Thâu tóm DN: Khi đối tác tốt trở thành cá mập
Qua cơn khủng hoảng, TTCK Việt Nam đang dần lộ ra một vấn đề mới khá nguy hiểm đối với nền kinh tế. Các đối tác, cổ đông chiến lược nước ngoài - những ông bạn tốt, một thời hứa hẹn những lời tốt đẹp đang hiện hình thành những "con cá mập", tận dụng khó khăn để giành lấy DN. Từ đó, họ có thể chi phối thị trường Việt Nam.
Câu chuyện rắn nước và nhím
Cổ đông Bibica đang lo lắng khi thương hiệu bánh kẹo hàng đầu Bibica (BBC) có thể sẽ vĩnh viễn biến mất và thay vào đó là thương hiệu Lotte - Hàn Quốc.
Điều lo ngại này là hoàn toàn có cơ sở khi mà vị chủ tịch HĐQT , ông Jung Woo Lee trong đại hội cổ đông mới đây đã công bố hoãn việc thay đổi tên công ty thành CTCP Lotte - Bibica nhưng thay vào đó lại ra sức thuyết minh về thương hiệu Lotte.
Quá lo ngại, các cổ đông nhỏ đã phản ứng mạnh mẽ khiến "phe ngoại" không có thêm một chân trong HĐQT. Cụ thể, ông Seok Hook Yang, giám đốc tài chính của Bibica chỉ đạt tỷ lệ 53,32%, thấp hơn quy định là 65%. Lotte chưa thực sự thống trị tại Bibica nhưng với tỷ lệ sở hữu 38% và vai trò chủ tịch HĐQT... Lotte hiện đang có rất nhiều quyền lực. Nguy cơ không lâu nữa Bibica có thể sẽ vĩnh viễn không tồn tại.
Năm 2007, Lotte thâm nhập thị trường Việt Nam qua một hợp đồng hợp tác chiến lược với Bibica từ 10/2007.
Theo đó, Bibica đã chuyển nhượng cho Lotte 30% tổng số cổ phần tương đương khoảng 4,6 triệu cổ phiếu với một loạt các thỏa thuận như: Lotte hỗ trợ BBC nhập khẩu sản phẩm của Lotte, phân phối tại Việt Nam, giúp BBC xuất khẩu sản phẩm sang Hàn Quốc; giúp BBC mở rộng và phát triển kinh doanh trong lĩnh vực bánh kẹo.
Xuất khẩu sản phẩm bánh Lottepie không thấy đâu bởi giá Lotte đề xuất mua thấp hơn nhiều so với khả năng BBC có thể tự chào bán (6,9 USD/thùng so với 8,4 USD/thùng). Thế nhưng, năm 2011 khi dây chuyền bị sự cố, BBC phải nhập khẩu loại bánh này cũng qua Lotte (để bán trong nước) nhưng với giá 7,4 USD/thùng.
Trong khi đó, sự "hỗ trợ Bibica mở rộng và phát triển kinh doanh trong lĩnh vực bánh kẹo" lại là xây dựng và phát triển một thương hiệu thuần túy có lợi cho Lotte - bánh Lottepie. Điều này có nghĩa là Bibica đang phát triển doanh số bán hàng trên thương hiệu Lotte. Hơn thế, Bibica đang phải bỏ chi phí để xây dựng thương hiệu hộ Lotte.
Và đến nay, ông Trương Phú Chiến, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Bibica cũng đã từng thừa nhận, hợp đồng hợp tác giữa Bibica và Lotte ký kết năm 2007, thời gian vừa qua lợi ích mới nghiêng chủ yếu về phía Lotte.
Ban đầu, hợp đồng nói trên là văn bản hợp tác toàn diện giữa hai bên, nhằm mục đích hai bên cùng lớn mạnh. Tuy nhiên trong quan hệ hợp tác này, không những không được hưởng lợi, cho tới thời điểm này, nhiều người còn lo ngại về khả năng doanh nghiệp đứng thứ hai trong lĩnh vực sản xuất bánh kẹo tại Việt Nam này sẽ rơi hẳn vào tay người Hàn Quốc.
Có thể thấy, trường hợp Bibica không mấy khác với chú rắn nước mất tổ vì cho nhím ở nhờ trong câu chuyện "Rắn nước và nhím".
Không chỉ Bibica, rất nhiều doanh nghiệp hàng đầu trong các ngành tiềm năng đang đứng trước nguy cơ bị thâu tóm và sẽ không dễ dàng để chống trả.
