13-2-2013 (VF) – Vì chứng khoán không chỉ là trò chơi cảm xúc nên cân nhắc lý do thúc đẩy tham gia thị trường cũng có một vài ý nghĩa.

1- Cơ hội kiếm lợi nhuận cao. Trong hoàn cảnh kinh tế thuận lợi, tỷ suất lợi nhuận 15%-20% so với quy mô vốn đầu tư đã là con số hấp dẫn và không dễ dàng đạt được trong các hoạt động kinh doanh. Mức sinh lời này, trên thị trường chứng khoán, không chỉ quen thuộc mà hoàn toàn khả thi. Thậm chí, với nhiều người là chuyện đương nhiên, chỉ có đạt tới mức lợi nhuận như vậy thì mới đáng để quan tâm tới chứng khoán.

Quả thực, chỉ cần trong một ngày đẹp trời, với biên độ dao động giá 10% trên HNX và 7% trên HSX, nhà đầu tư đã có thể đạt tới mức lợi nhuận này.

2- Dễ dàng thu tiền mặt về. Tính đến hết năm 2012, Việt Nam có hơn 1,26 triệu tài khoản giao dịch chứng khoán với 16.001 mã giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài. Hai số thống kê này hứa hẹn năng lực thanh khoản cao của thị trường. Khoản đầu tư có thể lãi hoặc không lãi nhưng chỉ cần nhà đầu tư quyết định bán ở mức giá được thị trường chấp nhận thì có thể thu hồi tiền mặt. Điều này đặt trong bối cảnh thị trường bất động sản đóng băng, dù các chủ dự án và nhà đầu tư chấp nhận giảm giá tới vài chục phần trăm, thực sự là ưu thế đáng kể của chứng khoán so với loại tài sản đầu cơ được ưa chuộng vào bậc nhất này.

3- Cơ hội kinh doanh ngày càng ít đi. Quy luật cạnh tranh của thị trường khiến cơ hội kinh doanh ngày càng trở nên hiếm hoi hơn với số đông. Tình hình kinh tế khó khăn lại càng đòi hỏi năng lực sáng tạo và tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ để có thể bắt đầu một hành trình kinh doanh (vốn ẩn chứa nhiều bất trắc). Đó mới chỉ là bắt đầu.

Gây dựng cơ ngơi kinh doanh khang trang, có đủ điều kiện trở thành doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán là một chuỗi những nỗ lực không ngừng nghỉ vượt qua khó khăn và thách thức. Có tới vài trăm nghìn doanh nghiệp hiện đang kinh doanh tốt tại Việt Nam nhưng chỉ khoảng 700 doanh nghiệp hiện diện trên thị trường chứng khoán. Thị trường chứng khoán có thể coi như cũng có sự sàng lọc tự nhiên của mình.

Rõ ràng, trở thành doanh nghiệp niêm yết không hề dễ dàng. Thế nhưng, nắm giữ cổ phiếu niêm yết và trở thành nhà đầu tư chứng khoán thật đơn giản. Hầu như không có giới hạn về số tiền đầu tư tối thiểu khi một cá nhân muốn mở tài khoản kinh doanh chứng khoán. Vào những lúc TTCK trầm lắng, thì nỗ lực phục vụ và mời gọi nhà đầu tư mở tài khoản của các công ty chứng khoán lại càng lơn hơn bao giờ hết. Lại so sánh với bất động sản vốn cần tới hàng trăm triệu hay hàng tỷ đồng để nhập cuộc thì chứng khoán chỉ yêu cầu vài triệu.

4- Rất nhiều lựa chọn. Có rất nhiều công ty niêm yết trên TTCK không đạt kết quả kinh doanh tốt, thậm chí còn phá sản. Tuy vậy, vẫn còn rất nhiều lựa chọn trong số 700 mã chứng khoán. Nhà đầu tư luôn có thể tìm thấy món ăn hợp khẩu vị.

5- Tận dụng được năng lực chuyên môn và khả năng tiếp cận thông tin. Toàn tâm toàn ý với TTCK, trông cậy tất thảy vào thu nhập từ kinh doanh chứng khoán đòi hòi nhiều cân nhắc và thực sự không phải cơ hội cho tất cả mọi người. Thế nhưng, đầu tư chứng khoán như một phương án bảo quản – mà vẫn có thể kiếm lợi – tài sản thì rất đáng quan tâm.

Trong công việc chuyên môn thường nhật, ai cũng tích lũy cho mình kiến thức chuyên môn và lượng thông tin nhất định. Những hiểu biết này không phải khi nào cũng phát huy tác dụng trong công việc quen thuộc. Song, cùng với tiền vốn, việc vận dụng những kiến thức nghề nghiệp và thông tin chuyên gia hoàn toàn có thể dẫn dắt tới quyết định đầu tư sáng suốt trên TTCK.

Những người đã, đang và sẽ gia nhập TTCK sẽ còn bổ sung nhiều lý do khác.

Cuối cùng, hành trình chứng khoán sẽ bớt trắc trở khi tránh được một số sai lầm thường gặp sau đây[i]:

1- Quyết định theo những thông tin, đánh giá, phân tích, nhận định không thể kiểm chứng tính khách quan, độ chính xác, và chất lượng chuyên môn.
2- Không xác định được kỳ vọng của cá nhân khi tham gia thị trường chứng khoán.
3- Bị ảnh hưởng bởi tâm lý bầy đàn.
4- Quan tâm lợi nhuận và không quan tâm bổ sung kiến thức.
5- Luôn tin rằng mình là người khôn ngoan nhất.
[i] Vương Quân Hoàng, 2006. Một số sai lầm thường gặp của các nhà đầu tư chứng khoán Việt Nam. 12/12/2006.