Đua nhau mua trần cổ phiếu là rước thêm rủi ro?
Sau 5 phiên "lình xình," kể từ đầu tuần này (15/8) thị trường chứng khoán đã bất ngờ có chuỗi 4 phiên tăng điểm liên tiếp, chỉ số VN-Index tăng vượt ngưỡng 400 điểm . Đáng chú ý bên phía sàn Hà Nội, mặc dù chỉ số thị trường tăng trưởng trong biên độ hẹp, nhưng thanh khoản ở đây đã tăng mạnh mẽ trong hai phiên 17/8 và 18/8.
Tuy nhiên, hầu hết các thành viên tham gia thị trường đều tỏ ra khá thận trọng và thậm chí nhiều người đặt ra mối nghi ngờ rằng đợt tăng giá lần này nhiều khả năng là các tổ chức đánh lên để thoát hàng.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, một nhà đầu tư kỳ cựu và hiện vẫn đang duy trì hoạt động trên thị trường đưa ra quan điểm: “Trên thị trường người ta lan truyền thông tin lãi suất ngân hàng sẽ có chiều hướng ổn định và sự kỳ vọng vào chỉ số lạm phát trong tháng Tám giảm, đó là lý do cho sự tăng điểm lần này. Nhưng theo tôi, giao dịch trên thị trường chủ yếu vẫn chỉ là các nhà đầu tư tổ chức và tự doanh của các công ty chứng khoán.
Hiện tại, biến động kinh tế thế giới có quá nhiều rủi ro, trong khi kinh tế vĩ mô trong nước đầy bấp bênh, bất động sản 'ngủ đông' được tính bằng năm và vàng thì lập đỉnh chót vót. Thực chất đây là chu kỳ rủi ro rất lớn của mọi hoạt động đầu tư mang tính đầu cơ. Do đó, không một nhà đầu tư nhỏ lẻ nào có đủ can đảm nhảy như thiêu thân vào thị trường.”
Ông Tuấn cũng cho biết, các giao dịch mua bán của ông hiện chỉ mang tính chất thử nghiệm về khả năng phân tích, nhận định thị trường của mình.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Lê Phương, Phó phòng Môi giới 2, Công ty Chứng khoán SME cho rằng, việc các nhà đầu tư đua nhau mua cổ phiếu với giá trần trong hai phiên trở lại đây là rất rủi ro. Bởi chỉ số HNX-Index chưa đủ lực có thể vượt qua được ngưỡng 70 điểm và mốc 400 điểm của VN-Index lại không nói lên được điều gì, do hoạt động mua vào tại sàn HoSE chủ yếu vẫn chỉ tập trung tại các mã cổ phiếu có sự chi phối và dẫn dắt chỉ số.
Quan sát yếu tố dòng tiền, thanh khoản trên hai sàn trong các phiên vừa qua chưa vượt con số 1.000 tỉ đồng. Dòng tiền mới chưa thấy xuất hiện mặc dù thị trường đang ở vùng đáy. Tâm lý nhà đầu tư mới không đủ mạnh để mạo hiểm để ôm cổ phiếu, trong khi khối lượng chứng khoán kẹt ở vùng giá cao của lớp nhà đầu tư cũ còn khá nhiều, vì vậy mỗi khi thị trường có xu thế tăng giá là lập tức hoạt động xả bán lại gia tăng.
Đặc biệt, một chuyên viên môi giới cũng cho biết các mã tăng mạnh nhất trong đợt này lại là các mã bị mượn bán. Điều này cho thấy giao dịch trên thị trường vẫn là luồng tiền có sẵn và bài toán cung cầu vẫn chưa được giải quyết.
Ở một góc nhìn khác, trong khi hầu hết các thành viên cùng quan ngại về một cái bẫy tăng giá để thoát hàng, thì ông Đặng Ngọc Hòa Trưởng phòng Giao dịch Công ty Chứng khoán lại đưa ra nhận định mang tính cá nhân khá lạc quan, “Theo kinh nghiệm của tôi, mỗi khi thị trường lên giá liên tục vài phiên trong mối nghi ngờ của tất cả mọi người thì khả năng đà tăng này có thể sẽ được kéo dài hơn. Trong tình thế này, các nhà đầu tư đưa ra quyết định bán hay mua là rất khó khăn, nên thị trường sẽ đi lên mang tính tự nhiên”./.
Ông Lê Phương, Phó phòng Môi giới 2, Công ty Chứng khoán SME cho rằng, việc các nhà đầu tư đua nhau mua cổ phiếu với giá trần trong hai phiên trở lại đây là rất rủi ro. Bởi chỉ số HNX-Index chưa đủ lực có thể vượt qua được ngưỡng 70 điểm và mốc 400 điểm của VN-Index lại không nói lên được điều gì, do hoạt động mua vào tại sàn HoSE chủ yếu vẫn chỉ tập trung tại các mã cổ phiếu có sự chi phối và dẫn dắt chỉ số.

Linh Chi
Vietnam+



Xem bài viết: Đua nhau mua trần cổ phiếu là rước thêm rủi ro?