Giữa tháng 3/2012, Công ty nhựa Thái Lan Nawaplastic Industry (Saraburi) Co. bất ngờ thông báo trở thành cổ đông lớn nắm 16,72% vốn của Nhựa Bình Minh (BMP) và 22,67% vốn của Nhựa Tiền Phong (NTP) - hai doanh nghiệp lớn nhất trong lĩnh vực sản xuất ống nhựa xây dựng tại Việt Nam.
Trước đó, đại gia nhựa Thái Lan (Thai Plastic and Chemical - TPC, công ty mẹ của Saraburi và hiện chiếm 50% thị phần ống nhựa PVC tại Thái Lan) đã âm thầm mua vào lượng lớn cổ phiếu NTPBMP để trở thành cổ đông lớn thứ 2 tại 2 doanh nghiệp này sau Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).
Đây là động thái nhằm thâm nhập thị trường Việt Nam của TPC và chính tập đoàn này cũng không ngân ngại cho biết có kế hoạch nâng ty lệ sở hữu lên 49% tại cả NTPBMP. Trước mắt, nếu muốn tăng tỷ lệ sở hữu lên trên 25%, TPC sẽ phải tiến hành chào mua công khai hoặc xin ý kiến đại hội cổ đông của 2 công ty.
Được biết, TPC có ngành nghề sản xuất và sản phẩm tương đồng và lại là một trong những nhà cung cấp nguyên liệu cho NTPBMP. Điều này cho thấy, rõ ràng TPC sẽ không thuần túy chỉ là đầu tư tài chính mà chủ yếu là muốn nắm chi phối thị trường sản phẩm nhựa xây dựng Việt Nam mà hiện NTPBMP đang nắm thị phần chủ yếu (NTP chiếm hơn 70% thị phần miền Bắc, BMP chiếm hơn 50% thị phần miền Nam).
Một thương vụ khác cũng khá nổi tiếng là vụ tập đoàn thương mại đa ngành Sojitz của Nhật Bản vừa cho biết đang có kế hoạch hợp tác cùng một hãng thực phẩm đồng hương là Kokubu để mua lại CTCP thương mại dịch vụ sản xuất Hương Thủy.
Theo đó, Sojitz sẽ cùng Kokubu mua thêm 25,99% cổ phiếu Hương Thủy để nâng cổ phần nắm giữ lên 51% và biến doanh nghiệp này trở thành một công ty con tại Việt Nam.
Hương Thủy là một doanh nghiệp có trụ sở tại TPHCM và là một công ty bán lẻ thực phẩm lớn tại Việt Nam với mạng lưới vận chuyển trên toàn quốc và 12 cơ sở trung chuyển sản phẩm chuyên cung cấp thực phẩm, đồ uống cho khoảng 40.000 cửa hàng trên cả nước.
Dự kiến, sau khi mua, Sojitz sẽ sử dụng mạng lưới hạ tầng có sẵn này và kết hợp với bí quyết phân phối hàng hoá của Kokubu để khai thác thị trường trong nước cũng như nghiên cứu khả năng xây dựng mạng lưới cung cấp hàng thực phẩm cho Myanmar, Campuchia và dần mở rộng ra toàn bộ khu vực Đông Nam Á.
Ngoài ba trường hợp trên, tại Việt Nam xuất hiện khá nhiều thương vụ đối tác ngoại mua cổ phần của các doanh nghiệp nội và rất có thể có âm mưu thâm tóm. Từ một vài hiện tượng, giờ đây đã xuất hiện thành một làn sóng với một loạt vụ mua bán như: Kirin Holdings mua lại Interfoods, Daio Paper mua cổ phần Giấy Sài Gòn, Ezaki Glico mua 10,5% cổ phần Kinh Đô (KDC), Quỹ DI Aisan Industrial Fund mua 31% cổ phần Thiết bị Y tế Việt Nhật (JVC), Nichirei Foods mua 19% cổ phần của Cholimex Food, CTCP Xây dựng Cotec - Coteccons sẽ phát hành 10,43 triệu cổ phiếu, tương đương 24,7% vốn điều lệ sau phát hành cho đối tác chiến lược Kusto Group...
Thị trường nội địa bị chi phối
Việc các cổ đông chiến lược ngoại thâu tóm các doanh nghiệp nội địa đang rấy lên nhiều điều đáng lo ngại khi họ nhắm tới việc thống trị những lĩnh vực sản xuất và phân phối tiềm năng tại Việt Nam.
