Vietstock Daily 06/10: Mô hình tiếp tục cẩn trọng trên HNX
(Vietstock) – Với các diễn biến trên thị trường tiền tệ thời gian gần đây, chúng tôi cho rằng các ngân hàng lớn sẽ có thêm nhiều cơ hội để cải thiện kết quả kinh doanh.
I. NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG NGÀY 06/10/2011
Diễn biến giao dịch: VN-Index giảm 0.23% về mức 417.21 điểm, HNX-Index giảm 0.17% đứng tại 70.34 điểm. VS 100 cho thấy xu hướng thị trường hôm này là đi ngang khi giảm nhẹ 0.03%.
Khối lượng giao dịch khớp lệnh tăng mạnh 28.9% trên HOSE, nhưng sụt giảm 5% trên HNX.
Khối ngoại mở rộng bán ròng với tổng giá trị gần 49 tỷ đồng trên cả hai sàn. Họ tiếp tục bán mạnh nhiều mã bluechips như VIC, ITA, FPT ..., trong khi mua mạnh nhất ở DPM.

Triển vọng thị trường: Chứng khoán Mỹ và châu Âu đã tăng trở lại khi Fed tuyên bố sẵn sàng các biện pháp kích thích kinh tế mới khi nền kinh tế nước này có thể chững lại và giới đầu tư đồn đoán về khả năng châu Âu phải giải cứu các ngân hàng.
Giao dịch trên TTCK Việt Nam đã tỏ ra tích cực vào đầu phiên nhưng hai chỉ số chính quay đầu giảm nhẹ vào cuối phiên. Nhìn chung thị trường có phiên đi ngang khi chỉ số VS 100 giảm nhẹ 0.03%. Sự sụt giảm của chỉ số chính chủ yếu đến từ ảnh hưởng của nhóm Large Cap khi giảm 0.58%, trong khi các nhóm còn lại đều tăng điểm nhẹ.
Cổ phiếu nóng IJC có phiên giao dịch lớn nhất thị trường với hơn 5.6 triệu cổ phiếu được sang tay (chủ yếu là nhà đầu tư trong nước). TDC, PXL, PVT trên HOSE cũng bị bán khá mạnh, trong khi GTT dư mua trần khá lớn. Giao dịch trên HNX diễn ra sôi động chủ yếu ở nhóm CTCK như VND, KLS…và các mã họ “P”.
Lượng đặt mua đã tăng mạnh mẽ trở lại trên HOSE và duy trì khá tốt trên HNX. Chúng tôi nhận thấy hoạt động mua bán trong phiên đang khá sôi động, nhằm tìm kiếm lợi nhuận trong bối cảnh thị trường vẫn chưa có nhiều thông tin tích cực. Nhiều khả năng hoạt động này sẽ tiếp tục diễn ra trong những phiên giao dịch tới đây.
Các tín hiệu từ Mô hình Định lượng Kỹ thuật tiếp tục cho tín hiệu cần cẩn trọng trên HNX (tỷ lệ cổ phiếu là 56%, không thay đổi) và tích cực hơn tí chút trên HOSE (54%).
Với các diễn biến trên thị trường tiền tệ thời gian gần đây, chúng tôi cho rằng các ngân hàng lớn sẽ có thêm nhiều cơ hội để cải thiện kết quả kinh doanh. Xem thêm nhận định của chúng tôi bên dưới.
Vĩ mô: Ngày 04/10/2011, NHNN đã có cuộc họp với 12 NHTM lớn (chiếm 85% thị phần tín dụng). Thông cáo báo chí của NHNN hôm nay cho thấy một số nội dung đáng chú ý được thảo luận và thống nhất trong cuộc họp này:
(1) Huy động vốn và tín dụng 20 ngày đầu tháng 9 giảm do việc hạch toán lại đúng bản chất của các khoản tiền gửi và cho vay trước đây, nhưng đã có biểu hiện tăng trở lại từ ngày 23/9/2011. Vietstock: Không có thêm thông tin chi tiết được được đưa ra liên quan đến việc “hạch toán lại đúng bản chất của các khoản tiền gửi và cho vay trước đây”.
Trước đó, huy động vốn trong tháng 8 đã tăng đột biến và có giả định cho rằng đây thực ra là nguồn tín dụng “ảo” vì nó xuất phát từ hoạt động ủy thác giữa các ngân hàng với nhau để tận dụng cơ hội trước khi lãi suất trần được áp dụng. Một khi trần lãi suất huy động 14% được thực hiện nghiêm thì các ngân hàng sẽ phải “nhả” các khoản ủy thác này và nhóm ngân hàng quy mô nhỏ sẽ gặp khó khăn về thanh khoản.
Nếu thông tin tăng trưởng huy động vốn từ cuối tháng 9 đã trở nên tích cực hơn như NHNN đề cập là đúng, thì với thực tế trần lãi suất huy động, nhóm ngân hàng nhỏ sẽ tiếp tục khó khăn. Ngoài ra, chúng tôi cho rằng NHNN cũng sẽ có khả năng tăng cung tiền mạnh trong cuối năm 2011 và như vậy áp lực lên nhóm này chưa thể biến mất một sớm một chiều.
(2) NHNN tái khẳng định đảm bảo mức độ biến động của tỷ giá không quá 1% từ nay đến cuối năm 2011. Vietstock: Áp lực tỷ giá vào giai đoạn cuối năm thường có xu hướng tăng lên, và trong thời gian qua bị tác động cộng hưởng bởi hoạt động đầu cơ trên thị trường vàng. Hiện giá vàng trong nước vẫn đang cao hơn giá thế giới gần 3 triệu đồng/lượng, thậm chí khi sử sụng tỷ giá quy đổi theo thị trường tự do, và kích thích hoạt động gom USD để nhập lậu vàng. Trong lúc chờ đợi giải pháp chấm dứt sự lũng đoạn thị trường vàng được thảo luận thời gian qua, thì có lẽ trong những ngày tới NHNN sẽ bán USD ra để can thiệp vào thị trường ngoại hối (như đã làm trong tháng 8 và 9).
