Bài mở bát tháng 7 này có thể sẽ khiến bạn thất vọng vì nó thiếu những phân tích vĩ mô, nền kinh tế, nhận định TTCK sâu sắc cho những tháng sắp tới. Các bài phân tích vĩ mô, nền kinh tế ở những tháng trước đã quá tốt và đầy đủ rồi, tôi không có gì để bổ sung và phân tích thêm. Theo tôi, trong thị trường sideway như hiện nay, việc phân tích bottom up từng công ty, từng ngành để tìm ngọc trong đá, tìm ra công ty/ cổ phiếu đang bị bán dưới giá trị hữu ích hơn việc tập trung vào phân tích vĩ mô, thị trường chung.

Dù sao cũng nên nhận xét chút ít về bức tranh lớn.

- Về chu kì kinh tế, quan điểm của tôi là nền kinh tế đang ở giai đoạn đầu xuân, hay nói theo tây học là giai đoạn Initial Recovery với các tín hiệu lãi suất giảm để kích thích kinh tế, lạm phát giảm, bond yield chạm đáy, giá cổ phiếu tăng (đặc biệt là cổ phiếu Penny). Một đặt điểm mà nền kinh tế Việt Nam đáng lẽ phải có ở giai đoạn này, đó là business confidence phải tăng. Business confidence, tổng cầu của nền kinh tế chưa tăng như kì vọng, khiến cho bức tranh ổn định trong trì trệ đã phân tích ở bài viết tháng 5 vẫn đúng cho những tháng tới.
- Tuy nhiên, vẫn có một số mặt tích cực của sự bi quan, đó là dấu hiệu phục hồi của nền kinh tế ngày càng rõ rệt hơn:
+ Xuất khẩu: theo thống kê bộ công thương, tính 5 tháng kim ngạch xuất khẩu (KNXK) cả nước đạt 58.5 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ 2013. Trong đó KNXK khu vực DN 100% vốn trong nước đạt 19.05 tỷ USD, tăng 11.9%. Nhìn chung, xuất khẩu nhóm DN 100% vốn trong nước phục hồi đáng kể, tăng trưởng rõ rệt hơn so với cùng kỳ. KNNK đạt gần 57 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ 2013. Theo số liệu TCTK, KNXK tháng 6 là 12.1 tỉ USD, nhập khẩu 12.3 tỉ USD, 6 tháng đầu năm con số xuất siêu là ~1. 3 tỷ USD.
+ Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 5 tăng 5.6% so với cùng kì 2013, trong đó nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7.5%.
+ 5 tháng đầu năm, VN thu hút 5,509 tỷ USD FDI, bằng 65.7% cùng kỳ (do năm ngoái FDI tăng khủng), tuy nhiên vốn FDI giải ngân đạt 4.6 tỷ USD, tăng 0.4% so với cùng kỳ.
+ Tuy vẫn ở mức thấp so với các nước hàng xóm trong khu vực, dự trữ ngoại hối của VN đã tăng lên 35 tỉ USD, tương đương với 3.1 tháng nhập khẩu. Đây là mức dự trữ ngoại hối cao nhất của chúng ta từ trước đến nay.

+ Dòng vốn khối ngoại vẫn đều đặn đổ vào TTCK Việt Nam, trong tháng 6 con số này là 71.6 triệu USD.

+ Theo khảo sát của TCTK, có 75.1% DN dự kiến lợi nhuận trước thuế năm 2014 cao hơn 2013, 19.1% DN dự kiến lợi nhuận giảm.
+ Nếu không có gì đột biến, PMI tháng 6 sẽ tiếp tục chuỗi 10 tháng trên 50.
+ Chỉ số đo sự lạc quan của người tiêu dùng- Consumer Confidence Index do Nielsen khảo sát cho thấy CCI ở Việt Nam đang ổn định, chưa bức phá nhưng vẫn tăng nhẹ qua từng quý. Đây là chart tôi tổng hợp từ Q4 2010 đến Q1 2014.

