Phân tích cơ bản - Thị trường hiệu quả và lý thuyết tài chính hành vi


Ứng dụng của tài chính hành vi không chỉ dừng lại trong việc giải thích các hành vi không hợp lý của nhà đầu tư, mà đi xa hơn, nó có thể điều chỉnh các mô hình định giá các tài sản tài chính bao gồm cổ phiếu, trái phiếu, sản phẩm phái sinh, hàng hóa… cho đến ứng dụng trong lý thuyết quản trị công ty hay cấu trúc vốn trong tài chính doanh nghiệp, lẫn giải thích tính tương tác giữa các thị trường khác nhau. Lý thuyết thị trường hiệu quả dựa vào nguyên tắc mọi hành xử lý trí đều có chung mục đích tối đa hóa lợi ích một cách chính xác và giá trị hợp lý của các tài sản tài chính đã phản ánh các thông tin. Thị trường hiệu quả luôn tồn tại một cơ chế điều chỉnh thị trường về trạng thái cân bằng, đó là cơ chế kinh doanh chênh lệch giá.
Nguyên tắc của cơ chế kinh doanh chênh lệch giá là khi tồn tại hiện tượng định giá sai trên thị trường, hay giá của các tài sản tài chính trên thị trường không phản ánh một cách chính xác giá trị hợp lý (dựa trên những yếu tố cơ bản), thì sẽ tồn tại cơ hội kinh doanh chênh lệch giá. Khi đó “những nhà đầu tư hợp lý” sẽ tận dụng những cơ hội này để mua tài sản bị định giá thấp, bán tài sản bị định giá quá cao. Hành động này sẽ góp phần điều chỉnh thị trường về trạng thái cân bằng hợp lý.
Tài chính học hành vi là lĩnh vực tài chính sử dụng các lý thuyết cơ bản dựa trên tâm lý con người để giải thích những bất thường trên thị trường tài chính. Trong đó, lý thuyết tài chính hành vi chỉ ra rằng cơ chế điều chỉnh thị trường về trạng thái cân bằng không phải lúc nào cũng có thể xảy ra. Có nghĩa là sẽ có trường hợp những nhà đầu tư “hợp lý” sẽ không thể chiến thắng những nhà đầu tư “bất hợp lý”. Lúc này thị trường sẽ không hiệu quả, hay tài sản tài chính được định giá quá cao hoặc quá thấp.
1. Điều kiện tồn tại lý thuyết tài chính hành vi
Hành vi không hợp lý: Nhà đầu tư sẽ có hành vi không hợp lý khi họ không phân tích và xử lý “đúng” những thông tin mà họ có và thị trường cung cấp, từ đó dẫn đến những kỳ vọng “lệch lạc” về tương lai của cổ phiếu đầu tư vào. Ngoài ra, trong một số trường hợp, dựa trên kinh nghiệm hay nhận thức sẵn có, họ cũng mắc phải những “lệch lạc trong nhận thức”. Những nghiên cứu về hành vi không hợp lý tiêu biểu trong thị trường tài chính là kết hợp giữa tâm lý học, mà chủ yếu là trường phái tâm lý nhận thức với trường phái tâm lý hành vi.
Hành vi không hợp lý mang tính hệ thống: Nếu chỉ một nhà đầu tư đơn lẻ có hành vi không hợp lý, thì ảnh hưởng của giao dịch của nhà đầu tư này lên giá các tài sản tài chính trên thị trường là không đáng kể, cho dù là một tổ chức đầu tư lớn thì ảnh hưởng cũng rất hạn chế nếu chỉ đơn độc một mình. Chỉ khi hành vi không hợp lý là mang tính hệ thống, có nghĩa là một nhóm nhiều nhà đầu tư cùng có một hành vi không hợp lý như nhau, thì việc định giá sai sẽ xuất hiện và có thể bắt đầu kéo dài.
Lý thuyết tài chính hành vi cho rằng tính “bất hợp lý” trong hành vi là khá phổ biến đối với nhiều nhà đầu tư. Do đó, nó tạo thành một dạng như chúng ta thường gọi là “hiệu ứng bầy đàn”, khiến cho giá một số cổ phiếu không phản ánh giá trị “thực” hay “hợp lý” của chúng. Như vậy, “hiệu ứng bầy đàn” là không tốt cho thị trường trong trường hợp chúng ta xem “hiệu ứng bầy đàn” là tất cả đều hành động theo một mẫu hành vi lệch lạc, không hợp lý.

