Chỉ trong vòng 24 giờ, những người đổ xô mua vàng, hầu hết là người lao động có chút ít tài sản, đã mất đi 10% số tài sản tích cóp của mình nếu mua vàng.

Trong hai ngày 11 và 12.11.2009, Giá vàng từ “sốt” chuyển qua “rét”. Người dân, đặc biệt là ở thị trường Hà Nội, từ đổ xô đi mua giá cao, chuyển sang đổ xô bán giá thấp…

Khi dân lo tiền mất giá

Hiện tượng người dân chen nhau ngạt thở chờ mua vàng của ngày 11.11 để rồi cắn răng chịu lỗ 3 - 4 triệu đồng/lượng bán ra vào sáng ngày 12.11 đã phản ánh phần nào tâm lý sợ tiền mất giá.

Sáng 11.11, khi nghe con gọi điện về báo giá vàng tăng trên 28 triệu đồng/lượng, ông bà Nguyễn Văn Hai (Bàu Cát, Q. Tân Bình), đều đã hưu trí, lập tức lấy sổ tiết kiệm ra ngân hàng rút tiền, vét hết tiền dự phòng trong nhà ra mua 3 lượng. Bà Hai bảo: “Vàng tăng thế này, hàng hoá sẽ đua nhau tăng nay mai thôi.”

Diệu Linh, nhân viên văn phòng đang làm việc ở Q.7, kể: suốt buổi sáng ngày 11.11, nhận được gần 10 tin nhắn từ bạn bè, bảo là có đô, có tiền mang ra mua vàng hết đi!

Để ổn định thị trường, chống đầu cơ, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, Ngân hàng Nhà nước cho phép nhập khẩu vàng với khối lượng phù hợp đủ để can thiệp thị trường. Từ đỉnh 29,4 triệu đồng/lượng trưa 11.11, giá vàng nhanh chóng rớt xuống 26,4 triệu đồng/lượng trưa 12.11 và còn 26 triệu đồng cuối buổi chiều cùng ngày. Tuyên bố của Ngân hàng Nhà nước đã có tác dụng tức thời. Nhưng chỉ trong vòng 24 giờ, những người đổ xô mua vàng, hầu hết là người lao động có chút ít tài sản đã mất đi 10% số tài sản tích cóp của mình nếu mua vàng.

Ai đầu cơ?

Ngày 11.11 ngày sôi động nhất của thị trường vàng Việt Nam từ trước đến nay với kỷ lục tăng giảm giá nhanh nhất (tăng gần 3 triệu đồng/lượng trong vòng 3 giờ đồng hồ, và giảm gần 2 triệu đồng/lượng sau đó khoảng 2 giờ), cũng như kỷ lục về hơn 30 lần điều chỉnh giá…đã trôi qua. Hệ quả: kẻ khóc là người dân với mức lỗ 3-4 triệu đồng/lượng chỉ sau 1 ngày, còn người cười là giới kinh doanh với mức lãi thu về đạt siêu lợi nhuận từ trước đến nay.

Có nhiều nhận định, giá vàng tăng do đầu cơ. Ngân hàng Nhà nước cũng xác nhận hôm 11.11 là có yếu tố đầu cơ: lợi dụng diễn biến bất ổn của giá vàng thế giới và tâm lý lo ngại giá vàng thế giới tiếp tục tăng của người dân, giới đầu cơ trong nước đã đẩy giá vàng lên cao. Ngân hàng Nhà nước khuyến cáo người dân cần cẩn trọng trước quyết định mua vàng trong thời điểm giá vàng thế giới biến động phức tạp và có yếu tố đầu cơ trục lợi như hiện nay.

Đầu cơ là để hưởng lợi. Tuyên bố của Ngân hàng Nhà nước không xác định ai đầu cơ. Nhưng từ thực tế thị trường, có thể dễ dàng nhận ra ai là người hưởng lợi.

Các doanh nghiệp, trong đó có những doanh nghiệp vừa được phép nhập vàng, đã tranh thủ bán giá cao, và mua giá thấp. Ngay cả khi không có vàng để giao, thì họ vẫn bán, thu tiền, giao biên nhận rồi sẽ giao vàng sau. Dễ thấy, chỉ trong vòng 24 giờ sau, họ có được nguồn vàng giá rẻ để giao cho những người đã lỡ mua giá cao ngày trước đó.

Không chỉ doanh nghiệp lớn, sáng 12.11, nhiều cửa hàng vàng lớn có lượng người đến bán quá đông nên chưa có tiền để trả ngay cho khách mà viết giấy hẹn sẽ trả tiền sau. Các nhà kinh doanh nhỏ, cửa hàng vàng, mua đến đâu, bán đến đó, bán đến đâu mua đến đó để tránh rủi ro. Đặc biệt, chênh lệch giữa giá mua và giá bán có lúc lên tới hơn 1 triệu đồng/lượng. Mức chênh lệch này được xem là một cách tránh rủi ro của các nhà kinh doanh vàng khi giá vàng biến động.

Cuối cùng, chỉ những người dân đổ xô đi mua, đi bán là chịu thiệt.