LỜI MỞ ĐẦU


Phân tích kỹ thuật lâu nay vẫn được nhìn nhận như một tấm gương tương phản của phân tích cơ bản. Cho đến hiện nay nhiều người vẫn đang băn khoăn một câu hỏi dạng như ”Liệu chúng ta có thể áp dụng phân tích kỹ thuật một cách hiệu quả tại thị trường chứng khoán Việt Nam?” Tuy nhiên, sự tồn tại của một thực thể luôn có lý do chính đáng của nó. Nếu giả sử trường phái này không đem lại hiệu quả giống như một lão thầy bói nói mò, nó có thể đã bị diệt vong hoặc lụi tàn theo thời gian trong thế giới tài chính – một thế giới cạnh tranh khốc liệt và lạnh lùng nhất mà nhân loại từng biết đến. Có một sự thật không thể phủ nhận rằng phân tích kỹ thuật vẫn tiếp tục tồn tại và phát triển bất chấp sự thăng trầm của thời cuộc. Một chuyên viên phân tích từng nói với tôi rằng có lẽ vì phân tích cơ bản quá khó nên người ta mới cần đến phân tích kỹ thuật. Không cần phải mổ xé phần tiêu cực của nhận định này. Chúng ta hãy phân tích ý tích cực của nó. Quá thật phân tích cơ bản quá phức tạp. Có quá nhiều thông tin bị che dấu và rất có thể chúng sẽ làm cho các phân tích bị lệch lạc. Chúng ta đã từng nghe đến vấn đề người chủ và người đại diện được đề cập rất nhiều trong các sách viết về chủ đề tài chính doanh nghiệp. Sự bất cân xứng thông tin trong thế giới tài chính là luôn luôn tồn tại. Keynes đã từng phát biểu rằng: "Không có gì bất hạnh như một chính sách đầu tư hợp lý trong một thế giới vô lý". Những nhà đầu tư ở thị trường Việt Nam hẳn đã thấm thía điều này. Các nhà đầu tư đôi khi hành động một cách hết sức vô lý và đi ngược lại với tất cả các quy tắc nền tảng. Phân tích kỹ thuật có thể coi như một trong những phương pháp hiệu quả để đo lường sự vô lý của thị trường!
Chúng tôi không phải là những kẻ cuồng tín về phân tích kỹ thuật – những người cho rằng chỉ cần áp dụng phân tích kỹ thuật là đủ để thành công trên thị trường chứng khoán. Rõ ràng đó là một quan điểm hết sức sai lầm. Phân tích kỹ thuật cũng như bao kỹ thuật phân tích khác chỉ là một thành phần trong phân tích đầu tư. Trong quá trình nghiên cứu về phân tích kỹ thuật cũng như phân tích cơ bản (phân tích kinh tế vĩ mô, phân tích ngành, phân tích công ty...) để kết hợp chúng lại trong mô hình định lượng của mình, tôi nhận ra rằng mỗi loại hình phân tích đều có điểm mạnh, điểm yếu riêng và chúng bổ trợ chứ không hề xu khắc với nhau. Nếu chỉ áp dụng mỗi phân tích kỹ thuật chắc chắn bạn không thể thành công trên thị trường chứng khoán nhưng nếu thiếu nó thì xem ra bạn sẽ gặp khá nhiều rắc rối trong quá trình đầu tư của mình.
Có một đặc điểm chung mà những người phân tích kỹ thuật nhận xét về những cuốn sách viết về đề tài này là: chúng giống như những cuốn tiểu thuyết khoa học viễn tưởng luôn làm cho bạn mơ mộng rồi sau đó thất vọng. Chúng tôi nhận ra rằng hầu hết những cuốn sách đó đều không đề cập hoặc nếu có thì cũng không dành sự chú ý nhiều lắm đến những kinh nghiệm thất bại hay những phản biện. Mọi lý thuyết cũng như mọi công cụ của phân tích kỹ thuật nói riêng và kinh tế học nói chung đều có những nhược điểm riêng. Tìm ra những nhược điểm đó có thể coi là phần quan trọng nhất khi nghiên cứu chúng. Trong cuốn sách mỏng này chúng tôi đã cố gắng hết sức không gặp phải những sai lầm dạng như vậy. Đó chính là lý do vì sao cuốn sách này có tên là ”Phân tích kỹ thuật – Lý thuyết, ứng dụng và phản biện”