Giới hạn khả năng kinh doanh chênh lệch giá trên thị trường tài chính: Lý thuyết thị trường hiệu quả tin rằng nếu tồn tại định giá sai thì sẽ tồn tại cơ hội để kinh doanh chênh lệch giá thu lợi nhuận, và chính hành vi kinh doanh chênh lệch giá sẽ điều chỉnh giá trên thị trường về cân bằng. Nhưng nếu tồn tại định giá sai, mà lại không thể thực hiện kinh doanh chênh lệch giá để tận dụng các khoản lợi nhuận này thì sẽ như thế nào? Và tại sao lại không thể thực hiện kinh doanh chênh lệch giá khi có định giá sai?

Một giải thích được chấp nhận rộng rãi trong trường phái tài chính hành vi là có 2 dạng định giá sai: dạng thứ nhất là thường xuyên xảy ra và có thể kinh doanh chênh lệch giá được và dạng thứ hai là không thường xảy ra, kéo dài và không thể kinh doanh chênh lệch giá được hay nói một cách khác, khó mà xác định được khi nào mức định giá sai đã đạt tới giới hạn trên hay dưới và điều chỉnh lại. Nếu tham gia “điều chỉnh” kiểu định giá sai dạng 2 thì rất dễ rơi vào trạng thái “tiền mất, tật mang”.

Kinh doanh chênh lệch giá không thể xảy ra vì về lý thuyết có những tài sản có tính thay thế lẫn nhau hoàn hảo và có thể kinh doanh chênh lệch giá 2 tài sản đó. Hành động kinh doanh chênh lệch giá chỉ có thể tồn tại trong ngắn hạn, vì khi xuất hiện hiện tượng chênh lệch giá thì nhiều nhà đầu tư sẽ hành động giống nhau khiến giá biến động theo chiều hướng bất lợi. Ngoài ra, chi phí thực hiện các chiến lược hưởng chênh lệch giá và sự tồn tại của các giao dịch của những nhà đầu tư không hợp lý cũng ngăn cản điều này.

Chính vì vậy, chúng ta đã từng thấy trong lịch sử nhiều vụ bong bóng giá các tài sản tài chính như ở Nhật vào thập niên 1980, cổ phiếu công nghệ truyền thông (dotcom) của Mỹ vào 1999-2000, rồi gần đây là chứng khoán Trung Quốc cũng bị xem là “quá nóng”. Tuy nhiên, rõ ràng không hề có những điều chỉnh tức thời như người ta kỳ vọng, mà những vụ bong bóng này kéo dài nhiều năm, nhất là ở các nước châu Á đang phát triển và các nước trong nhóm BRIC. Đây là dấu hiệu của giới hạn khả năng kinh doanh chênh lệch giá.

2. Ứng dụng của lý thuyết tài chính hành vi
Một khi trong thị trường hội đủ 3 yếu tố kể trên (hành vi bất hợp lý của nhà đầu tư, hiệu ứng bất hợp lý mang tính hệ thống, và giới hạn kinh doanh chênh lệch giá), thì đó là lúc mà hiện tượng giá tài sản tài chính bị định giá sai sẽ đáng kể và kéo dài.
Khi đó các lý thuyết tài chính truyền thống bị giảm hiệu quả, và lý thuyết tài chính hành vi là một bổ sung giá trị. Lý thuyết tài chính hành vi nhìn chung không phải là một trường phái tài chính chính thống và thường bị các nhà nghiên cứu thuộc trường phái thị trường hiệu quả, dẫn đầu là Eugene Fama, nhà kinh tế học người Mỹ nổi tiếng với các nghiên cứu về lý thuyết về danh mục đầu tư và định giá tài sản, đả kích. Lý thuyết này vẫn đang còn ở dạng sơ khai, còn tồn tại nhiều vấn đề gây tranh cãi, chưa có những cơ sở và nguyên lý vững chắc như lý thuyết chính thống hiện đại như mối quan hệ giữa rủi ro - tỷ suất sinh lợi, thị trường hiệu quả - kinh doanh chệnh lệch giá, và là một sự bổ sung hơn là tách biệt khỏi lý thuyết tài chính chính thống.
Ứng dụng của tài chính hành vi không chỉ dừng lại trong việc giải thích các hành vi không hợp lý của nhà đầu tư, mà đi xa hơn, nó có thể điều chỉnh các mô hình định giá các tài sản tài chính bao gồm cổ phiếu, trái phiếu, sản phẩm phái sinh, hàng hóa… cho đến ứng dụng trong lý thuyết quản trị công ty hay cấu trúc vốn trong tài chính doanh nghiệp, lẫn giải thích tính tương tác giữa các thị trường khác nhau.

