20 người giàu nhất TTCK VN 2007 - dựa trên số cổ phiếu nắm giữ


Danh sách năm nay chứng kiến sự soán ngôi ngoạn mục của VIP thuộc những công ty mới lên sàn. Đứng đầu Top 100 người giàu nhất trên TTCK năm qua là ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch Sài Gòn Investment Group (SIG), "Đại cổ đông" của ITAKBC.

Năm nay, các Sếp của Công ty phát triển đầu tư công nghệ FPT không còn chiếm nhiều vị trí trong Top 10 như năm ngoái nữa. Chỉ còn ông Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc còn góp mặt trong Top 10 với vị trí số 8.

Năm thứ 2 liên tiếp, tờ VnExpress điều tra, thống kê và công bố danh sách những người có tài sản bằng cổ phiếu lớn nhất trên sàn chứng khoán. Danh sách năm nay được xây dựng trên cơ sở thông tin công khai của 237 công ty (trong tổng số 253 công ty đang niêm yết cổ phiếu ở Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM và Hà Nội, tính đến 31/12/2007).
Hơn 2.900 cá nhân được liệt kê trong cáo bạch của các công ty nói trên, với tổng tài sản bằng cổ phiếu (theo giá chốt ngày 28/12/2007) đạt hơn 86,4 nghìn tỷ đồng, tương đương 5,4 tỷ USD, chiếm 7,6% GDP.
Tài sản của 100 người giàu nhất trên sàn Chứng khoán 2007 gia tăng đáng kể so với năm 2006, đạt gần 72 nghìn tỷ đồng. Trong đó 65 sếp nam nắm giữ 49 nghìn tỷ đồng. Phần còn lại thuộc về 37 phụ nữ.
Người giàu nhất trên TTCK Việt Nam 2007 là ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch Sài Gòn Investment Group (SIG). Năm 2006, chỉ một thành viên trong SIG niêm yết trên sàn, đó là Công ty Đầu tư và Khu công nghiệp Tân Tạo. Cuối 2006, ông Tâm nắm giữ 371,6 tỷ đồng cổ phiếu ITA và chỉ xếp thứ 35.
Đến 2007, thêm một thành viên của SIG, Công ty Đầu tư Kinh Bắc, lên sàn. Với 30 triệu cổ phiếu KBC và 4,2 triệu cổ phiếu ITA, ông Tâm có trong tay gần 6.300 tỷ đồng, gấp hơn 2,5 lần so với người đứng thứ nhất trong bảng xếp hạng của năm 2006.
Tài sản của đại gia đình SIG phình to nhanh chóng trong năm 2007. Em gái ông Tâm, bà Đặng Thị Hoàng Phượng thăng bậc mạnh nhất trong Top 100, từ vị trí 52 năm 2006 lên vị trí số 11, với số tài sản mới là 1.423 tỷ đồng, tăng gần 8 lần. Chị cả Đặng Thị Hoàng Yến, không tham gia góp vốn vào Công ty Đầu tư Kinh Bắc, song trong năm đã tăng đáng kể tỷ lệ nắm giữ tại Công ty Tân Tạo, nên tài sản gia tăng từ mức 371,7 tỷ đồng năm 2006 lên 1.252,4 tỷ đồng năm 2007. Nhờ vậy, từ vị trí số 36, bà Yến đã bước lên hàng thứ 15 trong Top 100 năm 2007.
2007 chứng kiến sự soán ngôi ngoạn mục của các VIP thuộc những doanh nghiệp mới lên sàn. Vincom, Hòa Phát và Nam Việt đều lên sàn trong nửa cuối năm, nhưng nhanh chóng giúp các sếp lọt vào Top 100.
29 người lần đầu tiên xuất hiện trong Top 100. Trong đó ông Phạm Nhật Vượng, thành viên Hội đồng quản trị Vincom chiếm vị trí thứ 2 với số tài sản gần 3.751 tỷ đồng. Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát giữ vị trí số 3 khi có trong tay hơn 3.476 tỷ đồng cổ phiếu HPG. Còn ông Doãn Tới, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Nam Việt, một đại diện của ngành thủy sản, đứng thứ 5 với số tài sản gần 2.636 tỷ đồng.
