Thị trường chứng khoán: Bản ballad sắp đến
Một con sóng mới đang sắp hình thành. Nếu tương ứng với những giai đoạn từng có của lịch sử, thường thì sau con sóng thứ nhất, con sóng thứ hai tỏ ra còn mạnh hơn. Bản ballad mới sắp lên tiếng.

Bản ballad đã qua
Những nhà đầu tư liều lĩnh bắt dao rơi tại vùng điểm 425 của VNI và 69-70 của HNX có thể sẽ tự hào vì đã mua đúng vùng đáy, thậm chí đúng điểm đáy.
Bản ballad tổng hòa chỉ làm xước nhẹ tâm hồn nhà đầu tư nhỏ lẻ bằng một chút cay đắng. HNX đã có thể “được” giảm chỉ khoảng 8-10%, một tỷ lệ khá ít ỏi so với mức tăng gần 40% của nó trong con sóng tăng kéo dài từ đầu tháng 1 đến đầu tháng 3/2012.
Trong những phiên điều chỉnh giảm vừa qua, số nhà đầu tư non kinh nghiệm thường ví cơ chế tăng giá xăng dầu như một tác động tiêu cực, cũng như chẳng nhìn ra “độ trễ” từ vấn đề giảm lãi suất tác động đến các thị trường đầu cơ.
Chứng khoán lại chính là một thị trường đầu cơ có truyền thống phản ứng nhanh nhạy nhất đối với sự phục hồi của nền kinh tế (nếu có thể gọi là phục hồi). Còn trong trường hợp gần hết khu vực sản xuất và một phần khu vực kinh doanh ở Việt Nam vẫn còn nằm trong tình trạng đình đốn do thiếu vốn, đói vốn, thực tế đã cho thấy chứng khoán vẫn có cơ hội, hay chính xác hơn là có cớ để đi trước một bước.
Tính ra, TTCK đã phản ứng tích cực hai tháng trước khi NHNN chính thức hạ trần lãi suất từ 14% về 13%. Cho đến nay, có thể đánh giá khái quát là mức lãi suất huy động giảm chẳng đáng bao nhiêu, trong khi mặt bằng lãi suất cho vay lại hầu như chưa được kéo giảm để hỗ trợ doanh nghiệp, do vậy việc chứng khoán hai sàn tăng gần 40% đã là một thành công ngoài mong đợi.
Nhưng mặc dù những tín hiệu phục hồi kinh tế vẫn còn quá ẩn ý, lại đã hé lộ một thứ ánh sáng đặc thù rất dễ thẩm thấu vào các thị trường đầu cơ. Đó là lần đầu tiên trong hơn 6 tháng qua, người đứng đầu NHNN đã “bóng gió” nói đến khả năng mặt bằng lãi suất cho vay có thể giảm về 14,5-16%. Mặt bằng này, nếu so với khả năng có thể vay của doanh nghiệp thì vẫn còn khá cao, nhưng xét đến thực trạng lãi suất cho vay luôn duy trì trên 20% trong nhiều tháng qua thì lại là một dấu hiệu khá khả quan.
Khu vực “phi sản xuất” vì thế cũng được hưởng lợi. Đến bây giờ, mới có thể thấy khá rõ là công văn 674 của NHNN - được ban hành vào gần giữa tháng 2/2012, về tỷ lệ tối đa 16% cho vay đối với một số lĩnh vực không khuyến khích, trong đó có chứng khoán, không phải là không mang tính hàm ý thuận lợi cho thị trường cổ phiếu. Mang tiếng là siết tín dụng đối với thị trường này, nhưng trong một tháng qua, người ta đã bắt đầu chứng kiến một số công ty chứng khoán (và tất nhiên phía sau đó là một số ngân hàng) mở lại chế độ margin cho nhà đầu tư, tuy vẫn còn dè dặt.
Xu hướng tiếp tục cho sử dụng lại đòn bẩy tài chính đối với chứng khoán, kết hợp với khả năng lãi suất cho vay có thể được thực hạ, tức các ngân hàng phải tìm cách “đẩy” nguồn vốn ứ đọng của mình cho khách hàng, đều dẫn đến kết quả là TTCK sẽ được bổ sung một dòng vốn mới. Đó là dòng vốn đầu cơ nhỏ lẻ, bên cạnh dòng vốn đầu cơ của các tổ chức đã tồn tại hơn hai tháng qua nhằm “đánh” thị trường lên.
Bản ballad sắp đến
Ngay trước mắt, thị trường dường như chưa phải chịu một thử thách quá lớn. Vào phiên giao dịch ngày 14/3, khả năng nhiều hơn là hai sàn đã lập đáy ngắn hạn và đang chuẩn bị một sóng tăng trưởng mới. Còn trong trường hợp kém lạc quan hơn, chỉ số HNX cũng khó rớt sâu dưới mốc 65 điểm. Ứng với trường hợp này, các nhà đầu tư nhỏ lẻ bắt dao rơi vẫn không bị thâm vốn quá nặng.
Khách quan cũng đang ủng hộ đà đi lên của TTCK Việt Nam. Trong mấy tháng qua, Dow Jones và Nasdaq đã thay nhau làm mưa làm gió trên TTCK Mỹ. Ánh sáng phục hồi của nền kinh tế Mỹ đang lộ rõ, cùng với vấn đề Hy Lạp “không thể nào chết” đã củng cố hưng phấn cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Có lẽ vì nguyên do cơ bản ấy, giá vàng thế giới trong suốt mấy tháng qua đã chỉ còn biết lặng lẽ nhìn vào cái bóng của nó. Vàng thế giới không thể tăng được, còn giá vàng trong nước cũng “diễn kịch câm”, khiến cho các nhà đầu tư vàng không thể cầm lòng một khi nhìn thấy cơ hội lớn hơn hẳn từ TTCK.
Một con sóng mới đang sắp hình thành. Nếu tương ứng với những giai đoạn từng có của lịch sử, thường thì sau con sóng thứ nhất, con sóng thứ hai tỏ ra còn mạnh hơn. Nói cách khác, có thể gọi đó là một cơn bão lớn lồng lộn trên mặt đại dương mênh mông.
Tất cả những gì chưa tăng trong con sóng thứ nhất sẽ được trọn vẹn thân phận của chúng trong sóng thứ hai. Người ta sẽ được chứng kiến những con sóng của các cổ phiếu vừa và nhỏ, dù vận động một cách tự nhiên hay được làm giá, sẽ có tỷ lệ tăng trưởng đến gấp đôi, thậm chí gấp hơn hai lần, so với mức tăng khoảng 70% của thị trường so với đáy hồi tháng 1/2012.
Thanh khoản cũng vì thế sẽ hứa hẹn lập những kỷ lục mới. Đến bây giờ, con số ngàn tỷ đồng, vốn quá khó để nhận ra vào năm ngoái, đang trở nên lạc hậu trong con mắt nhà đầu tư. Trong thực tế, thị trường đã xác lập những phiên giao dịch có giá trị đến gần 3,000 tỷ đồng trên hai sàn, vượt trên hẳn mức bình quân hồi năm 2009. Với giá trị như vậy, thật khó để cho rằng thị trường này chưa thể thoát khỏi xu thế suy giảm dài hạn.
Mà ngược lại, tất cả đã được tạo thành trong mối hoài nghi dày đặc và đang phát triển nhờ vào tinh thần lạc quan của các nhà đầu tư - điều mà Sir John Templeton đã định nghĩa.
Việt Thắng (Vietstock)
Finfonet



Xem bài viết: Thị trường chứng khoán: Bản ballad sắp đến