âu chuyện Tổng công ty Dệt May VN (Vinatex) rời thời điểm IPO (từ 1/7/2013 đến tháng 9/2013) đang làm dư luận chú ý.
Trong một cuộc họp với báo chí, ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch HĐTV Vinatex cho biết, số lượng nhà đầu tư quan tâm tới đợt IPO của tập đoàn rất nhiều, nhưng để chọn được đối tác có thể cùng hợp tác và quan trọng hơn là hỗ trợ tốt công tác quản trị sau IPO không đơn giản, chẳng khác nào “mò kim đáy bể”.
Lỡ hẹn vì tiêu chí ?

Theo ông Giang, nguyên nhân bắt nguồn từ chính những yêu cầu của Vinatex đặt ra. Ngoài tiêu chí về vốn, Vinatex đưa ra 3 tiêu chí chọn lựa theo thứ tự ưu tiên: DN phải cùng ngành nghề, có trình độ quản trị tiên tiến, am hiểu thị trường; Có giải pháp quản trị tài chính linh hoạt và phù hợp; Quan tâm đến ngành dệt may và không hạn chế bởi các quy định về đầu tư.

Theo các chuyên gia, các tiêu chí này nhằm đảm bảo khi đa sở hữu, mỗi nhà đầu tư sẽ mang đến thế mạnh về quản lý công nghệ, thị trường… Đây sẽ là bàn đạp giúp ngành dệt may bứt phá sau khi chào bán cổ phần ra công chúng.

Khi đề cập tới thời điểm Vinatex lỡ hẹn IPO, ông Giang thừa nhận: Thực tế qua làm việc với nhiều nhà ĐTNN thời gian qua cho thấy, không ít DN đáp ứng tiêu chí về vốn, có kinh nghiệm nhưng 2 bên chưa tìm được tiếng nói chung, chưa thống nhất được về lộ trình đầu tư dài hạn… Và điều quan trọng nhất là chưa hài hòa được lợi ích cổ đông tại DN…

Theo dự định khi IPO, Vinatex sẽ bán khoảng 20-30% cho cổ đông trong nước, một phần cho nhà ĐTNN, phần còn lại thì Nhà nước tiếp tục nắm giữ. Bình luận về vấn đề này các chuyên gia trong ngành dệt may cho biết, Vinatex là DNNN có quy mô lớn, có thị trường xuất khẩu và nội địa đóng vai trò hạt nhân, dẫn dắt ngành dệt may VN. Vì thế, nếu bán một phần vốn cho DN trong nước, hay vẫn để cổ phần nhà nước chi phối thì Vinatex khó có thể đạt được sự thay đổi lớn, nhất là việc bứt phá để tiến xa hơn như các Tập đoàn, DNNN đã cổ phần hóa.

Vậy làm sao để chọn được nhà ĐTNN gắn kết thực sự với Vinatex đưa tập đoàn trở thành DN dẫn dắt ngành dệt may? Đây là bài toán chưa có lời giải. Bài toán này càng trở nên khó hơn khi gần đây, nhiều DN Trung Quốc đánh tiếng muốn đầu tư mới hoặc mở rộng nhà xưởng tại VN, với kỳ vọng tận dụng thuế suất bằng 0% khi VN tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP).

“Cái khó bó cái khôn”

Theo các chuyên gia, dù được đánh giá là ngành có tăng trưởng lớn về kim ngạch xuất khẩu, có cạnh tranh ổn định ở các thị trường quan trọng như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, nhưng ngành dệt may trong nước vẫn còn quá nhiều vấn đề “biết rồi khổ lắm nói mãi”, đặc biệt với việc thực hiện chuỗi cung ứng cho mình vẫn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu nguyên liệu. Cho dù mạnh về khâu may nhưng lại rủi ro về phát triển bền vững, hạ tầng nguyên liệu còn thấp. Mà muốn tận dụng hiệu quả cao nhất của TPP cần có sự liên kết hữu cơ giữa các khâu để hình thành chuỗi cung ứng hoàn chỉnh từ thiết kế - nguyên phụ liệu - may - phân phối.