Đối với giải pháp bình ổn thị trường vàng trong nước, có thông tin cho rằng một số ngân hàng sẽ được lựa chọn để tham gia. Với cách bán vàng ra khi giá trong nước cao hơn thế giới và được mua một lượng tương đương trên tài khoản thì các ngân hàng tham gia sẽ nắm chắc phần lợi nhuận. Như vậy, các ngân hàng tham gia chương trình này sẽ có cơ hội cải thiện hoạt động kinh doanh trong thời gian tới.
(3) Khuyến khích và tiếp tục ủng hộ những ngân hàng tổ chức và cá nhân phát hiện những sai phạm về quy định trần lãi suất huy động để NHNN có biện pháp xử lý kịp thời. Vietstock: Trong thời gian qua đã xuất hiện nhiều vụ việc lùm xùm liên quan đến hoạt động “đấu tố” huy động với lãi suất vượt trần giữa các ngân hàng. NHNN lấn này tái khẳng định cơ quan này ủng hộ việc giám sát lẫn nhau trong hệ thống và tỏ ra rất cương quyết duy trì trần lãi suất huy động, phục vụ chiến lược tiếp tục kéo giảm lãi suất cho vay. Có lẽ các ngân hàng quy mô nhỏ sẽ tiếp tục gặp khó khăn hơn trong thời gian tới.
(4) Ngân hàng Nhà nước đang cùng các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, rà soát để công bố một số đối tượng, lĩnh vực phục vụ an sinh xã hội không nằm trong danh mục các ngành phi sản xuất, tạo điều kiện về lãi suất cho vay. Vietstock: Trước đây, Bộ Xây dựng từng đề xuất NHNN nới lỏng lãi suất cho các lĩnh vực xây dựng tài sản cố định, nhà ở thu nhập thấp, công trình dỡ dang… Chúng tôi lúc đó có đề cập đến khả năng các lĩnh vực bị “đánh đồng” để được hưởng ưu đãi. Nếu điều này diễn ra thì không loại trừ khả năng TTCK sẽ được hưởng lợi từ tín dụng giá rẻ hơn thị trường; nhưng về dài hạn sẽ làm gia tăng rủi ro vĩ mô. Ngoài ra, trách nhiệm phân loại tại các NHTM và công tác kiểm tra, giám sát của NHNN là không hề nhẹ nhàng chút nào.
(5) Kiểm soát chặt chẽ việc cho vay bằng ngoại tệ, giảm quy mô và tốc độ phù hợp với khả năng huy động vốn bằng ngoại tệ trên thị trường I và các nguồn vốn ổn định lâu dài từ nước ngoài, kiểm soát chặt chẽ đối với trường hợp vay vốn bằng ngoại tệ để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ mà khách hàng không có nguồn thu bằng ngoại tệ từ sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay. Từng bước thực hiện tốt chủ trương chuyển dần quan hệ nhận gửi và cho vay bằng ngoại tệ sang quan hệ mua bán ngoại tệ để giảm tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế. Vietstock: Đây là một điểm khẳng định lại chủ trương gần đây của NHNN là hạn chế tăng trưởng tín dụng (được kích thích bởi lãi suât thấp hơn nhiều so với VND và tỷ giá không biến động nhiều), hạn chế tình trạng đô la hóa. Trước đây, nhiều doanh nghiệp vẫn đang dựa vào nguồn vốn này để duy trì hoạt động. Trong trường hợp điều này được thực hiện nghiêm túc mà tín dụng nội tệ không được “cởi trói” thì áp lực đè nặng lên doanh nghiệp càng tăng cao.
(6) Khoảng đầu tháng 11/2011, NHNN sẽ thông báo định hướng hoạt động của ngành năm 2012, trong đó các chỉ tiêu tăng trưởng sẽ được xác định phù hợp với trạng thái hoạt động của từng ngân hàng. Vietstock: Có thể NHNN sẽ ấn định chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng nhóm ngân hàng dựa trên các tiêu chí an toàn hoạt động như quy mô, tỷ lệ LDR, CAR, nợ xấu… Và một lần nữa các ngân hàng quy mô lớn, có tiềm lực mạnh sẽ có cơ hội cải thiện hoạt động kinh doanh trong năm tới.
Phân tích kỹ thuật: VN-Index – Tiếp tục thoái lùi. Sau khi phá vỡ SMA 100, VN-Index tiếp tục đà điều chỉnh. Tuy nhiên, sự sụt giảm không còn mạnh như trong các phiên giao dịch trước. Chúng tôi cho rằng đây là tín hiệu tích cực trong ngắn hạn.
Đường MACD Histogram đã bắt đầu có hiện tượng đảo chiều nhẹ và có thể sẽ tăng trở lại trong vài phiên tới nếu như VN-Index không tiếp tục giảm trong những phiên cuối tuần.
Hiện nay, giá đang duy trì bên trên Fibo Retracement 61.8%. Đây là ngưỡng chống đỡ cuối cùng trong ngắn hạn; nên nếu như thủng vùng này thì thì nguy cơ về lại vùng đáy cũ 380 – 400 điểm là rất cao.

