Chưa 'phát' đã 'hành' Cổ đông KSA có tên trong danh sách đăng ký cuối cùng sẽ được (hoặc bị) hưởng quyền mua cổ phiếu phát hành thêm với tỷ lệ 1:1,2. Nhưng KSA vẫn chưa thể thanh toán được khoản cổ tức cách đây 2 năm.

Không phải nhà đầu tư nào cũng thích và cũng có thể mua cổ phiếu của những doanh nghiệp (DN) khó khăn. Vì vậy, việc các DN khó khăn phát hành cổ phiếu tăng vốn có thể khiến cả DN lẫn cổ đông hiện hữu đau đầu. Bên cạnh đó, ngay cả những DN kinh doanh tốt, có ý định phát hành hay tăng vốn cũng gặp những thách thức riêng. Ép người mua
Tại đại hội cổ đông 2013 của Khoáng sản Bình Thuận (KSA) được tổ chức vào ngày 16/3 vừa qua, phương án phát hành 18,5 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ công ty từ 154 tỷ đồng lên 339 tỷ đồng đã được thông qua.
Cổ đông KSA có tên trong danh sách đăng ký cuối cùng sẽ được (hoặc bị) hưởng quyền mua cổ phiếu phát hành thêm với tỷ lệ 1:1,2, tức là cứ có 1 cổ phiếu thì được mua thêm 1,2 cổ phiếu mới với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. KSA trả cổ tức năm 2011 với tỷ lệ 10% cho cổ đông, nhưng liên tục thay đổi thời gian thực hiện.
10% cổ tức nếu tính trên vốn điều lệ 154 tỷ đồng sẽ tương đương số tiền chi trả 15,4 tỷ đồng. Năm 2012, Công ty công bố đạt doanh thu 362 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 48,5 tỷ đồng, chỉ tương đương 26% kế hoạch, nhưng cũng lớn hơn nhiều so với số tiền trả cổ tức cho năm 2011.
Vì vậy mà đến giờ KSA vẫn chưa thể thanh toán được khoản cổ tức cách đây 2 năm thì quả thật là điều đáng lo. Một cổ đông bình thường của KSA, liên tục được (bị) công ty hứa hẹn, để rồi lại thất hứa chắc cũng khó lòng mặn mà với việc bỏ tiền ra mua cổ phiếu phát hành thêm.
Chưa kể KSA còn công bố phát hành cổ phiếu thưởng cho người lao động cũng với giá 10.000 đồng/cổ phiếu và thời gian hạn chế chuyển nhượng 2 năm. Mức giá bán cho cán bộ - công nhân viên của KSA tương đương mức giá bán cho cổ đông hiện hữu chưa kể còn bị siết thời gian chuyển nhượng.
Giả sử người lao động có muốn mua cổ phiếu và tính toán, thì có lẽ mua trên thị trường chứng khoán còn tốt hơn nhiều so với mua "thưởng". Rõ ràng là dù đợt phát hành của KSA chưa diễn ra nhưng điểm qua phương án cũng như hoạt động của Công ty, nhiều người sẽ thấy ngán ngẩm và khả năng thành công có lẽ là... hên xui mà thôi.
"Phát" và bị "hành"
Với các DN trong trạng thái đói vốn, việc tìm được người mua đã là rất vui mừng, nhưng bên cạnh đó cũng sẽ phải chịu những điều kiện kèm theo vô cùng ngặt nghèo, chẳng hạn như yêu cầu phải đạt được mức lợi nhuận cụ thể, có thể chia sẻ thêm một số lợi ích, quyền điều hành...
Cách đây chưa lâu, việc một DN bất ngờ hạch toán một khoản lãi khủng trong báo cáo tài chính đã gây ra rất nhiều thắc mắc, giả thiết cũng như các đồn đoán. Đáng chú ý là tin đồn về việc DN này buộc phải "đẩy" lợi nhuận lên cao vì đây là thỏa thuận để phát hành cổ phiếu cho một đối tác.
Vấn đề cần quan tâm ở đây không phải tính xác thực của tin đồn mà đó là vấn đề thông tin, quyền lợi giữa cổ đông nhỏ, cổ đông lớn và DN.
Các cổ đông lớn bỏ tiền mua cổ phiếu phát hành để "cứu" DN, tức là cũng giúp cho cả cổ đông nhỏ, vì vậy tất nhiên phải có quyền lợi. Nhưng nếu quyền lợi không được minh bạch thì có thể dẫn đến trục lợi.
Giả sử cổ đông yêu cầu DN phải công bố lợi nhuận lớn, để đảm bảo thị trường định giá cổ phiếu ổn định hoặc phấn khởi hơn, rồi sau đó cổ đông lớn âm thầm gom mua cổ phiếu, đến khi tin tốt xuất hiện, giá cổ phiếu tăng lại đem bán trong khi các cổ đông nhỏ đã lỡ bán ra trước đó.
Như vậy, quyền lợi giữa các bên đã có sự chênh lệch, thiên vị không rõ ràng. Không chỉ DN bị hành, mà chính các cổ đông nhỏ cũng bị cổ đông lớn "hành".
Trường hợp những DN phát hành tăng vốn bằng cách chia cổ tức bằng cổ phiếu hoặc chia thưởng cũng sẽ rơi vào những tình huống khó.
Hiện nay, có những DN quy mô vốn trung bình 200 - 300 tỷ đồng, những năm qua kinh doanh khá ổn định, có thể không cần huy động vốn, nhưng theo sự phát triển của DN, thì vốn điều lệ dần phải tăng lên để củng cố vị thế, quan trọng hơn nữa là để giảm tỷ lệ nợ vay/vốn xuống, nhằm đảm bảo xếp hạng tín dụng.
Tuy nhiên, do vốn nhỏ, nên khi tăng thường phải tăng với tỷ lệ lớn, điều này rất dễ dẫn đến rủi ro, vì khả năng gia tăng lợi nhuận với tỷ lệ tương ứng là không dễ dàng do tình hình kinh doanh rất khó khăn hiện nay. Còn phát hành với tỷ lệ thấp thì đương nhiên sẽ không thể giảm mạnh tỷ lệ nợ vay/vốn.
Theo Minh Triệu

Doanh nhân sài gòn