 0,5/100, đạt được chưa đến 1%. Như vậy, có thể thấy cùng với sự phát triển của nền kinh tế, tiềm năng phát triển của thị trường CTTC Việt Nam trong thời gian tới rất lớn.
Theo chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, trong bối cảnh nền kinh tế còn lạm phát, các doanh nghiệp khó trông mong vào vay vốn trung, dài hạn từ kênh vốn NHTM. Vì vậy, Chính phủ và NHNN nên tạo hành lang pháp lý thông thoáng, an toàn để giúp khai thông dòng vốn dài hạn từ lĩnh vực CTTC.
Mai Thảo - Thanh Thiên
sài gòn đầu tư tài chính



Xem bài viết: Khơi thông kênh dẫn vốn dài hạn