3. Những nguyên lý và lý thuyết cơ bản của tài chính hành vi
Lý thuyết kỳ vọng: Nhà đầu tư có khuynh hướng xem khả năng bù đắp một khoản lỗ quan trọng hơn khả năng kiếm được nhiều lợi nhuận hơn. Khi khoản đầu tư có khuynh hướng mang lại lợi nhuận, họ thích nắm chắc ngay khoản lợi nhuận hiện tại hơn là cố gắng tiếp tục đầu tư để thu được nhiều lợi nhuận hơn trong tương lai. Nhưng ngược lại, khi khoản đầu tư có nguy cơ thua lỗ thì họ lại cố gắng duy trì với hy vọng sẽ nhận được khoản lời trong tương lai, mặc dù lúc này rủi ro thua lỗ nhiều hơn là rất lớn bởi họ cho rằng, cổ phiếu đang sụt giá sẽ tốt hơn cổ phiếu đang lời của họ trong tương lai.

Nhà đầu tư đã mua cổ phiếu vì những thông tin có triển vọng do thị trường cung cấp và sẽ nhanh chóng bán cổ phiếu đó khi giá cổ phiếu tăng. Bởi vì họ tin rằng giá cổ phiếu hiện đã phản ánh đầy đủ thông tin này. Khi cảm thấy đã đạt được lợi nhuận mong muốn thì sẽ bán cổ phiếu đi để kiếm lời mà không phân tích khả năng tăng thêm lợi nhuận.

Sự không yêu thích rủi ro: Tính không cân xứng trong tâm lý rõ ràng giữa những giá trị mà con người kỳ vọng vào lợi nhuận và thua lỗ, được gọi là sự ghét rủi ro. Những bằng chứng thực nghiệm chỉ ra rằng thua lỗ thì được cân nặng gấp nhiều lần so với lợi nhuận. Điều này có thể diễn tả như là khái niệm mà mọi người có xu hướng đánh cược trong việc mất mát, chẳng hạn, nhà đầu tư có xu hướng giữ ở vị thế lỗ với hy vọng rằng giá cuối cùng sẽ phục hồi.
Không yêu thích rủi ro có thể giải thích rằng xu hướng của nhà đầu tư giữ chứng khoán bị lỗ quá lâu trong khi bán chứng khoán lời quá sớm.

Tính toán bất hợp lý: Nhà đầu tư có xu hướng tách riêng các quyết định mà đúng ra phải được kết hợp lại với nhau vào các tài khoản ảo trong trí tưởng tượng của chúng ta và tối đa hoá lợi ích từng tài khoản. Và vì thế, họ đưa ra các quyết định nhìn tưởng là hợp lý, mà thật ra là sai lầm.

Sử dụng tính toán bất hợp lý và định nghĩa hẹp, chúng ta có thể giải thích nhiều hiện tượng như lựa chọn nghịch với sở thích (preference reversals), sợ thua lỗ (loss aversion), và hiệu ứng phân bổ tài khoản khá phổ biến, thể hiện cơ bản ở chỗ người ta sẵn sàng thực hiện ngay những lệnh mang lại lời nhỏ, nhưng trì hoãn không thực hiện lệnh dừng lỗ khi xuất hiện những khoản lỗ nhỏ.
Nhà đầu tư luôn cố gắng tối đa hoá tài khoản lời, và tối thiểu hoá tài khoản lỗ, nên giá lên một chút thì bán, giá xuống thì cứ giữ. Hiệu ứng phân bổ tài khoản này cũng có thể được lý giải bằng hiệu ứng tự lừa dối hay sợ rằng nếu bán mà bị lỗ thì sẽ cảm thấy bản thân ra quyết định đầu tư kém, hay hiệu ứng tiếc nuối tức là lỡ bán rồi mà giá lên thì sao. Hiệu ứng phân bổ tài khoản lý giải một phần vì sao trong thị trường tăng giá thì khối lượng giao dịch tăng cao hơn khi thị trường giảm giá ở các thị trường lớn.

Quá tự tin và phản ứng thái quá hay bi quan: Nhà đầu tư thường xem bản thân họ tốt hơn những nhà đầu tư khác, đánh giá cao bản thân hơn những gì người khác đánh giá, và họ thường phóng đại những hiểu biết của mình. Những nhà đầu tư quá tự tin đã được chứng minh rằng, họ giao dịch nhiều hơn những nhà đầu tư khác. Sự quá tự tin làm tăng các hoạt động giao dịch bởi vì nó là lý do khiến nhà đầu tư sẵn sàng về quan điểm của họ, không cần tham khảo thêm những quan điểm thích đáng của những nhà đầu tư khác.

