Vietstock Daily 22/03: Khả năng tiếp tục tăng trưởng vẫn còn cao!
Chỉ số nhóm cổ phiếu Chứng khoán của Vietstock đã tăng 21% chỉ từ đầu tháng 3, và trong quý 1/2012 đã tăng đến 57%, đứng đầu mức sinh lợi trên thị trường.
I. NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN NGÀY 22/03/2012
VN-Index tăng khá mạnh 1.24% lên 445.77 điểm, trong khi HNX-Index tăng 1.71% lên 75.66 điểm. VS 100 và VN 30 cùng tăng điểm lần lượt là 1.34% và 1.1%, lên tương ứng 70.74 điểm và 506.8 điểm.
VS-Mid Cap tăng điểm mạnh nhất 2.33%; tiếp theo là VS-Small Cap tăng 1.91%, VS-Micro Cap tăng 1.8% và VS-Large Cap tăng 0.82%.
Tổng khối lượng giao dịch khớp lệnh lại tăng vọt lên lần lượt 95.9 triệu và 98.6 triệu đơn vị trên hai sàn HOSE và HNX. Như vậy, sau hai phiên sụt giảm khá mạnh, khối lượng giao dịch trong phiên hôm nay đã gần như lấy lại mức giao dịch ”khủng” trong hai phiên cuối tuần trước.
Khối ngoại duy trì lực mua ròng mạnh hơn 75 tỷ đồng trên HOSE. Họ tiếp tục mua ròng mạnh nhất STB với hơn 1.2 triệu đơn vị, tương ứng với 28.5 tỷ đồng; tiếp theo là MBB với 27 tỷ đồng, CII với 15.3 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, VIC bị bán ròng mạnh nhất với 7.2 tỷ đồng.
Trên HNX, khối ngoại bất ngờ mua ròng mạnh gần 14 tỷ đồng. Họ mua ròng mạnh nhất PVX với 5.6 tỷ đồng, trong khi tiếp tục bán ròng mạnh TH1 với 4.1 tỷ đồng.
Trong vài ngày tới, con số CPI tháng 3 của cả nước sẽ được công bố; và hiện tại có rất ít nghi ngờ về một mức tăng cao quá 0.3%. Trái với hai phiên đầu tuần, thị trường đã chứng kiến lực mua mạnh ngay từ đầu phiên, với dấu hiệu “nóng ruột” của bên mua được thể hiện khá rõ.
Toàn thị trường có đến 22/24 nhóm ngành tăng điểm; dẫn đầu là nhóm ngành Khai khoáng với mức tăng 3.8%, tiếp theo Bảo hiểm tăng 3.48%. Chứng khoán, Xây dựng, Bất động sản, Ngân hàng cũng có mức tăng khá mạnh lần lượt là 2.51%, 2.5%, 1.65% và 1.39%.
Như vậy, thời gian vừa qua hai nhóm ngành đầu cơ “nổi tiếng” là Khai khoáng và Chứng khoán đã tăng điểm vượt bậc. Đáng chú ý nhất là nhóm Chứng khoán khi hàng loạt mã trên cả hai sàn không phân biệt lớn nhỏ đều tăng trần và dư mua rất lớn. Chỉ số nhóm cổ phiếu Chứng khoán của Vietstock đã tăng 21% chỉ từ đầu tháng 3, và trong quý 1/2012 đã tăng đến 57%, đứng đầu mức sinh lợi trên thị trường. Rõ ràng nhóm này rất hợp khẩu vị với nhà đầu tư chứng khoán Việt Nam.
Không nhiều bất ngờ khi hai cổ phiếu “hot” ngành Ngân hàng MBB và HBB trở lại thu hút dòng tiền mạnh chảy vào, với gần 8.5 triệu và 19.8 triệu đơn vị ở các mã này.
Trong khi đó, LCG gây nhiều chú ý khi bất ngờ bật tăng trần với dư mua rất lớn ngay từ những phút giao dịch đầu tiên. Một cổ phiếu bất động sản khác mới “nổi” trở lại là PVL trên HNX, khi liên tục tăng trần với hàng triệu dư mua giá trần “chất đống” ngay từ đầu phiên.
Thông tin trên báo chí cho biết, theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, Bộ này sẽ mua lại một số dự án bất động sản có giá bán 15-17 triệu đồng/m2 để làm nhà công vụ. Các dự án được mua lại để phục vụ an sinh xã hội, phục vụ cơ quan Nhà nước và tái định cư khi giải phóng mặt bằng... Việc mua lại này thuộc phạm vi Đề án 254 của Chính phủ về cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015, và sẽ được thực hiện chậm nhất vào quý 3/2012.
Việc mua lại về cơ bản sẽ làm tăng cầu cho thị trường bất động sản đang đóng băng và giúp tái cơ cấu nợ xấu của doanh nghiệp/ngân hàng. Tuy vậy, nếu được thực hiện thì rõ ràng sẽ có nhiều điểm thú vị cần được thảo luận.
Cả hai thị trường đang trong quá trình vượt đỉnh cũ. Chúng tôi chưa nhận thấy lực cản nào quá lớn trong vài phiên tới, và khả năng tiếp tục tăng trưởng vẫn còn rất cao; dù có thể sẽ có những phiên rung lắc khi chỉ số chạm vào ngưỡng kháng cự mạnh.
