Room tín dụng mới làm tắc dòng vốn?
Thông tư 22 của Ngân hàng Nhà nước với mục đích điều hòa dòng vốn, giúp giảm lãi suất, tránh áp lực vốn cho nền kinh tế cuối năm. Nhưng theo nhiều ngân hàng và các chuyên gia, điều này là chưa đủ, khi room tín dụng 20% là “chiếc áo mà cả người lớn và trẻ con đều bị ép mặc”.

Điều đáng chú ý nhất tại thông tư này là cho phép các ngân hàng được cho vay ra trên 80% tổng số vốn huy động được, và cũng gỡ bỏ trần 85% đối với các tổ chức phi ngân hàng.
“Việc giải tỏa chi phí vốn cho các ngân hàng là cần thiết để hạ lãi suất, thúc đẩy cho vay ra, nhưng tác dụng sẽ rất ít nếu không thay đổi lại “chiếc áo” room tín dụng 20%”.
Người vui, kẻ buồn
Tuy các hoạt động cho vay khác của các ngân hàng vẫn bị giới hạn bởi các tỷ lệ an toàn khác quy định tại Thông tư 13, nhưng nhìn chung, nhiều ngân hàng coi Thông tư 22 như một sự “cởi trói” cho hoạt động kinh doanh năm 2011. Ông Nguyễn Văn Tuân, Phó Tổng giám đốc Vietcombank (VCB), nhận xét: “Đây là tín hiệu đầu tiên cho ngân hàng khơi thông dòng vốn”. Tương tự, nhiều ngân hàng khác có nguồn vốn dồi dào hiện nay như Agribank, BIDV, Vietinbank (CTG)… cũng “mở cờ” với việc được cho vay ra trên 80% tổng vốn huy động được.
Nhưng với những ngân hàng đã đi quá xa trong “room” tín dụng 2011 thì Thông tư 22 không khiến họ hồ hởi. Phó tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần tại TP.HCM, cho biết: “Việc thêm 5%, 10% tổng vốn huy động được cho vay ra của Thông tư 22 thực chất chẳng cải thiện điều gì đối với ngân hàng chúng tôi, vì có tăng thêm vốn mà không tăng thêm hạn mức tín dụng thì cũng đâu thể mở rộng cho vay”. Theo tìm hiểu, một số ngân hàng thương mại cổ phần hiện nay do đã cho vay gần hết dư địa tín dụng đối với một số lĩnh vực, nên chỉ có thể cho vay ra khi “lấy nợ cũ”. Chẳng hạn, có một khách hàng trả nợ cũ trong tháng 8 với số vốn 1 tỷ đồng thì ngân hàng sẽ “chuyển khoản nợ này” đến cho một khách hàng khác.
“Đo lại áo” cho từng ngân hàng
Nhiều doanh nghiệp, đơn vị đang cần vốn cứ ngỡ Thông tư 22 sẽ giúp họ dễ vay vốn hơn, và lãi suất sẽ giảm trong thời gian tới. Xét về logic thì trên 80% vốn huy động được có nghĩa là ngân hàng được phép cho vay ra nhiều hơn trước đây, tiền dư thì giá sẽ rẻ. Nhưng thực tế không hẳn là như vậy. “Lãi suất liên ngân hàng có thời điểm chỉ dưới 10%, điều này chứng tỏ hệ thống ngân hàng đang dư vốn; bây giờ Thông tư 22 lại cho chúng tôi “thêm vốn”, nhưng tiếc là nhiều ngân hàng đã trong tình trạng đảo nợ cũ để cho vay nợ mới thì rất khó để “tiền” có thể đến được với phần lớn các doanh nghiệp cần tiền”. Chính room tín dụng 20% đã hạn chế dòng tiền dư thừa “chảy” vào nền kinh tế.
Đánh giá Thông tư 22 trong việc có khơi thông dòng vốn hay không, một tiến sĩ thuộc chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, nói: “Việc giải tỏa chi phí vốn cho các ngân hàng là cần thiết để hạ lãi suất, thúc đẩy cho vay ra, nhưng tác dụng sẽ rất ít nếu không thay đổi lại “chiếc áo” room tín dụng 20%”. Theo vị này, NHNN đang áp dụng tỉ lệ tăng trưởng tín dụng 20% cho đồng loạt các ngân hàng, bất kể đó là ngân hàng có hệ số an toàn cao hay đã phá sản về mặt kỹ thuật. “Tôi cho rằng, NHNN phải phân các ngân hàng thành nhiều loại dựa vào hệ số an toàn và mức rủi ro. Ngân hàng nào có hệ số an toàn thấp thì đưa room tín dụng xuống, ngân hàng nào có hệ số an toàn cao thì cho tăng trưởng trên 20%, thậm chí 30% cũng chẳng hề hấn gì. Đây mới là mấu chốt cho việc khơi thông nguồn tín dụng”.
Phương Nhi
Đất Việt



Xem bài viết: Room tín dụng mới làm tắc dòng vốn?