Câu lạc bộ 100 người giàu nhất trên sàn Chứng khoán 2007 phải chia tay 29 VIP. Trong đó, 5 trường hợp thôi giữ cổ phần trong doanh nghiệp niêm yết hoặc chỉ là đại diện vốn sở hữu nhà nước, chứ không sở hữu cá nhân. Một số người đã bán bớt cổ phần nắm giữ. Đa phần vẫn giữ nguyên tỷ lệ sở hữu, thậm chí còn mua thêm, song do giá cổ phiếu sụt giảm so với năm 2006, hoặc doanh nghiệp làm ăn kém hiệu quả. Cũng không ít trường hợp tài sản vẫn tăng, song không mạnh như các đối thủ khác.
Trong lần công bố năm ngoái, nguồn dữ liệu thu thập được chỉ dừng lại ở cáo bạch của gần 150 công ty. Tổng tài sản (tính bằng giá trị cổ phiếu nắm giữ chốt vào cuối phiên giao dịch 29/12/2006) của 650 cá nhân có tên trong cáo bạch đạt trên 37,2 nghìn tỷ đồng, tương đương hơn 4% GDP của Việt Nam.
Thứ bậc
Họ và Tên
Doanh nghiệp
Tài sản (tỷ đồng)
1
Đặng Thành Tâm - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc KBC, thành viên HĐQT ITA
- Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc
- Công ty Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo
6.293,400
2
Phạm Nhật Vượng - Thành viên HĐQT
Công ty Vincom
3.750,926
3
Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT
Tập đoàn Hòa Phát
3.476,200
4
Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc SSI, cổ đông sáng lập PAN, Thành viên HĐQT VSH
- Công ty Chứng khoán Sài Gòn
- Công ty Thuỷ điện Vĩnh Sơn Sông Hinh
- Công ty Xuyên Thái Bình Dương
2.801,181
5
Doãn Tới - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc
Công ty Nam Việt
2.635,600
6
Trần Kim Thành - Chủ tịch HĐQT NKD, KDC
- Công ty Chế biến Thực phẩm Kinh Đô
- Công ty Chế biến Thực phẩm Kinh Đô Miền Bắc
2.153,740
7
Nguyễn Thị Mai Thanh - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc REE, Thành viên HĐQT STB
Công ty cơ điện lạnh
Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín
1.785,100
8
Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc
Công ty phát triển đầu tư công nghệ FPT
1.701,985
9
Đặng Ngọc Lan - vợ ông Nguyễn Đức Kiên Phó chủ tịch HĐQT
Ngân hàng cổ phần Á Châu
1.701,109
10
Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ tịch HĐQT
Ngân hàng cổ phần Á Châu
1.553,329
11
Đặng Thị Hoàng Phượng - Thành viên HĐQT KBC, ITA, em ông Đặng Thành Tâm
- Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc
- Công ty Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo
1.423,350
12
Nguyễn Phương Anh - con Chủ tịch HĐQT Đặng Thị Hoàng Yến
Công ty Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo
1.366,400
13
Trần Hùng Huy - Thành viên HĐQT - con ông Trần Mộng Hùng
Ngân hàng Á Châu
1.365,150
14
Trần Lệ Nguyên - Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc
Công ty Kinh Đô
1.300,538
15
Đặng Thị Hoàng Yến - Chủ tịch HĐQT
Công ty Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo
1.252,391
16
Đặng Hồng Anh - Thành viên HĐQT - con Chủ tịch HĐQT Đặng Văn Thành
Ngân hàng cổ phần Sài Gòn Thương Tín
1.172,211
17
Trần Mộng Hùng -Chủ tịch
Ngân hàng Á Châu
1.129,530
18
Trương Thị Lệ Khanh - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc
Công ty Vĩnh Hoàn
1.113,830
19
Vũ Thị Hiền - Vợ ông Trần Đình Long Chủ tịch HĐQT
Tập đoàn Hòa Phát
1.050,596
20
Nguyễn Hồng Nam - Thành viên HĐQT PVD kiêm Phó giám đốc SSI
- Tổng công ty Khoan và Dịch vụ Khoan dầu khí
- Công ty Chứng khoán Sài Gòn
968,800