Cổ phần hoá DNNN: Không nên đặt nặng lợi nhuận thu về

Nếu đi đúng mục đích của cổ phần hóa, các doanh nghiệp và tổ chức không nên đặt nặng vấn đề lợi nhuận thu về trước khi cổ phần hoá.
“Đại gia” tái xuất
Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất tái khởi động kế hoạch phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) và niêm yết 4 DN lớn là Viettel, MobiFone, Habeco và Sabeco.
Trước đó, năm 2006, Viettel đã được chấp thuận cổ phần hóa; MobiFone cũng có kế hoạch cổ phần hóa từ năm 2005, nhưng đến nay, nhà mạng này vẫn chưa thoát khỏi cái bóng của Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam, trong khi có tham vọng vươn ra thị trường nước ngoài để lọt vào top 10 mạng di động hàng đầu châu Á.
Cùng với viễn thông, hàng không cũng nằm trong nhóm các lĩnh vực mà nhà đầu tư nước ngoài đang có ý định giải ngân. Ngay từ đầu năm 2011, khi nhận thấy thị trường có dấu hiệu phục hồi, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) cho biết sẽ khởi động lại kế hoạch cổ phần hóa bị trì hoãn từ năm 2008.
Tương tự, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đang chuẩn bị kế hoạch IPO vào cuối năm nay. Mặc dù phương án cổ phần hóa BIDV vẫn đang được các bộ chức năng và Ngân hàng Nhà nước phê duyệt, nhưng về cơ bản, BIDV dự kiến giữ nguyên 80% vốn nhà nước hiện có; phát hành thêm cổ phần để tăng vốn điều lệ cho nhà đầu tư chiến lược và nhà đầu tư nước ngoài 15%; cán bộ - công nhân viên 1%, công đoàn 1%, cổ đông khác thông qua IPO 3-5%. Hiện BIDV đang hoàn thành các thủ tục pháp lý để có thể chính thức chuyển đổi thành ngân hàng thương mại cổ phần trong quý I/2012.
Rõ ràng, các DN nhà nước đang cần những nhà đầu tư lớn nhằm cải thiện tình hình và đưa vị thế lên tầm cao mới, nhưng vẫn nghe ngóng diễn biến của thị trường chứng khoán để chớp thời cơ tiến hành IPO.
Trong khi đó, với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, việc tiến hành cổ phần hóa các DN, tập đoàn nhà nước vẫn là một câu chuyện chưa có hồi kết, song họ vẫn lạc quan và thích ứng nhằm chờ thời cơ đối với những đại gia này.
Chừng nào thông?
Mặc dù thị trường chứng khoán đã khởi sắc sau thời gian khủng hoảng, nhưng bất kỳ vụ IPO sắp tới nào cũng sẽ phải đương đầu với không ít thách thức, như bất ổn kinh tế vĩ mô về lạm phát, lãi suất, tỷ giá và tâm lý sợ rủi ro tăng cao của giới đầu tư sau vụ việc ở Vinashin. “Chưa thể nói trước về dự định của các DN có thực hiện được hay không và IPO có được giá như kỳ vọng”, ông Đặng Quyết Tiến, Phó cục trưởng Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính) nói.
Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, vẫn có những đợt IPO lớn của 4 DN nhà nước (VNSteel, MHB, Petrolimex và Cosevco) khiến dư luận và các cổ đông bàn tán xôn xao khi kết quả chỉ có Petrolimex là khả quan, còn lại VNSteel, MHB không một nhà đầu tư nước ngoài nào đăng ký tham gia đấu giá cổ phần.
Trên thực tế, mỗi khi thị trường chứng khoán sôi động, các DN cổ phần hóa có thể bán cổ phiếu rất nhanh, với mức giá cao. Điều đó đã tác động tích cực giúp quá trình cổ phần hóa được đẩy nhanh hơn. Song với giá cao đó, ban lãnh đạo DN có đủ khả năng mang lại lợi nhuận, đáp ứng được kỳ vọng mà nhà đầu tư, cổ đông đã mua với giá cao đó không? Ngược lại, khi thị trường chứng khoán ảm đạm, quá trình này cũng chững lại. Nếu cứ cố tiến hành, lại bán không hết và giá bán không được như kỳ vọng.
Trên quan điểm của đơn vị tư vấn IPO cho Petrolimex khá thành công, bà Nguyễn Thanh Hương, Giám đốc Khối dịch vụ ngân hàng đầu tư (Công ty Chứng khoán Sài Gòn), cho rằng: “Muốn chuyển đổi hoạt động DN, để minh bạch hơn và hiệu quả hơn, không nhất thiết phải phụ thuộc vào thị trường. DN cần chủ động thay đổi về chất khi tham gia thị trường, chứ không phải mong chờ thị trường lên để tác động vào cổ phiếu của DN mình”.
Trở lại với các tiêu chí ban đầu của cổ phần hóa là nâng cao hiệu quả DN thông qua việc tạo ra loại hình DN nhiều chủ sở hữu. Cổ phần hóa cũng nhằm phát huy quyền làm chủ của người lao động, của cổ đông, tăng cường giám sát xã hội với DN, đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên.
Như vậy, có vẻ các DN và tổ chức liên quan chưa đi đúng mục đích của cổ phần hóa là không nên đặt nặng vấn đề lợi nhuận thu về trước khi cổ phần hoá. “Điều quan trọng là, DN đó đã sẵn sàng đối mặt với thách thức lớn sau cổ phần hoá, để có thể mang lại hiệu quả cao về doanh thu, lợi nhuận. Điều này chỉ có thể đến khi DN tìm được nhà đầu tư chiến lược tốt và đúng đắn”, bà Hương chia sẻ
Anh Hoa
ĐẦU TƯ



Xem bài viết: Cổ phần hoá DNNN: Không nên đặt nặng lợi nhuận thu về