Sự quá tự tin cũng làm tăng tính không đồng nhất trong niềm tin của nhà đầu tư. Nhà đầu tư quá tự tin cho rằng, hành động của họ ít rủi ro hơn các nhà đầu tư khác cảm nhận. Những nhà đầu tư quá tự tin nhiều khi hiểu sai giá trị thông tin họ nhận được, không những tính chính xác của thông tin mà còn hiểu sai cả ý nghĩa của thông tin. Sự cả tin thái quá mà một người có càng lớn, rủi ro càng cao và họ rất ít đa dạng hóa đầu tư và chỉ tập trung vào những cổ phiếu mà cho là mình đã quen thuộc.

Lệch lạc do tình huống điển hình: Nhà đầu tư có xu hướng không quan tâm nhiều đến những nhân tố dài hạn, mà thường đặt nhiều quan tâm đến những tình huống điển hình ngắn hạn. Ví dụ khi giá cổ phiếu bắt đầu tăng liên tục 3, 4 năm hoặc dài hơn như trường hợp của Mỹ và Tây Âu từ năm 1982 đến 2000, hay Trung Quốc trong 10 năm trở lại đây thì nhiều nhà đầu tư cho rằng lợi nhuận cao từ cổ phiếu là việc “bình thường”. Nhưng khi thị trường đi xuống trong ngắn hạn thì mức sinh lời cao là “không bình thường”.

Tính bảo thủ: Khi điều kiện kinh tế vĩ mô hay vi mô thay đổi người ta có xu hướng chậm phản ứng với những thay đổi đó, và gắn nhận định của mình với tình hình chung trong một giai đoạn dài hạn trước đó. Tức là khi có tin nền kinh tế suy giảm, họ cho rằng kinh tế kém đi chỉ là tạm thời, dài hạn vẫn là đi lên, mà không nhận thấy có thể tin đó phát đi tín hiệu một chu kỳ suy thoái nhiều năm đã bắt đầu. Tuy nhiên, khi tình hình vẫn chưa cho thấy sự cải thiện sau một khoảng thời gian thì mọi người đổ xô đi bán cổ phiếu. Kết quả, lại dẫn đến phản ứng thái quá.

Phụ thuộc vào kinh nghiệm: Các kinh nghiệm, hay quy tắc học được thường giúp chúng ta ra quyết định nhanh chóng và dễ dàng hơn nhiều. Nhưng trong một số trường hợp, dựa dẫm quá nhiều vào các quy tắc đôi khi sẽ dẫn đến sai lầm, đặc biệt là khi các điều kiện bên ngoài thay đổi. Và đặc biệt là người ta thường đề cao hiệu quả của những quy tắc đơn giản, gần gũi và dễ nhớ, kiểu hiệu ứng. Lý thuyết này giúp giải thích tại sao thị trường thỉnh thoảng hành xử một cách vô ý thức.

Lý thuyết tâm lý đám đông: Một quan sát cơ bản về xã hội con người cho thấy con người có mối liên hệ giao tiếp với người khác có cùng suy nghĩ. Điều này khá quan trọng để hiểu nguồn gốc của sự suy nghĩ tương tự nhau dưới tác động của các mối quan hệ giao tiếp, dẫn đến những hành động giống nhau trong cùng một khoảng thời gian và làm thay đổi giá cả các tài sản.
Ảnh hưởng xã hội có một tác động rất lớn lên phán đoán cá nhân. Khi phải đối mặt với một tình huống mà nhà đầu tư cho rằng quyết định trở nên không chắc chắn thì ảnh hưởng hành vi và quan điểm của đám đông sẽ làm cho các cá nhân cảm thấy chắc chắn hơn.

Tuy nhiên, tâm lý đám đông luôn tồn tại trong quá trình ra quyết định của con người cũng như nhà đầu tư, không phân biệt việc có kinh nghiệm hay không. Và lý thuyết ảnh hưởng tâm lý đám đông này càng rõ nét khi nhà đầu tư buộc phải đưa ra các quyết định nhanh chóng, chưa có đầy đủ thông tin cần thiết. Khi con người đối đầu với phán đoán của một nhóm lớn, họ có xu hướng thay đổi những câu trả lời của họ. Họ đơn giản nghĩ rằng tất cả những người khác có thể không sai.

Để có những quyết định đầu tư hợp lý và đạt được nhiều lợi nhuận, nhà đầu tư nên hạn chế những ảnh hưởng tâm lý trong các lý thuyết nêu trên, thay vào đó là sử dụng tổng hợp các công cụ phân tích tài chính, tạo tiền đề vững chắc cho các quyết định.

(Vietstock)