Nếu tình trạng mất cân đối toàn cầu không được giải quyết, chỉ 10-15 năm nữa thế giới sẽ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng tài chính thậm chí còn nặng nề hơn.

Cuộc khủng hoảng kinh tế đã tạo ra những chuyển biến sâu sắc, phần nào giúp khắc phục sự mất cân bằng trong nền kinh tế của mỗi quốc gia cũng như trên toàn cầu. Nhưng nhiều người nghĩ rằng chính tác động đó trước hết đã làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng.
Tuy nhiên, vẫn chưa rõ là những điều chỉnh trong nội bộ kinh tế Mỹ cũng như các nước khác sẽ đi tới đâu, và tình trạng mất cân bằng trong quan hệ kinh tế đối ngoại trong tương lai có được duy trì ở một mức độ không gây nguy hiểm cho kinh tế thế giới hay không.


Trong khi đó, một sự điều chỉnh đáng kể đã xảy ra đối với các hộ gia đình Mỹ. Chi tiêu tiêu dùng nước này tăng trưởng âm trong vài quý gần đây, cùng với đó là mức sụt giảm khoảng 150 tỷ USD trong khoản vốn vay dành cho tiêu dùng kể từ đầu năm ngoái.


Tỷ lệ tiết kiệm bình quân của các hộ gia đình năm 2007 chỉ chiếm khoảng 1,7% thu nhập khả dụng.


Nhưng đến tháng 5 vừa qua nó đã chạm đỉnh cao nhất là 5,9% với cú hích từ gói kích thích tài khóa, trước khi giảm xuống còn 3,3% trong tháng 9. Song các nhà kinh tế cũng không thể khẳng định chắc chắn xu hướng này sẽ tiếp diễn được bao lâu.


Ông Martin Bailey – một thành viên của Brookings, đồng thời là cố vấn kinh tế cao cấp dưới thời Clinton – nói: “Người tiêu dùng nước Mỹ đang vay mượn quá nhiều mà không ý thức được hậu quả của nó”.


Trên thực tế, có hai cách để nhìn nhận về tình trạng nợ nần này, và chúng dẫn đến những câu chuyện khác nhau.


Tỷ lệ nợ trên thu nhập của các hộ gia đình sau khi chạm đỉnh 136% vào quý I năm ngoái đã quay đầu đi xuống, tuy nhiên vẫn cao hơn nhiều so với mức trung bình 100% trong lịch sử.


Điều này cho thấy còn phải mất thêm nhiều thời gian nữa để người tiêu dùng Mỹ có thể cải thiện khả năng tài chính của mình, bởi tiết kiệm chỉ có khả năng giảm nợ một cách dần dần.


Ngược lại, tỷ lệ trị giá tài sản ròng (bằng tổng tài sản trừ đi tổng nợ) trên thu nhập tăng lên nhờ cú bật dậy mạnh mẽ của thị trường chứng khoán mang lại góc nhìn lạc quan hơn.


Sau khi sụt giảm mạnh từ 625% xuống dưới 500% thì đến nay tỷ số này chỉ còn thấp hơn một chút so với mức trung bình 550% tính từ năm 1993. Và điều này có nghĩa là người tiêu dùng nước Mỹ không cần có một sự thay đổi lớn nào cả.


Một nghiên cứu gần đây của Bank of America - Merrill Lynch đã chỉ ra rằng: dưới những giả định hợp lý, nếu các hộ gia đình Mỹ muốn giảm tỷ lệ nợ xuống còn 100% thu nhập trong vòng 10 năm thì họ phải nâng tỷ lệ tiết kiệm lên 12%.


Nhưng nếu đặt mục tiêu là đưa giá trị tài sản ròng về mức trung bình trong dài hạn so với thu nhập và đầu tư thêm vào các tài sản thay vì chỉ để dành trả nợ, thì các hộ gia đình chỉ phải giữ tỷ lệ tiết kiệm ở mức 5%.


Ông Bailey nhận định: “Khi nền kinh tế Mỹ hồi phục, có thể chắc chắn rằng tiêu dùng sẽ tăng – dù tốc độ không nhanh như trước đây - với một tỷ lệ gần bằng mức tăng trưởng của thu nhập khả dụng.”