Trong trường hợp thâu tóm Bibica, tập đoàn Lotte của Hàn Quốc chắc chắn đang hướng tới việc chiếm lĩnh một thị phần không nhỏ trong lĩnh vực sản xuất và phân phối bánh kẹo tại Việt Nam. Điều này là rõ ràng bởi Bibica hiện là đơn vị có sản lượng cũng như thương hiệu xếp thứ hai tại Việt Nam (chỉ sau Kinh Đô) với nhà máy sản xuất sẵn có và mạng lưới phân phối sẵn có của Bibica lên đến 20.000 cửa hàng.
Trong khi đó, TPC nếu chi phối thành công NTPBMP thì chắc chắn sẽ chi phối thị trường sản phẩm nhựa xây dựng Việt Nam bởi hiện tại NTPBMPhai doanh nghiệp đang dẫn đầu cả nước trong lĩnh vực này.
Hơn thế, TPC đã thâm nhập vào ngành nhựa Việt Nam một cách quá dễ dàng. Trên thực tế, nếu bỏ vốn đầu tư trực tiếp, xây dựng nhà máy tại Việt Nam, thì để xây dựng được hệ thống phân phối tương tự như NTP hay BMP, TPC phải mất rất nhiều thời gian, với số vốn vài trăm triệu USD. Trong khi số tiền bỏ ra mua hai cổ phần NTPBMP trong thương vụ vừa qua được một số chuyên gia dự đoán không quá 50 triệu USD.
Mất đi một cái tên DN cũng không có gì ghê gớm, nhưng vấn đề nguy hiểm hơn là các một số ngành sản xuất và và hệ thống phân phối tiềm năng sẽ bị rơi vào tay các đối tác nước ngoài.
Rõ ràng, trong cả ba trường hợp Bibica và NTP, BMP trên, các đối tác nước ngoài có thể sẽ rất nhanh chóng chiễm lĩnh thị trường trong nước với giá rẻ. Họ tất nhiên không tốn công sức xây dựng nhà máy, xây dựng thương hiệu cũng như xây dựng hệ thống phân phối.
Một khi đã hình thành một doanh nghiệp hoàn toàn chịu sự quản lý của họ thì việc điều hành công ty này như thế nào là phụ thuộc hoàn toàn vào các ông chủ ngoại. Họ có thể chỉ định doanh nghiệp mua nguyên liệu của chính họ ở ngoài nước, nhập hàng hóa về bán... Việc giấu lãi, chuyển giá, trốn thuế... hoàn toàn có thể xảy ra, giống như đa phần các doanh nghiệp FDI hiện đang làm.
Điều lo ngại lớn nhất là ngay cả những lĩnh vực sản xuất hàng lương thực, thực phẩm, tiêu dùng cũng sẽ bị thống trị bởi các thế lực nước ngoài, giống như mảng sản xuất thức ăn cho gia súc, gia cầm. Nếu điều này xảy ra thì ảnh hưởng đối với nền kinh tế là rất lớn. Khi đó, ngay cả việc muốn phát triển những lĩnh vực thuộc về thế mạnh như trồng trọt, chăn nuôi... cũng sẽ rất khó khăn.
Mặc dù nguy cơ là lớn và rõ ràng như vậy nhưng hiện tại dường như sự hỗ trợ từ cách chính sách bảo vệ các ngành sản xuất trong nước là rất thấp. Luật Cạnh tranh hiện không có quy định đề cập đến việc một nhà sản xuất nắm thị phần chi phối mặt hàng nào đó ở nước ngoài khi mua cổ phần số lượng lớn của các doanh nghiệp nắm thị phần chi phối cùng mặt hàng đó tại Việt Nam có bị hạn chế hay phải báo cáo cơ quan quản lý Việt Nam.
Hơn thế, những khe hở trên TTCK cũng sẽ khiến các doanh nghiệp nội địa thiếu kinh nghiệm khó thoát khỏi những tập đoàn già đời nước ngoài. Trường hợp room 49% cho nhà đầu tư nước ngoài là hoàn toàn có thể lách được nếu đối tác ngoại thực hiện đầu tư vào BBC thông qua việc đầu tư vào một công ty Việt Nam.
Mạnh Hà
Diễn đàn kinh tế Việt Nam



Xem bài viết: Thâu tóm DN: Khi đối tác tốt trở thành cá mập