Phân tích kỹ thuật: HNX-Index – Sắp vượt đỉnh cũ. Trong vòng 1 tháng gần đây khối lượng giao dịch trung bình của HNX-Index gần gấp đôi so với giai đoạn trước đó. Điều này có thể là một dấu hiệu cho thấy thị trường đang dần dần thiết lập một mặt bằng giá mới chứ không hẳn chỉ là sự phục hồi ngắn hạn.
Nếu khối lượng duy trì ổn định ở mức cao (trên mức 75 triệu đơn vị/phiên) thì điều này sẽ mở ra cơ hội bắt đáy hấp dẫn cho các nhà đầu tư lỡ nhịp sóng trước. Theo lý thuyết, một nhà đầu tư không mua cổ phiếu tại vùng đáy được thì vẫn có cơ hội mua đuổi theo giá trong giai đoạn đi lên và phá đỉnh cũ.
HNX-Index đang đứng trước cơ hội phá vỡ được vùng đỉnh cũ 77 – 80 điểm. Nếu sự phá vỡ diễn ra, việc mua vào để đón đầu một xu hướng tăng giá mới là cần thiết khi cả MACD và Stochastic Oscillator đều cho tín hiệu mua mạnh trở lại. Còn nếu kịch bản ngược lại diễn ra thì nên thận trọng.
Trong trường hợp điều chỉnh, đường internal trendline (tương đương vùng 68 – 70 điểm) và middle của Bollinger Bands sẽ tiếp tục hỗ trợ cho giá.
VN-Index – Sắp test vùng 470 – 485 điểm. Giới phân tích kỹ thuật đang dành cho vùng 470 – 480 điểm một sự quan tâm đặc biệt. Do vùng này đã nhiều lần báo hiệu thành công các đợt đảo chiều của giá và có thời gian tồn tại lâu nên theo đánh giá của giới chuyên môn, độ vững chắc của nó là rất cao và giá cũng sẽ cần nhiều thời gian để phá vỡ.
Sự đi lên của VN-Index trong các phiên gần đây sau khi test lại một trong những ngưỡng kỹ thuật quan trọng nhất trong dài hạn (SMA 300) cũng góp phần cho thấy đợt điều chỉnh vừa qua chỉ là hiện tượng throwdown thường gặp sau khi phá vỡ một ngưỡng kỹ thuật quan trọng.
Hiện tại, VN-Index vẫn chưa có dấu hiệu điều chỉnh nên việc mua tích lũy trong các phiên rung lắc vẫn được ủng hộ. Trong ngắn hạn, chúng tôi vẫn bảo lưu quan điểm cho rằng thị trường sẽ có nhiều cơ hội hồi phục hơn là điều chỉnh.
VIETSTOCK INDEX
VS 100: Tăng mạnh (+1.34%) trong phiên giao dịch ngày 21/03/2012, VS 100 có dấu hiệu tiếp tục đà bứt phá trở lại sau khi test các ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn.
Khối lượng giao dịch đã tăng trưởng trở lại chứng tỏ lực cầu đang quay trở lại. Nếu tình trạng này vẫn duy trì trong những phiên tới thì khả năng tăng trưởng sẽ khá cao.
VS-Market Strength: Trong phiên giao dịch ngày 21/03/2012, VS-A/D HOSE đạt mức 2.68, tức số mã tăng giá bằng 2.68 lần số mã giảm giá; trong khi VS-U/D HOSE là 21.74, tức khối lượng của cổ phiếu tăng giá bằng 21.74 lần so với khối lượng giao dịch của phía giảm giá. VS-A/D HNX đạt 3.16 lần và VS-U/D HNX bằng 39.59 lần.
SMA 5 ngày của VS-Arms VN duy trì ở mức 0.26, đây là mức thấp của chỉ số này nên báo hiệu khả năng tăng trưởng trong thời gian tới là khá lớn.
II. PHÂN TÍCH KỸ THUẬT DOW JONES
Dow Jones: Ngắn hạn – Điều chỉnh nhẹ. DJIA đã có sự điều chỉnh tương đối trong phiên giao dịch ngày 20/03/2012. Ngưỡng Fibonacci Retracement 161.8% sẽ đóng vai trò chống đỡ tích cực cho giá trong những phiên tới nếu hiện tượng điều chỉnh vẫn tiếp tục.
Các chỉ số dao động (momentum) vẫn đang duy trì mức cao nên việc có vài phiên tích lũy theo chúng tôi là hợp l‎ý. Tuy nhiên, do bên trên DJIA hiện nay không còn ngưỡng kháng cự mạnh nào nên sự điều chỉnh (nếu có) trong các phiên tới là không đáng lo ngại.
Dài hạn – Có thể test SMA 50 thêm lần nữa. DJIA có thể test SMA 50 thêm một lần nữa do động lực tăng trưởng trong các phiên gần đây không cao. Điều này thể hiện khá rõ qua sự xuất hiện của một loạt các mẫu hình nến đảo chiều giảm điểm như Doji, Dark Cloud Cover...
Swing Trd 2 của hệ thống RMO Trade Mode cũng đã dịch chuyển lên gần vùng đỉnh nên khả năng đảo chiều đang nâng cao dần.
III. THỐNG KÊ THỊ TRƯỜNG NGÀY 21/03/2012
Phòng Nghiên cứu VIETSTOCK
Finfonet



Xem bài viết: Vietstock Daily 22/03: Khả năng tiếp tục tăng trưởng vẫn còn cao!