Ngày nay một bộ phận của phân tích kỹ thuật đã được sử dụng kết hợp với phân tích cơ bản để tạo thành cái mà chúng ta vẫn gọi là phân tích định lượng (quantitative analysis). Sự phát triển của nó đã đi khá xa so với nguyên thuỷ ban đầu. Chính điều đó đã khiến cho một số mâu thuẫn phát sinh giữa các lý thuyết nguyên thuỷ nền tảng và thực tế sống động đang diễn ra trên thị trường tài chính hiện tại. Nhu cầu thiết lập những lý thuyết mới để chỉnh sửa và bổ sung vào các nền tảng cũ là hết sức cần thiêt. Khi đặt bút viết những dòng này tôi chợt nhớ lại Quy luật thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập – một trong những quy luật cơ bản của phép biện chứng duy vật của Karl Marx: ”Mâu thuẫn là nguồn gốc của sự vận động và sự phát triển”. Ngày nay, chúng ta buộc phải liên tục suy ngẫm, phản biện và chỉnh sửa những lý thuyết của Dow, Elliott, Fibonacci... để nhằm tìm ra những phương pháp mới phục vụ cho công việc đầu tư của mình. Chúng tôi luôn dành cho các bậc tiền bối như Charles Dow, Elliott... sự tôn trọng cần thiết. Tuy nhiên, chúng tôi nghi ngờ một cách nghiêm túc ý tưởng chúng ta hoàn toàn có thể áp dụng những lý thuyết của họ vào thực tiễn thị trường hiện nay mà không có những chỉnh sửa đáng kể. Công việc phản biện lại các bận tiền bối đôi khi còn quan trọng hơn việc nghiên cứu các lý thuyết của họ.
Chúng tôi không hy vọng khi đọc xong cuốn sách này bạn sẽ không trở thành chuyên gia về phân tích kỹ thuật ngay lập tức. Bởi lẽ đây không phải là một tài liệu khảo cứu chuyên sâu hay là một công trình nghiên cứu đồ sộ về phân tích kỹ thuật. Cuốn sách này là một phần trích dẫn vài nội dung nhỏ trong chương trình học Level 1 về phân tích kỹ thuật của Vietstock (vì vậy nó không thể thay thế được các giảng viên). Chúng tôi chỉ có một mong ước là nó sẽ đem đến cho bạn một cái nhìn tích cực, sâu sắc và rộng lớn hơn về lĩnh vực này. Có một học viên cũ của Vietstock đã nói với chúng tôi rằng một cái nhìn quá hẹp, một sự nghiên cứu nửa vời và một niềm tin yếu ớt đã khiến cho việc ứng dụng phân tích kỹ thuật tại Việt Nam bị hạn chế khá nhiều.
Có lẽ tôi sẽ không tiếp tục thuyết phục bạn về sự hấp dẫn của phân tích kỹ thuật nữa, cuốn sách sẽ tự làm điều đó. Điều cuối cùng bạn cần nhớ khi đọc cuốn sách là nó chỉ cung cấp cho bạn những nền tảng sơ lược nhất về phân tích kỹ thuật. Vì nội dung có hạn chúng tôi chỉ đề cập những gì được coi là dễ hiểu nhất. Nếu bạn có tham vọng trở thành một chuyên gia trong lĩnh vực này bạn cần phải học hỏi (thông qua các khoá học, hội thảo chuyên đề....) và trải nghiệm thật nhiều. Chúc bạn thành công!