- Sự kiện đáng chú ý tháng 6 vừa qua đó là tỉ giá VND/USD đã tăng 1% lên 21.246 sau 12 tháng ổn định. Tuy nhiên, việc phá giá 1% sẽ không ảnh hưởng nhiều đến thị trường vì biên độ không đáng kể và đã được thị trường dự báo. Ngay trong tháng 5, nhiều người đã đánh hơi được việc này khi Media đưa tin ngầm cảnh báo chuẩn bị phá giá. Tôi không tính ra được tác động cụ thể của 1% tỉ giá này giúp các doanh nghiệp xuất khẩu, thủy hải sản, nhập khẩu nguyên vật liệu…tăng hoặc giảm bao nhiêu % chi phí, doanh thu, nên cũng không dựa vào việc này để mua bán cổ phiếu. Hi vọng được mọi người nếu có ai có ý tưởng đầu tư nào dựa vào biến động tỷ giá này đóng góp cái nhìn giúp ạ!

Về chiến lược đầu tư:
- Từ nay đến cuối năm, nếu phải chọn 1 vùng điểm cho Vnindex tôi chọn 550-600 (nếu không có thiên nga đen). Chiến lược đầu tư chung ở vùng sideway vẫn là mua khi breakdown và bán khi breakout. Nếu bạn biết có game (tăng vốn, thoái vốn, lợi nhuận đột biến, M&A…) ở 1 số cổ phiếu và mua chờ game, hoặc nắm bắt dòng tiền chảy vào các sector để mua là chiến thuật rất tốt. Giai đoạn này tôi tập trung vào các ngành phòng thủ, ổn định, có tiềm năng tăng trưởng cao khi nền kinh tế thực sự bước vào mùa xuân. Trong từng ngành đã nhắm, tiếp tục tìm các doanh nghiệp có Balance sheet tốt, doanh thu tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái và đang được giao dịch ở giá rẻ (có thể pricing đơn giản dựa vào P/E, P/B). Chọn được cổ phiếu phù hợp & xác định được mức giá mua để có biên an toàn cao và kiên nhẫn chờ đợi thị trường định giá lại cổ phiếu mình đã chọn là chiến lược của tôi hiện nay.
- Tôi đọc ở 1 topic PTKT: “ đừng có nói cho tôi biết nên mua cái gì? Mà hãy cho tôi biết nên mua khi nào. Ý đại khái là việc mua bán CP nào là chuyện quá dễ dàng ai cũng biết…”. Theo tôi việc timing thị trường là vô cùng khó và không phải ai cũng timing với tỉ lệ đúng cao. Thay vào đó, tôi tập trung rèn luyện kĩ năng "quá dễ dàng mà ai cũng biết" là chuyện mua cái gì. Qua cuộc đua ngựa Tiếp Sức Sinh Viên, tôi học được là nếu bạn mua đúng cổ phiếu, không cần nhảy nhót gì vẫn có suất sinh lời đáng nể. Và việc suy luận ra hot story của tháng để mua cổ phiếu, hoặc mua đúng cổ phiếu tốt thôi cũng không phải là chuyện quá dễ dàng đâu nhé. Không tin bạn hãy đăng ký thi thử vài tháng cuộc thi Tiếp sức sinh viên coi sao. Tôi rất mong nhiềuVfers sẽ tham gia cuộc thi này. Chi phí cực thấp, cũng không tốn nhiều thời gian mà bạn vừa mang lại suất học bổng cho sinh viên, vừa học được nhiều bài học hay cho cả trường phái đầu tư & đầu cơ. Có 1 số nhà đầu tư dài hạn, khi đua ngựa ngắn hạn vẫn đua tốt, và cũng có 1 số trader có tuyệt học nhảy sạp giỏi, khi không được nhảy nhót vẫn có lợi nhuận ổn định. Khi số người tham gia nhiều, phần thưởng cao, có khi người thắng cuộc 1 phút vui vẻ sẽ tiết lộ cho bạn vài tuyệt chiêu hiệu quả để kiếm cơm trên TTCK không chừng.