Một bước đi được xem là rất táo bạo nhưng nhiều rủi ro của Vinatex, đó là quy hoạch các cụm công nghiệp dệt may. Tuy nhiên, việc sắp xếp di dời không dễ dàng bởi Vinatex phải giải quyết bài toán về vốn. Với nguồn vốn dự kiến cho đề án này khoảng 43.000 tỉ đồng gồm vốn vay ngân hàng, vốn huy động từ nước ngoài, vốn từ tiền đền bù giải tỏa cho các DN di dời và vốn tự có của DN. Nhưng trong bốn nguồn vốn này, hiện nay, khả dĩ vẫn là nguồn vốn từ đền bù và phần nhỏ là từ vốn tự có và vốn vay. Thực chất, con số vốn 43.000 tỉ đồng có thể chỉ là ban đầu. Và như thế, nếu không phát huy được nguồn vốn vay và vốn nước ngoài thì đề án này khó mà thực hiện.

Ông Nguyễn Thanh Hải - Cty CP Đầu tư Hải Phong nhận xét, đa số nhà đầu tư ngoại hầu không tham gia việc đấu giá hoặc trở thành cổ đông của những DN ngành dệt may nên thị trường cổ phiếu ngành này kém sôi động. Ngoài việc Nhà nước vẫn đang nắm giữ cổ phần chi phối, lợi thế thị trường rộng lớn thì sức hút từ ngành dệt may không có gì đặc biệt. Nếu chúng tôi có đầu tư thì việc quyết định tới tính chiến lược đên Cty hầu như không có, nên nhiều nhà đầu tư lớn tỏ ra ngần ngại khi bỏ khoản tiền lớn đầu tư vào ngành dệt may.

Những kỳ vọng
Với lợi thế là tập đoàn lâu đời và nhiều cơ hội khi TPP mở ra sẽ là hi vọng lớn cho Tập đoàn Vinatex khi tìm kiếm các nhà đầu tư chiến lược. Tuy nhiên, điều này có vẻ chưa đủ để hấp dẫn mạnh đối với nhà đầu tư nước ngoài. Ông Nguyễn Lam - Giám đốc Điều hành Quỹ Đầu tư DNNVV cho biết: “Ai cũng muốn mua được cổ phần của một DN mà Nhà nước nắm cổ phần chi phối”, nhưng điều này chưa đủ. Để tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược cho mình, đã đến lúc Vinatex cần phải kết hợp nhiều yếu tố khác nữa. Tuy nhiên, việc đầu tiên vẫn là phải đưa ra mức giá hợp lý.

Thực tế, sau những đợt cổ phần hóa DNNN như TCty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) hay Vietcombank với mức giá trên dưới 100.000 đồng/cổ phiếu, không ít nhà đầu tư, đã phải nếm trái đắng vì cổ phiếu giảm giá sau đó. Rồi trường hợp VietnamAirline, BIDV hoãn IPO, TCty Chăn nuôi (Vilico) IPO bị ế cổ phiếu vì các nhà đầu tư chiến lược không mấy mặn mà khi Nhà nước vẫn giữ phần lớn vốn ở những DN này. Giới đầu tư dự đoán giá của Vinatex ở mức từ 15.000 - 20.000đ/CP. Tuy nhiên vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề này.

Ông Lam cho rằng, từ những trường hợp thực tiễn trên, Vinatex cần xem xét đưa ra tiêu chí cụ thể hơn, thay vì bắt nhà ĐTNN đáp ứng mọi điều kiện của mình. Nếu điều này thực hiện sớm, tôi tin rằng Vinatex sẽ hút dòng vốn của nhà ĐTNN, đón cơ hội từ thị trường TPP mở ra. Điều này rất cần thiết cho Vinatex khi mà đầu tư vào ngành dệt và nhuộm là chiến lược quan trọng trong việc hình thành chuỗi cung ứng hoàn chỉnh của ngành dệt may tại VN, đồng thời cũng nâng cao giá trị gia tăng và lợi thế cạnh tranh cho ngành. Trong giai đọan từ nay đến 2015, chỉ tính riêng các dự án trọng điểm phục vụ cho khâu đầu tư của Vinatex đã hút khỏang 20.000 tỉ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu cần cho đầu tư từ 7.500 - 8.000 tỉ đồng. Do vậy, lấy tiền ở đâu để thực hiện những tham vọng của mình, có lẽ Vinatex sẽ sớm nhận ra và tìm lời giải đáp khi thời điểm IPO trong quí 3/2013 đã cận kề.