PVF - Western Bank: Được Nhà nước mua, còn gì vui hơn

PVF mua lại Western Bank với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, các cổ đông hiện tại của ngân hàng này sẽ là người vui sướng nhất.

Cách đây không lâu, thị trường tài chính Việt nam có đưa tin Tổng Công ty Tài chính Dầu khí Việt Nam (PVF) sẽ mua hay hợp nhất với Western Bank. Trong đó một số ý kiến cho rằng đây sẽ là thương vụ mang lại nhiều lợi ích cho cả 2 bên.
Khoan nói đến lợi ích của sự kết hợp này, mà hãy nói đến chuyện nếu Ngân hàng Nhà nước thông qua thương vụ thì dường như đã đi ngược lại với chính sách thoái vốn ngoài ngành của các tập đoàn nhà nước theo lộ trình từ đây đến năm 2015.

Cổ đông lớn nhất của PVF là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) với tỉ lệ sở hữu 78%. Nghĩa là nếu kết duyên với Western Bank thì PVN sẽ tiếp tục rót vốn vào lĩnh vực ngân hàng trong những năm tiếp theo. Như thế, lộ trình thoái vốn ngoài ngành của PVN liệu có thực hiện được?


Lại thêm một câu hỏi nữa được đặt ra: Tại sao PVF muốn mua Western Bank mà không phải là ngân hàng nào khác? Trước hết, hãy xét đến kết quả hoạt động của Western Bank. Đây là một ngân hàng nhỏ, có vốn điều lệ 3.000 tỉ đồng và lợi nhuận ròng năm 2011 chỉ 120 tỉ đồng. Lợi nhuận/tài sản (ROA) và lợi nhuận/vốn chủ sở hữu (ROE) lần lượt là 0,59% và 3,82%. Những con số này cho thấy khả năng sinh lợi của Ngân hàng là rất thấp.

Western Bank cũng cho vay lớn đối với các công ty sở hữu nó như Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC) và Công ty Công nghệ Viễn thông Sài Gòn (SGT, cũng như cung cấp tín dụng ưu đãi cho các dự án của ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn (SGI). Đáng nói là KBCSGT đều là công ty thành viên của SGI và đang làm ăn thua lỗ.

Về phía PVF, công ty tài chính này cũng không khấm khá hơn. ROE đã giảm dần từ 9,36% vào năm 2009 xuống còn chỉ 5,74% năm 2011. Thậm chí quý II năm nay, PVF lãi chỉ 2,2 tỉ đồng, quá thấp nếu so với vốn điều lệ hơn 6.000 tỉ đồng. Các hoạt động chính như tín dụng, đầu tư chứng khoán đều bị lỗ nặng và phải nhờ đến nguồn thu từ các hoạt động khác, PVF mới thoát khỏi cảnh lỗ ròng.Như vậy, sự kết hợp giữa 2 đơn vị hoạt động thiếu hiệu quả liệu có làm nên chuyện?
Thương vụ này cũng có một điểm lạ lùng khác. Thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS) của Western Bank chỉ khoảng 400 đồng. Giả sử P/E (thị giá/thu nhập mỗi cổ phiếu) là 10 thì giá một cổ phiếu của Western Bank vào khoảng 4.000 đồng. Do đó, nếu PVF mua lại cổ phiếu Western Bank bằng mệnh giá (10.000 đồng/cổ phiếu) như một số báo đã nêu thì các cổ đông hiện tại của ngân hàng này sẽ là người vui sướng nhất.

Một trường hợp khác là việc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) vừa được Chính phủ đồng ý cho rót vốn tiếp vào PG Bank trong đợt nâng vốn điều lệ lên 3.000 tỉ đồng của ngân hàng này (Petrolimex hiện nắm 40% vốn). Một cổ đông lớn khác là Công ty Chứng khoán Sài gòn nắm giữ 9,98%. Nghĩa là PG Bank chỉ có thể tăng vốn điều lệ thành công nếu 2 cổ đông lớn này có khả năng tăng vốn. Và đó là câu chuyện đáng bàn.

Petrolimex là doanh nghiệp nhà nước có gánh nặng nợ vay rất lớn (theo Bộ Tài chính, Petrolimex có tỉ lệ nợ/vốn chủ sở hữu lên tới 6,29 lần). Ngoài ra, tính hiệu quả trong mảng xăng dầu - lĩnh vực cốt lõi của Petrolimex - cũng đang là dấu hỏi lớn. Bởi lẽ, tập đoàn này liên tục báo lỗ, trong khi các yêu cầu tăng giá bán hầu như luôn được Bộ Tài chính đồng ý.

Petrolimex cũng có tỉ lệ vốn đầu tư ngoài ngành khá lớn. Theo báo cáo của Bộ Tài chính cách đây 1 năm, các lĩnh vực ngoài ngành chiếm 12,5% vốn chủ sở hữu của đơn vị này.

Rõ ràng, với việc cho phép Petrolimex rót vốn tiếp vào PG Bank, câu chuyện thoái vốn của các tập đoàn nhà nước khỏi lĩnh vực ngoài ngành lại càng khó khả thi.

Sơn Thanh
nhịp cầu đầu tư