Nợ xấu ngân hàng tại Việt Nam: Khó nói!
Tiếp theo loạt bài về gói giải pháp ổn định thị trường ngoại hối và giảm dần lãi suất đã được DĐDN đăng tải trogn thời gian vừa qua, trong cuộc trao đổi với DĐDN mới đây, chuyên gia tài chính - ngân hàng Lê Trọng Nhi đã nhấn mạnh về các rủi ro mà hệ thống tín dụng và DN đang đối mặt, chia sẻ quan điểm về giải pháp hướng tới xử lý những rủi ro này.
Ông Nhi cho biết, về phía DN, lãi suất cao liên tục trong hơn 3 năm qua đã bào mòn dự trữ được tích lũy và họ rất dễ bị tổn thương, mất khả năng thanh toán nếu có bất cứ sự cố nào trong kinh doanh. Về phần ngân hàng thì tỷ lệ nợ xấu đã tăng lên và sẽ tiếp tục là vấn nạn, nhưng chỉ có thể giải quyết trong trung và dài hạn.
Có thể nói nền kinh tế đang bị tổn thương với chính sách thắt chặt tín dụng trước đây và đang được điều chỉnh nới ra.
- Ở thời điểm hiện nay, sau khi NHNN đã có những động thái cụ thể nhằm điều hòa vốn giữa ngân hàng lớn với ngân hàng nhỏ, giữa thị trường 2 với thị trường 1 và tái cấp vốn cho một số ngân hàng nhỏ, thì nỗi lo mất thanh khoản của các NHTM đã thực sự được gỡ bỏ, thưa ông?
Với những gì đang diễn ra trong thị trường tiền tệ ngân hàng thông qua những quy định mới của NHNN, có thể tạm cho rằng những quan ngại về vấn đề thanh khoản đã có những bước đầu được tháo gỡ và không còn mang tính hệ thống nữa. Nếu còn có rủi ro thanh khoản thì chắc chỉ rơi vào một số những ngân hàng yếu tự thân và không tuân thủ những quy định kinh doanh của chính họ.
- Đặt giả thiết nếu có một số ngân hàng nhỏ mất thanh khoản, có ý kiến cho rằng NHNN nên đứng ra góp vốn, trở thành cổ đông lớn và cử người đại diện quản trị các ngân hàng nhỏ, “cứu” ngân hàng khỏi nguy cơ đổ vỡ. Quan điểm của ông?
Đó cũng là một trong những giải pháp cấp thiết và cần phải được cân nhắc nghiêm túc để thực hiện nếu như Chính phủ và NHNN có đủ số liệu để cho rằng cần phải ngăn chặn sự đổ vỡ trước khi quá muộn hoặc cơ cấu lại và lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng để hỗ trợ và đồng điệu với chiến lược cơ cấu lại nền kinh tế đang được đề cập và sẽ phải thực hiện.
- Vậy, nếu bất động sản có thể được điều chỉnh ra khỏi lĩnh vực phi sản xuất và thậm chí thời hạn kéo tín dụng phi sản xuất xuống 16% sẽ được giãn ra qua cả năm 2012 thì tỷ lệ nợ xấu bất động sản nói riêng, nợ xấu ngân hàng nói chung, liệu có ở trong ngưỡng an toàn?
Phải nói ngay và thú thật là khi đề cập đến chuẩn xác tỷ lệ nợ xấu của các NHTM hoặc hệ thống ngân hàng nói chung, là điều luôn được xem là nhạy cảm và bị soi mói từ nhiều nơi và có thể kiểm chứng được ở mức tương đối; Nhưng riêng tại thị trường VN thì đó là điều khó và rất khó. Vì vậy, phần lớn các nhà phân tích độc lập thường rất cẩn trọng khi có những ý kiến đánh giá tỷ lệ nợ xấu của những ngân hàng VN.
Với tình hình lạm phát cùng với những bất cập trong chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa đã kéo dài trên 3 năm qua, đồng thời có cơ hội tiếp cận với một số DN đã tiếp nhận tín dụng trong thời gian 3 năm vừa qua, thì cho dù có điều chỉnh bất động sản ra khỏi lĩnh vực phi sản xuất, đó vẫn chưa phải là giải pháp để cho rằng tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng được ở mức an toàn.
- Vậy theo ông, có giải pháp nào để hạn chế những rủi ro tín dụng ở mức tối đa, đối với DN và với cả nền kinh tế?
Trong vòng 20 tháng qua, mức tín nhiệm của VN đã 3 lần bị xuống hạng, xuống đến mức gần cận đáy (-B) để bị chuyển sang chủng loại C (một hạng mức dành cho nền kinh tế được xem như có những bất ổn vĩ mô và khả năng trả nợ lệ thuộc rất nhiều yếu tố khác...). Điều này cũng có nghĩa là, mức độ rủi ro tín dụng đã kế cận vùng để gây ra những tổn thương.
Theo tôi, với tình hình hiện nay khi Chính phủ vẫn còn đang phải đối phó với tình trạng lạm phát kéo dài, thì sẽ không có một giải pháp đơn độc hoặc thậm chí vài giải pháp nào đó có thể hạn chế rủi ro ở mức tối đa được.
Giải pháp của tôi về ý nghĩa tối đa có thể được hiểu là: Tối đa nhận thức lại và nhìn sâu vào sự thật của cụm bất cập, bất hợp lý của nền kinh tế. Tối đa tận dụng và vận dụng những trí tuệ thật trong xã hội và thoát ly những hệ lụy của chính sách tài khóa và đầu tư công.
- Xin cảm ơn ông!
Lê Mỹ thực hiện
diễn đàn doanh nghiệp



Xem bài viết: Nợ xấu ngân hàng tại Việt Nam: Khó nói!