Hà nội - Ngày ấy còn đâu
  • Thông báo


    + Trả lời Chủ đề
    Kết quả 1 đến 1 của 1
    1. #1
      Ngày tham gia
      Dec 2008
      Bài viết
      6,877
      Được cám ơn 195 lần trong 153 bài gởi

      Mặc định Hà nội - Ngày ấy còn đâu

      Ăn uống



      Người ta vẫn nói "Ăn bắc mặc nam". Điều đó có thể đúng với người này không đúng với người khác. Nhưng với tôi thì nó đúng.

      Đối với tôi, thời những năm 90 ăn là một cái gì đó xa xỉ lắm. Phải nói
      cái đám trẻ như tôi được ngồi lề đường ăn phở, được chui vào quán ăn
      cháo lòng, được bưng bát bún chả... chả khác gì đi nhà hàng. Cái hồi
      đó, mỗi lần đi qua làn khói bếp của bún, phở là ai cũng có thể cảm nhận
      ra từng vị của món ăn. Có thể đó là mùi hành, hồi, bò... của nồi nước
      lèo phở. Có thể đó là mùi nem rán, chả nướng của bún chả. Đó cũng có
      thể là mùi cà chua, riêu, ốc của gánh bún riêu... Nghĩa là từng vị nó
      cứ xộc vào mũi và bắt người ta phải cảm nhận từng vị một. Còn bây giờ,
      trăm thứ mùi món ăn, trăm thứ mánh lừa cảm giác của khách khiến ta
      chẳng còn mấy cảm giác hưởng thụ từ mùi cho đến vị của món ăn.







      Tôi còn nhớ vào thời điểm những năm 90, hàng quán còn khá sơ sài. Từ
      quán nước cho đến quán ăn người ta thường dùng bàn ghế gỗ. Khái niệm
      bàn ghế săt, nhựa gần như không có vì chưa có mấy công ty sản xuất và
      bán đại trà. Việc phơi bát ngoài nắng cũng được thực hiện khá nghiêm
      túc và có vẻ đảm bảo vệ sinh hơn cả thời nay nữa. Bây giờ cứ nhìn người
      ta rửa bát mà ớn lạnh.

      Cũng nhân nói chuyện về ăn sáng. Người Hà Nội có cái thói nhậu ngày.
      Sáng sớm ra làm bát phở, có người phải chơi cả nửa lít rượu rồi mới có
      thể đi làm được. Có thể đó là cái cách chống rét của những người ở vùng
      lạnh. Nhưng quả thật, nếu làm vài ly vào buổi sáng rồi bắt tôi đi làm
      thì tôi bó tay.







      Đây không phải là một quán phở nổi tiếng Hà Nội nhưng cũng mang những
      nét đặc trưng riêng. Tôi nói vậy bởi thông thường một quán phở có tiếng
      bao giờ nồi nước dùng cũng rất lớn. Hành, thịt bò, dao, thớt treo lủng
      lẳng ngay trước quán. Quán phở ngày trước, thậm chí cho đến bây giờ bao
      giờ cũng có kèm theo một quán nước chè nhỏ. Hai quán này phụ nhau cùng
      phát triển.







      Ăn chợ, hay nói chính xác hơn là ăn gánh, một đặc trưng của dân Hà Nội.
      Một gánh quà ngon thì dù người bán có ngồi đâu, người ăn cũng biết
      đường tìm đến. Nhưng thông thường thì người bán hay tìm đến chợ và
      người ăn cũng từ đó có thói quen lê la ở chợ ăn vặt. Cái thời tôi thì
      vừa không có tiền, vừa thích ăn vặt nên hay lân la đến chợ kiếm mấy món
      quà rẻ tiền. Lúc thì lên tận chợ ga ngồi ngoáy ốc với mấy ông anh. Lúc
      lại mò về chợ Đồng Xuân ăn bún riêu. Cũng có khi về chợ Hàng Bè tìm bún
      cá, bánh đa cua.Lại có lúc cứ mò về gần trường Chương Dương trong bờ
      sông chỉ để mua ít vó bò ngồi chấm tương nhai lấy nhai để.







      Người Hà Nội nhiều lúc cũng cầu kỳ. Cứ lỡ thích món ăn ở chỗ nào rồi
      thì nhất quyết chỉ có ở đó là nhất. Thời đó cứ nói đến ăn phở là đám
      bọn tôi phải kéo nhau lên Lò Đúc. Còn đã cháo lòng là phải ra đường
      tàu, khu vực Lê Duẩn, gần ngã tư Hai Bà Trưng. Hay cháo hến thì cỡ gì
      cũng phải mò lên Hồ tây. Đến giờ, mỗi khi về Hà Nội, đám bạn vẫn cứ giữ
      cái nếp ấy, đã đi ăn sáng thì không ngại xa, chỉ ngại đến muộn hết món
      ăn.

      Bia hơi ....



      Nói về ăn nhậu, Sài Gòn có thể nói là đỉnh cao. Nhưng nói về phong cách
      nhậu thì Hà Nội lại có những đặc điểm nổi bật khiến nhiều người ưa
      thích, trong đó có cả tây. Chính vì vậy cứ nói đến Hà Nội, dân nhậu
      phải nói trước tiên đến bia hơi, nổi bật là bia hơi Hà Nội.



