Mặt bằng lãi suất có thể giảm thêm 4%
Ông Vũ Viết Ngoạn
Ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, nếu kiềm chế được tốc độ lạm phát ở mức 9% như mục tiêu Chính phủ đặt ra, thì năm 2012 hoàn toàn có thể giảm mặt bằng lãi suất cho vay thêm 4 điểm phần trăm so với hiện nay.
Mặt bằng lãi suất cho vay hiện nay thế nào, thưa ông?
Đối với những khoản cho vay ngoài nhóm ưu đãi (nông nghiệp, xuất khẩu…), mặt bằng lãi suất hiện khoảng 20%. Tôi cho rằng, năm 2012, nếu kiềm chế được lạm phát ở mức khoảng 9% thì hoàn toàn có thể hạ được mặt bằng lãi suất cho vay xuống 15 - 16%/năm, tức là giảm khoảng 4 điểm phần trăm so với hiện nay. Thậm chí, nếu tiếp tục thực hiện quyết liệt các biện pháp được đặt ra trong Nghị quyết 11/NQ-CP năm 2011 về các biện pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thì hoàn toàn có thể hạ lãi suất cho vay xuống mức 13 - 14%/năm.
Dựa vào cơ sở nào mà ông đưa ra nhận định như vậy?
Giả sử năm 2012, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng là 9%, ngân hàng huy động tiền gửi khoảng 10,5%/năm, thì người gửi tiền cũng đã có lợi, vì ngân hàng bảo đảm được lãi suất thực dương. Thông thường, ngân hàng mất khoảng 2,5% chi phí cho hoạt động huy động và cho vay, nếu ngân hàng chỉ lấy lợi nhuận 1 - 2%, thì mức lãi suất cho vay 14 - 15%/năm là hoàn toàn phù hợp. Như vậy, người gửi tiền có lợi, ngân hàng có lợi, người vay vốn cũng có lợi và nền kinh tế được hưởng lợi rất nhiều, bởi khi chi phí vốn giảm sẽ kích thích đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng thu ngân sách, tạo thêm việc làm.
Tốc độ lạm phát 9% trong năm nay chỉ là giả thiết, thưa ông?
Mặc dù đưa ra dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới khác nhau, nhưng hầu hết các tổ chức tài chính quốc tế đều có chung nhận định rằng, tình hình kinh tế thế giới năm nay ảm đạm hơn năm 2011. Tốc độ tăng GDP thế giới năm nay được dự báo ở mức 2,4 - 3,2%, thấp hơn đáng kể so với tốc độ tăng trưởng 4% trong năm 2011.
Tốc độ tăng trưởng GDP giảm, nhu cầu về nguyên, nhiên, vật liệu giảm sẽ kéo theo giá hàng hoá, đặc biệt là nguyên vật liệu trên thị trường thế giới (ngoại trừ giá dầu mỏ được dự báo ổn định) giảm xuống, thay vì tăng 20% trong năm qua. Với tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam năm 2011 tương đương 89% GDP (đạt 105,8 tỷ USD), thì khi giá cả trên thị trường thế giới giảm sẽ làm giảm đáng kể áp lực đối với lạm phát của Việt Nam.
Theo tính toán của tôi, cộng cả việc tăng giá than, điện và các loại hàng hoá, dịch vụ khác do Nhà nước định giá, thì tốc độ tăng giá tiêu dùng năm nay tối đa cũng chỉ ở mức 9%. Đây là cơ hội rất lớn để giảm lãi suất cả huy động lẫn cho vay.
Nhưng ngoài lạm phát, lãi suất còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, như nợ xấu, tính thanh khoản, chất lượng tín dụng…?
Cuối quý II/2011, nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng là 71.600 tỷ đồng, tăng 20.000 tỷ đồng so với đầu năm. Trong 6 tháng cuối năm, nợ xấu tiếp tục gia tăng và lên tới 85.000 tỷ đồng. Nợ xấu tăng tăng nhanh, trong khi tốc độ dư nợ tín dụng tăng nhẹ cho thấy chất lượng tín dụng suy giảm. Các ngân hàng gần đây thường chiếm dụng vốn lẫn nhau, chứng tỏ tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng khá căng thẳng. Điều đáng nói là, căng thẳng thanh khoản đã lan từ ngân hàng nhỏ, ngân hàng yếu sang cả ngân hàng lớn, ngân hàng mạnh. Vì vậy, để giảm được lãi suất, ngoài yếu tố lạm phát giảm, còn phải xử lý cả nợ xấu và tính thanh khoản nhằm nâng cao chất lượng tín dụng.
Mấu chốt của vấn đề này là tỷ lệ cho vay/huy động của hệ thống ngân hàng quá cao và ngày càng tăng mạnh, từ mức 0,95 năm 2008 lên 1,01 năm 2009 và 2010. Năm 2011, mặc dù thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ, song tỷ lệ cho vay/huy động ước lên 1,02 - 1,03. Để cải thiện chất lượng tín dụng, cần phải thực hiện rất nhiều việc, trong đó, việc quan trọng nhất và phải thực hiện cương quyết là tiếp tục thắt chặt tín dụng, bảo đảm tốc độ tăng trưởng tín dụng năm nay chỉ 15 - 17%.
Mạnh Bôn
ĐẦU TƯ



Xem bài viết: Mặt bằng lãi suất có thể giảm thêm 4%