CHƯƠNG 1: NHỮNG TRIẾT LÝ CƠ BẢN VÀ MỘT SỐ HỆ QUẢ QUAN TRỌNG

Nhiều người thường bỏ qua phần quan trọng nhất trong phân tích kỹ thuật và điều này gây ra những thất bại to lớn cho họ trong quá trình đầu tư. Đó là những lý thuyết nền tảng. Thay vì chỉ chăm chăm vào việc học công thức của các chỉ báo (indicator) hay kéo Fibonacci thế nào cho đúng, chúng tôi nghĩ bạn nên nghiền ngẫm kỹ lưỡng các lý thuyết. Điều này sẽ làm cho quá trình học hỏi của bạn trở nên có giá trị và bài bản hơn. Và chúng ta sẽ bắt đầu với những sai lầm thực tế chứ không phải là những câu chuyện thành công được thêu dệt trong những tiểu thuyết khoa học viễn tưởng.
1.1. Sai lầm lớn nhất của những người ứng dụng phân tích kỹ thuật
1.1.1. ”Phân tích kỹ thuật không có hiệu quả tại thị trường chứng khoán Việt Nam”
Nếu câu này xuất phát tư một nhà đầu tư cá nhân không biết gì về phân tích kỹ thuật thì cũng không phải là vấn đề gì lớn lắm. Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên là nó xuất hiện ở cửa miệng của khá nhiều người biết phân tích kỹ thuật. Ở đây, có lẽ chúng ta phải đề cập đến vấn đề niềm tin.
Giả sử một học sinh trung học tin rằng mình có thể thi đậu đại học, cậu ta sẽ tìm mọi cách và cố gắng hết mức để thi đậu. Vấn đề cũng tương tự như vậy khi áp dụng phân tích kỹ thuật. Nếu bạn không tin rằng phân tích kỹ thuật có hiệu quả thì bạn sẽ chẳng bao giờ sử dụng được nó một cách hiệu quả và lại càng không thể trở thành chuyên gia trong lĩnh vực này. Một câu hỏi mà chúng tôi thường gặp từ các học viên cũng như khách hàng của mình là ”Làm thế nào để chúng tôi có được niềm tin?” Câu trả lời chính là thực tế.
Thực tế là dù công nhận hay không cộng nhận thì các công ty chứng khoán, các quỹ đầu tư ở Việt Nam vẫn đã, đang và sẽ tiếp tục duy trì công khai hay không công khai một bộ phận phân tích kỹ thuật cho riêng mình. Thực tế là đang có một làn sóng các nhà đầu tư kéo nhau đi học phân tích kỹ thuật để ứng dụng cho quá trình đầu tư của mình. Một số nhiều cho rằng biến động giá của nhiều mã cổ phiếu trên thị trường không tuân theo phân tích kỹ thuật nhưng họ cũng quên rằng chúng cũng không tuân theo phân tích cơ bản. Tại sao lại có hiện tượng một số cổ phiếu báo cáo lỗ vẫn kéo nhau lên trần đồng loạt? Nếu một cổ phiếu thực sự đang bị làm giá, nhà đầu tư chỉ cần biết chính xác nhóm nào đang làm giá cổ phiếu này và mức giá chính xác được đẩy lên là bao nhiêu. Khi đó họ đâu cần quan tâm đến các mô hình định giá phức tạp DCF (Discount Cash Flow), P/E, P/BV, P/S, RE (Retained Earnings)... hay những đồ thị kỹ thuật với những chỉ báo rối mắt của các chuyên viên phân tích!
[IMG]file:///C:/DOCUME%7E1/minhnq/LOCALS%7E1/Temp/msohtmlclip1/01/clip_image002.jpg[/IMG]

Với tất cả những điều trên có lẽ chúng ta nên khách quan hơn đối với phân tích kỹ thuật. Ít nhất thì bạn cũng phải tin rằng nó có thể ứng dụng tốt tại thị trường Việt Nam. Nếu không có lẽ bạn không nên đọc tiếp phần còn lại của cuốn sách này.
1.1.2. Không chú ý đến các failure
Một trong những sai lầm lớn nhất của những người đi rao giảng phân tích kỹ thuật là họ chỉ toàn nói về những cái đúng. Trong khi đó thế giới thực đầy rẫy những sai lầm và chúng ta thường nhất trí với nhau rằng mình sẽ học được nhiều hơn tư những sai lầm hơn là những thành công của bản thân. Thực tế cho thấy khi một nhà đầu tư không biết hoặc không nghiên cứu kỹ failure của một chỉ báo hay một công cụ kỹ thuật nào đó, anh ta sẽ có nhiều khả năng bị thất bại khi sử dụng nó. Ví dụ trong đồ thị dưới đây, một nhà đầu tư có thể phạm sai lầm khi mua chứng khoán theo chỉ dẫn của MACD vào tháng 11/2009 trên VN-Index. Gần như ngay sau đó, chỉ báo này lại cho tín hiệu bán. Kết quả thế nào thì các bạn đã biết: thị trường trải qua một trong những tuần giao dịch kinh hoàng nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 2008.
[IMG]file:///C:/DOCUME%7E1/minhnq/LOCALS%7E1/Temp/msohtmlclip1/01/clip_image004.jpg[/IMG]

Điều này sẽ càng làm xói mòn niềm tin của người này vào phân tích kỹ thuật. Và dần theo thời gian nhà đầu tư sẽ bị rơi vào cảm giác rằng mình đang chơi một trò chơi nguy hiểm có tính may rủi cao khi ứng dụng phân tích kỹ thuật trong công việc đầu tư của mình. Chúng tôi đã từng bị cảm giác này trong những ngày đầu áp dụng phân tích kỹ thuật. Nhưng điều này sẽ được cải thiện dần theo thời gian khi bạn bắt đầu nắm bắt được những failure này. Trong những chương sau chúng ta sẽ dần dần làm sáng tỏ chúng.