Hàng không tư nhân vận chuyển hàng hóa: Đến hồi cất cánh?
Hàng không tư nhân vận chuyển hàng hóa: Đến hồi cất cánh?
Nếu Trãi Thiên Air Cargo cất cánh đúng ngày 5.9 tới như dự định thì đây sẽ là sự kiện đánh dấu bước chuyển mình của ngành vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không tại Việt Nam.


Lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường hàng không qua các sân bay Việt Nam 6 tháng đầu năm tăng đến 36% so với cùng kỳ năm 2009 (theo số liệu của Cục Hàng không Việt Nam). Có vẻ thời điểm thích hợp để đầu tư vào hàng không tư nhân vận chuyển hàng hóa đã đến.

Sẽ tăng trưởng mạnh

“Sáu tháng qua, chúng tôi đã phối hợp với Hãng Delta Airlines (Mỹ) đưa 4 chuyến bay chở hàng vào Việt Nam với tổng công suất hơn 400 tấn mới chuyên chở hết lượng hàng hóa tăng đột biến cho thị trường Bắc Mỹ”, ông Tony Phê, đại diện Công ty Dịch vụ Vận chuyển Hàng hóa ITL tại TP.HCM, cho biết. Theo ông, nhu cầu vận chuyển hàng hóa bằng hàng không dự kiến sẽ tăng trưởng khả quan từ nay đến cuối năm.

Có cùng nhận định, ông Đỗ Xuân Quang, Tổng Giám đốc Công ty Dịch vụ Vận chuyển Hàng hóa Vector (TP.HCM), nhận xét: “Thị trường dự kiến sẽ tăng trưởng đến 30% trong 6 tháng cuối năm so với cùng kỳ năm 2009 với nhu cầu nhập khẩu cao từ châu Á, châu Âu và Mỹ. Chẳng hạn, các chuyến bay 2 chiều giữa TP.HCM và Hồng Kông mỗi tuần do Hong Kong Airlines thực hiện có tỉ lệ lấp đầy từ 80-90%”. Công ty Victor cũng đang làm tổng đại lý hàng hóa cho một số hãng hàng không nước ngoài khác tại Việt Nam như Malaysia Airlines, South African Airways, Egypt Air...

Theo ông Võ Huy Cường, Trưởng ban Vận tải Hàng không, Cục Hàng không Dân dụng Việt Nam (CAAV), Hong Kong Airlines là nhà chuyên chở mới nhất tham gia thị trường với tần suất 5 chuyến/tuần từ Hồng Kông đến TP.HCM từ tháng 1.2010. Hãng dự kiến sẽ mở đường bay chở hàng trực tiếp giữa Hồng Kông và Hà Nội trong thời gian tới.

Ngoài ra, một số hãng hàng không nước ngoài như Cathay Pacific, Eva Air, Korean Air, China Airlines, FedEx, DHL, CargoLux... cũng đang đẩy mạnh khai thác các chuyến bay hàng hóa mỗi tuần đến Việt Nam.

Không muốn nằm ngoài thị trường này, các doanh nghiệp đầu tư tư nhân trong nước, điển hình là Công ty Hàng không Trãi Thiên (Trai Thien Air Cargo, TP.HCM), đang tích cực chuẩn bị cho kế hoạch cất cánh chuyến bay thương mại đầu tiên, dự kiến trong tháng 9 sắp tới. Kế hoạch này đã trễ đến 2 lần so với ban đầu là vào quý I, sau đó tiếp tục dời đến tháng 7.2010.

2 năm thử thách

Ngày 11.6.2008, Trai Thien Air Cargo được thành lập với số vốn đăng ký là 500 tỉ đồng. Đây là hãng hàng không tư nhân đầu tiên của Việt Nam có chức năng vận chuyển hàng hóa, bưu phẩm, bưu kiện với thị trường trọng tâm là nội địa, Đông Nam Á và Đông Bắc Á.

Đến tháng 10.2009, Hãng nhận giấy phép cung cấp dịch vụ vận tải hàng hóa bằng đường hàng không của CAAV. Tuy nhiên, ông Cường, CAAV cho biết, Trai Thien Air Cargo vẫn chưa thể cất cánh vì chưa thuê được loại máy bay chuyên dụng đáp ứng tiêu chuẩn của CAAV. Quy định của hàng không Việt Nam nêu rõ, máy bay thuê khi nhập vào Việt Nam để khai thác và đến thời hạn tái xuất khi kết thúc hợp đồng thuê không được quá 25 năm. Ông Lê Giang Long, Phó Tổng Giám đốc Trai Thien Air Cargo, cho biết, trước đó đã tìm được 2 công ty cho thuê loại máy bay chuyên dụng từ Singapore và châu Âu nhưng không đáp ứng thời hạn quy định 25 năm.

Hiện nay, Hãng đã tìm được một đối tác mới từ Singapore là Công ty Airmark, có thể đáp ứng điều kiện này. Nếu thực hiện đúng kế hoạch, chiếc B737-300F (khả năng vận chuyển 18 tấn/chuyến) sẽ về đến Việt Nam vào khoảng giữa tháng 8 để chuẩn bị cho chuyến bay thương mại đầu tiên của Hãng, từ TP.HCM đi Hồng Kông, tần suất 1 chuyến/ngày. Các điểm đến dự kiến tiếp theo là Singapore, Phnom Penh, Bangkok, Quảng Châu và Đài Bắc. Các tuyến từ TP.HCM đến Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang, Đà Lạt dự kiến được khai thác từ quý I/2011, sau khi hãng nhận chiếc B737-300F thứ hai.

Về chính sách giá cước vận chuyển, ông Long cho biết sẽ công bố trong vài tuần tới sau khi khả năng cất cánh thương mại được đảm bảo và khung giá cước sẽ “cực kỳ cạnh tranh”.

Phân tích bài toán hiệu quả kinh doanh, ông cho biết: “Nếu công suất khai thác duy trì ở mức từ 60-70% cùng mạng đường bay phát triển tốt, chúng tôi dự kiến sẽ đạt mức hòa vốn sau 2 năm hoạt động đối với mảng quốc tế. Mảng nội địa thì sẽ còn nhiều khó khăn do các nguyên nhân khách quan và chủ quan”.

Khi được đặt vấn đề về khả năng đi theo “vết xe đổ” của Indochina Airlines, hãng hàng không tư nhân đã ngưng hoạt động do khó khăn về tài chính, ông Long khẳng định: “Với khả năng trường vốn tốt và các bước chuẩn bị về mọi mặt trong gần 2 năm qua, Hãng sẽ vượt qua được 2 năm đầu thử thách. Trước mắt, chúng tôi đã ký được biên bản ghi nhớ hợp tác với các đối tác của Mỹ như FedEx, UPS, DHL và một số công ty dịch vụ hàng hóa ở Hồng Kông và Singapore, đảm bảo khả năng cung cấp hàng hóa với tỉ lệ lấp tải đến 80% và 70%, lần lượt cho các chuyến bay đến và đi từ TP.HCM”.
Trong khi đó, đại diện Công ty Dịch vụ Vận chuyển Hàng hóa Vector, ông Quang, nhận định, bài toán hiệu quả kinh doanh của Trai Thien Air Cargo sẽ rất nan giải. Tuy nhiên, ông cho rằng việc xuất hiện một hãng hàng không vận chuyển hàng hóa tư nhân tại Việt Nam là cần thiết và ông mong muốn mở một hãng hàng không vận tải hàng hóa tương tự trong thời gian tới.

Theo Vĩnh Bảo
Nhịp cầu Đầu tư