Cắt giảm đầu tư công - Chưa minh bạch nên thiếu sức thuyết phục
Đầu tư công kém hiệu quả được xem là một trong những căn bệnh trầm kha dẫn tới lạm phát. Tại Nghị quyết số 11/NQ-CP, Chính phủ khẳng định phải cắt giảm đầu tư công. PV Báo SGGP đã trao đổi với bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế, xoay quanh những vấn đề trên.
Bà Phạm Chi Lan
* Phóng viên: Bà đánh giá như thế nào về kết quả ban đầu trong việc cắt giảm đầu tư công?
* Bà PHẠM CHI LAN: Cắt giảm đầu tư công thực sự rất cần thiết trong cuộc chiến chống lạm phát, ngược lại chống lạm phát nhưng không đẩy mạnh cắt giảm đầu tư công cũng không mang lại hiệu quả cao. Nghị quyết 11 xác định, tăng trưởng tín dụng trong năm 2011 sẽ ở mức dưới 20% nhưng mức tăng trong những tháng đầu năm chỉ đạt dưới 10%. Tín dụng giảm mạnh nhưng tại sao lạm phát vẫn tăng rất cao, tới 23% so với cùng kỳ năm trước? Chống lạm phát mà chỉ tập trung vào các chính sách tiền tệ thì không hiệu quả mà cần phải đẩy mạnh việc cắt giảm đầu tư công.
Theo Bộ KH-ĐT, đến nay các tỉnh, thành đã đăng ký cắt giảm được khoảng 82.000 tỷ đồng, nhưng thực tế người ta chưa nhìn thấy được cắt cái gì và giảm ở đâu. Con số này cũng chưa bóc tách được đã bao gồm số ngân sách trung ương dự định sẽ ứng trước cho các địa phương hay không? Tôi cũng rất lo ngại vì gần đây, tại các cuộc họp khi bàn đến việc cắt giảm đầu tư, nhiều địa phương cũng đồng tình với quan điểm này, nhưng cắt ở chỗ nào cho đúng? Cái gì cũng đòi cắt thì việc cắt giảm sẽ không mang lại hiệu quả, trở thành gánh nặng rất lớn trong quá trình chống lạm phát.
* Theo bà, cùng với cắt giảm đầu tư công thì cần làm gì để mang lại kết quả tốt hơn?
* Song song với việc cắt giảm đầu tư công, chính phủ cần đẩy mạnh tiết kiệm hơn nữa. Hiện không có quốc gia nào có mức chi tiêu công lớn như Việt Nam. Việt Nam đang huy động tới 28% GDP vào ngân sách để chi tiêu công, trong khi các nước trong khu vực chỉ dừng ở mức 15%-17%. Trong 2 năm vừa qua, mặc dù kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng khoản thu thuế vẫn vượt khá xa so với dự toán, nhưng đáng lưu ý, chúng ta thu vượt bao nhiêu thì cũng chi hết bấy nhiêu!
* Gần 7 tháng triển khai Nghị quyết số 11 của Chính phủ, nhiều địa phương vẫn rất lúng túng trong việc cắt giảm đầu tư công. Nguyên nhân chính do các văn bản hướng dẫn chưa rõ ràng, cụ thể nên họ không biết cắt gì, giảm gì. Là người quan sát khá kỹ các chuyển động của nền kinh tế, bà có nghĩ như vậy không?
* Tôi cho rằng, chủ trương cũng như các lĩnh vực Chính phủ đề ra về cắt giảm đầu tư công đã khá rõ ràng, cái gì cần cắt, cắt ở đâu và cái gì cần đầu tư. Tuy nhiên trong quá trình triển khai sẽ không giống như trên văn bản. Về vấn đề này, các bộ, ngành cần đi sâu sát hơn nữa để tư vấn, tháo gỡ kịp thời những vướng mắc cho địa phương. Ngược lại, các tỉnh thành cũng cần chủ động hơn trong việc đề xuất với Chính phủ và các bộ ngành hướng giải quyết để không gặp ách tắc.
Hiện nay cơ cấu đầu tư cho y tế, giáo dục còn chiếm tỷ lệ khá thấp, trong khi chúng ta lại tập trung quá nhiều vào các dự án hoành tráng về hạ tầng, kinh doanh. Chính các dự án này mới ngốn nhiều tiền của của người dân. Theo tôi, trong thời gian tới, Chính phủ cũng như các địa phương cần dứt khoát hơn trong việc cắt giảm, kiên quyết không triển khai những dự án chưa thực sự cần thiết và nên để dành vốn hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
* Theo bà, từ nay đến cuối năm, chúng ta có cần thêm các giải pháp mới để kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô?
* Với 6 gói giải pháp trong Nghị quyết 11 như vậy là đủ. Tuy nhiên, cần phải siết chặt hơn nữa các chính sách về tài chính, tiền tệ. Tôi thấy gần đây đã và đang có dấu hiệu thả lỏng một số giải pháp. Trong thời điểm này, nếu chúng ta lơ là hoặc nhẹ tay thì sẽ không mang lại hiệu quả mong muốn. Với việc cắt giảm đầu tư công, cách thực hiện cũng phải công khai, minh bạch hơn. Hàng tháng, Chính phủ cần công bố cụ thể các con số của từng địa phương, dự án nào đã được cắt giảm chứ không nêu chung chung, vì nếu các số liệu được bóc tách sẽ thuyết phục hơn.
Tăng cường kiểm soát giá cả các mặt hàng thiết yếu như điện, xăng dầu… cũng là một trong những công việc trọng tâm từ nay đến cuối năm. Thực tế, ngành điện đang “đòi” tăng giá, còn giá xăng dầu trong thời gian qua giảm chậm so với thế giới. Không những thế, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu còn kêu bị lỗ để “bắn” thông điệp này cho Nhà nước hoặc phải bù lỗ hoặc đánh trực tiếp vào người dân. Kiểm soát giá cần phải kiên quyết hơn nữa, đặc biệt với những đơn vị như EVN. Tôi không đồng tình với cách mà một số bộ, ngành chức năng cho phép EVN cứ 3 tháng thì tăng giá điện 1 lần. Cách làm này chưa công bằng, chúng ta đang dồn sức để kiềm chế lạm phát, nhưng lại tăng giá đối với những mặt hàng ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất là không hợp lý.
Song song với việc tiếp tục triển khai mạnh mẽ các gói giải pháp, cũng cần bắt tay vào thực hiện ngay việc tái cấu trúc nền kinh tế. Lâu nay chúng ta cứ mải miết chạy theo tăng trưởng mà quên đi việc phải cơ cấu lại kinh tế sao cho gọn nhẹ, có hiệu quả hơn.
° Xin cảm ơn bà!
THÚY HẢI (thực hiện)
Sài Gòn Giải Phóng



Xem bài viết: Cắt giảm đầu tư công - Chưa minh bạch nên thiếu sức thuyết phục