HNX-Index – Doji liên tục xuất hiện. Như chúng tôi đã đề cập trong báo cáo trước, sự xuất hiện của Doji cho thấy sự giằng co mạnh trong tâm lý nhà đầu tư. Nếu những mẫu hình tương tự xuất hiện trong những phiên cuối tuần thì nhiều khả năng sẽ có đảo chiều tăng điểm vào đầu tuần sau.
Khối lượng vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện. Thông thường khi về gần các vùng hỗ trợ dài hạn như vùng 66 – 69 điểm khối lượng sẽ gia tăng mạnh nhờ vào lực cầu bắt đáy lớn. Vì vậy, nếu thanh khoản vẫn không cải thiện trong vài phiên tới khả năng bị thủng là rất lớn.

VIETSTOCK INDEX
VS 100: Gần như đứng yên (-0.03%) trong phiên giao dịch ngày 05/10/2011, VS 100 đã bước sang phiên giảm điểm thứ 5 liên tiếp. Khả năng phục hồi tại thời điểm này là khá thấp.
Vùng 56 – 58 điểm sẽ đóng vai trò hỗ trợ mạnh cho VS 100 trong vài phiên tới nếu tiếp tục quá trình giảm điểm mạnh.

VS-Market Strength: Trong phiên giao dịch ngày 05/10/2011, VS-A/D HOSE đạt mức 1.62, tức số mã tăng giá bằng 1.62 lần số mã giảm giá; trong khi VS-U/D HOSE là 0.77, tức khối lượng của cổ phiếu tăng giá bằng 0.77 lần so với khối lượng giao dịch của phía giảm giá. VS-A/D HNX đạt 1.46 lần và VS-U/D HNX bằng 2.85 lần. Chỉ số VS-Arms VN duy trì ở mức 1.16.

II. PHÂN TÍCH KỸ THUẬT DOW JONES
Ngắn hạn – Fibo 261.8% vẫn trụ vững. Ngưỡng Fibo Retracement 261.8% tiếp tục chứng minh tính vững chắc của mình khi hỗ trợ rất tốt cho giá trong phiên giao dịch ngày 04/10/2011. Ngay khi vừa test ngưỡng này DJIA đã bứt phá trở lại khá mạnh.
Các chỉ số dao động (momentum) cũng đang dần dịch chuyển về vùng thấp nhưng chưa thực sự đủ hấp dẫn để tạo ra những breakpoint chiến lược ngắn hạn.
Dự kiến thị trường Mỹ sẽ tiếp tục giằng co mạnh trong những phiên cuối tuần.
Dài hạn – Khả năng sụt giảm vẫn còn. Các đường MA dài hạn vẫn tiếp tục lao dốc mạnh bất chấp những cải thiện trong ngắn hạn. Áp lực từ nhóm này sẽ gia tăng ngày càng mạnh trong những phiên cuối tuần.
Chúng tôi tiếp tục lo ngại về sự lặp lại của kịch bản năm 2008 trên thị trường Mỹ. Trừ khi có một sự phá vỡ đồng loạt các ngưỡng kháng cự mạnh, còn nếu không sẽ khó thay đổi được xu hướng giảm dài hạn hiện nay.

III. THỐNG KÊ THỊ TRƯỜNG NGÀY 05/10/2011

Phòng Nghiên cứu Vietstock



Xem bài viết: Vietstock Daily 06/10: Mô hình tiếp tục cẩn trọng trên HNX