Cho tới nay, sự giảm sút trong hoạt động cho vay cá nhân tại Mỹ và Anh đã phần nào được bù lại bằng sự gia tăng của các khoản vay công khi chính phủ cố gắng duy trì sức cầu thông qua chính sách kích thích tài khóa.


Tuy nhiên,như tổng thống Barack Obama đã giải thích trong chuyến công du châu Á vừa qua: Mỹ và những quốc gia có mức thâm hụt ngân sách lớn mong muốn các nước khác kích thích nhu cầu nội địa, nhờ đó chi tiêu khu vực công có thể được cắt giảm dần mà sự hồi phục vẫn bền vững.


Đây là vấn đề không mới mẻ nhưng vẫn đầy thách thức do tình trạng mất cân bằng trên toàn cầu gây ra.


Từ khi cuộc khủng hoảng nổ ra, sự mất cân bằng - phản ánh qua những khoản thặng dư và thâm hụt khổng lồ trong thương mại cũng như tài khoản vãng lai - đã được điều chỉnh giảm nhẹ.


Quỹ tiền tệ quốc tế ước tính thâm hụt tài khoản vãng lai của Hoa Kỳ sẽ giảm một nửa, từ 5,2% GDP năm 2007 xuống 2,6% trong năm nay, trong khi con số này tại Anh có mức giảm ít hơn: từ 2,7% xuống 2%.


Do đó, khoản thặng dư tương ứng của các nước châu Á đang phát triển được dự đoán sẽ giảm từ 7% GDP xuống 5% trong cùng thời gian.


Khu vực Trung Đông sẽ chứng kiến thặng dư sụt giảm đáng kể: từ 18,1% GDP xuống 2,6%, nhưng nhiều khả năng xu hướng này không kéo dài.
Vấn đề được đặt ra là liệu sự điều chỉnh trên mang tính chu kỳ hay là một thay đổi mang tính cấu trúc.


GS Ken Rogoff thuộc đại học Havard – người từng là kinh tế gia trưởng của IMF – phát biểu: “Khó có thể xác định được tính chất của hiện tượng này, nhưng nhiều nghi ngại cho rằng đó là thay đổi mang tính chu kỳ. Nếu không có những thay đổi mạnh mẽ trong chính sách thì thâm hụt tài khoản vãng lai sẽ lại quay trở về mức 5%”


GS Raghuram Rajan thuộc Trường Kinh doanh Chicago Booth, cũng từng là kinh tế gia trưởng của IMF, nói: “Những số liệu mới nhất cho thấy thâm hụt tài khoản vãng lai của Hoa Kỳ đang tăng trở lại.”


Ông Rajan cho rằng các quốc gia hưởng thặng dư đã thấy được mối nguy hiểm nếu dựa dẫm quá nhiều vào cầu hàng hóa từ nước Mỹ.


Ông nhấn mạnh những điều chỉnh cần phải tạo ra một quá trình điều tiết dài hạn để tái cân đối toàn cầu – nó đòi hỏi không chỉ những thay đổi đột ngột mang tính chính trị về vấn đề tiền tệ mà còn là sự cải tổ hệ thống của cả các quốc gia thặng dư lẫn các nước thâm hụt.


Thế nhưng một số nhà kinh tế không mấy bận tâm về tình trạng mất cân bằng đó, theo họ những vấn đề như kết cấu của hệ thống tài chính còn đáng lo ngại hơn.


GS Rogoff đã phản bác lại rằng nếu tình trạng mất cân bằng trầm trọng quay trở lại thì dòng vốn bơm vào nước Mỹ - cũng như các quốc gia chịu thâm hụt khác – sẽ tạo ra một bong bóng mới.


Ông nói: “Điều đó có nghĩa là chúng ta sẽ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng tài chính khác, nghiêm trọng hơn chỉ trong vòng 10-15 năm tới chứ không phải chờ đến 50-70 năm”.
Theo Dân Trí/FT
Chuyên trang thông tin giao dịch Vàng - Forex: www.vinafox.com