      Ở Hà Nội bia hơi thì đa dạng và phong phú lắm. Từ bia cỏ sinh viên
      1.500 - 2.000 đồng/cốc cho đến 4.500-5.000đồng/cốc. Nó len lỏi trong
      mọi ngõ ngách, đến với mọi tầng lớp người dân. Chính vì vậy nó được coi
      là đồ uống bình dân nhưng hấp dẫn nhất.



      Vào thời điểm đầu những năm 90, bia hơi bắt đầu nở rộ. Gần như ai cũng
      có cơ hội tiếp xúc với nó thay cho việc lai rai thường xuyên với cuốc
      lủi. Chỉ trước đó không lâu, nghĩa là từ giữa cho đến cuối những năm
      80, để uống được cốc bia hơi người ta phải xếp hàng, uống cũng phải có
      tiêu chuẩn, không được uống nhiều vì sợ hết của người khác.


      Thực ra cái thời đó chúng tôi chưa biết bia là gì vì chưa đủ tuổi, hay
      nói đúng hơn chưa có khái niệm ra đường ngồi làm với nhau vài cốc cho
      nó thắm tình đồng đội. Nhưng tôi nghe thế hệ chú bác (thế hệ đàn anh
      lúc đó cũng chưa có nhiều khái niệm về ra quán làm vài cốc bia hơi) nói
      nhiều về bia hơi. Thôi thì cũng chỉ lai rai với vài hột lạc, cái nem
      chua, giỏi lắm thì là cái lưỡi, tai lợn. Cũng có quán chơi đến vó bò,
      lòng phèo phổi gì đó chứ chẳng muôn ngàn món nhậu như bây giờ.



      Nhưng cái tính uống bia ít mất mồi của dân Hà Nội vẫn duy trì đến tận
      bây giờ. Cái nghĩa lai rai nó hợp với dân nhậu Hà Nội hơn là ở chỗ đó.
      Chỉ với vài hạt lạc, vài cái nem chua họ có thể buôn chuyện, uống bia
      đến tận khi quán đóng cửa. Nhiều người khoái uống đến mức đến quán bia
      kiếm 1 góc ngồi một mình nhìn ngắm thiên hạ ăn nhậu chơi chơi, khi nào
      thấy đủ thì về. Có người thì làm luôn cái can mua về nhà nhâm nhi 1
      mình. Lại cũng có người mang tiền đủ trả cho 1 cốc, làm một hơi đánh
      khà 1 cái đứng im mất cả phút đồng hồ cho nó ngấm rồi mới trả tiền đi
      về. Cái yêu cái quý bia hơi của dân Hà Nội là thế đấy.



      Nếu như từ thời bao cấp, uống bia phải xếp hàng thì vào đầu những năm
      90, người ta bắt đầu có phong trào ghế đẩu vỉa hè. Cái thú của bia hơi
      bình dân nó là ở chỗ đó. Càng bụi, càng đơn giản, tiện lợi càng tốt. Ấy
      thế nên mặc cho các nhà hàng mọc lên như nấm, bia hơi vỉa hè vẫn thu
      hút được đông đảo người dân Hà Nội. Hải xồm, Lan chín dù có xây quán
      cao tầng vẫn không bỏ được các quán lụp xụp.



      Nhưng dù nói thế nào thì cách phục vụ bình dân kiểu ngày trước của Hà
      Nội vẫn hay hơn bây giờ. Niềm nở, vui vẻ, giản dị và dễ gần. Người lạ
      cũng có thể bắt chuyện và lai rai với nhau để nói đủ thứ trên đời. Tình
      cảm giữa chủ quán và khách nhiều lúc như người nhà, gọi nhau rất thân
      mật.



      Có một cái tật mà người uống bia hơi, nhất là khách lạ thường sợ, đó là
      vệ sinh. Người bán, người rửa cốc thường không làm khách yên tâm lắm vì
      toàn thò tay vào cốc, tráng cốc 1 lần. Nhưng ghét hơn nữa là nhiều quán
      chơi trò dồn bia. Cốc này dư 1 ít, dồn vào cốc kia. Lòng vòng 1 hồi
      được nửa cốc rồi rót thêm bia mới là... có thể mang ra cho khách.
      Thường thì bác nào bắt đầu tới tới rồi là dễ dính cái này lắm.



      Nói đến cái chuyện bia bọt lại chợt nhớ những Hải xồm, Lan chín. Cũng
      một thời 1 tuần thì có đến 5-6 ngày ngồi quán bia hơi nghiên cứu lô đề.
      Cũng có thời vào quán bia mấy chú phục vụ nhớ mặt tự biết đường làm món
      ăn, phục vụ nhiệt tình. Giờ mỗi lần về Hà Nội, lạnh cỡ mấy cũng phải
      lôi đám bạn đi làm vài cốc, nhấm từng hơi, cảm nhận từng hương vị của
      chất bia hơi Hà Nội.





      ____

      Nhớ tiếng leng keng tầu sớm khuya
      Last edited by admin; 26-10-2009 at 07:13 AM.

    Thông tin của chủ đề

    Users Browsing this Thread

    Có 1 thành viên đang xem chủ đề này. (0 thành viên và 1 khách vãng lai)

       

    Bookmarks

    Quyền viết bài

    • Bạn Không thể gửi Chủ đề mới
    • Bạn Không thể Gửi trả lời
    • Bạn Không thể Gửi file đính kèm
    • Bạn Không thể Sửa bài viết của mình