Việc phần lớn nhà đầu tư cá nhân đứng ngoài cuộc nghĩa là có một lượng tiền lớn đang chờ đợi cơ hội để đổ vào thị trường. Do đó, chỉ cần tin tốt xuất hiện, VN-Index sẽ hồi phục mạnh.


Việc VN-Index xập xình trong suốt 2 tháng qua có phải là dấu hiệu cho thấy đã đến lúc để mua vào?

Thị trường chứng khoán đang chịu áp lực của nhiều tin xấu. Kể từ nửa cuối năm 2008, hết kinh tế Mỹ suy thoái lại đến châu Âu. Khi kinh tế Mỹ và châu Âu chập chững hồi phục thì lại xuất hiện nguy cơ bùng nổ chiến tranh tiền tệ. Còn đối với kinh tế Việt Nam là vấn đề thâm hụt thương mại, biến động tỉ giá, lãi suất cao, lạm phát có nguy cơ tăng vào các tháng cuối năm.

Những điều trên đã gây áp lực giảm điểm lên thị trường chứng khoán từ tháng 5.2010 đến nay. Nhiều nhà đầu tư cá nhân đã chọn giải pháp đứng ngoài cuộc. Tuy nhiên, ông Vũ Thanh Tùng, đại diện một quỹ đầu tư Hàn Quốc tại Việt Nam, cho rằng, đây chính là thời điểm tốt để giải ngân. Theo ông, các nhà đầu tư tổ chức sẽ chờ đến khi nhà đầu tư cá nhân thực sự chán nản, khối lượng giao dịch cạn kiệt, tin xấu xuất hiện cũng không làm giá cổ phiếu giảm thêm để mua vào, cơ cấu lại danh mục, nhằm chuẩn bị cho thời kỳ hồi phục.

Còn theo bà Nguyễn Thị Thanh Hương, chuyên viên phân tích của Công ty Cổ phần Truyền thông Chứng khoán Việt Nam, nắm bắt quy luật vận động của thị trường gắn liền với tin tức sẽ giúp nhà đầu tư có quyết định mua bán tốt hơn. Bà cho biết, tin tức vận động theo sóng hình Sin và thường đi trước thị trường. Khoảng thời gian đi trước tùy thuộc vào sức mạnh của tin tức và việc đó là tin trực tiếp hay gián tiếp. Cụ thể, sau một đợt tin tốt khiến thị trường bùng phát sẽ là một đợt tin xấu khiến thị trường giảm điểm.

Có thể thấy, VN-Index tăng điểm vào tháng 4, 5 và 6 là nhờ những thông tin tích cực của kinh tế thế giới và trong nước đã giúp khôi phục niềm tin của nhà đầu tư. Việc các công ty chứng khoán cho nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính với mức cao cũng tiếp sức cho VN-Index tăng điểm. Tuy nhiên, từ tháng 7, cuộc khủng hoảng nợ châu Âu bùng nổ, khiến nhà đầu tư bi quan về triển vọng kinh tế toàn cầu. Ở trong nước, các tin tức tiêu cực cũng bắt đầu xuất hiện như thâm hụt thương mại, lãi suất cao, tác động của Thông tư 13/2010/TT-NHNN. Đến tháng 8 và 9, các tin tức ngày càng tiêu cực hơn như nguy cơ lạm phát quay trở lại, lãi suất ngân hàng không hạ nhiệt như kỳ vọng, sự đổ vỡ của Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam.

Những điều này khiến phần lớn các nhà đầu tư cá nhân chọn giải pháp án binh bất động. Tuy nhiên, bà Hương nhận định: “Việc phần lớn nhà đầu tư đứng ngoài cuộc nghĩa là có một lượng tiền lớn đang chờ đợi cơ hội để đổ vào thị trường. Do đó, chỉ cần tin tốt xuất hiện, VN-Index sẽ hồi phục mạnh”.

Lạm phát, tỉ giá, lãi suất, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội và chính sách điều hành kinh tế của Chính phủ tiếp tục là những yếu tố tác động trực tiếp đến thị trường chứng khoán vào cuối năm. Theo bà Hương, để nhận diện sớm một xu hướng, có thể vận dụng thuật phân tích thông tin. Theo đó, một thông tin, nếu nằm đơn lẻ, sẽ không có nhiều ý nghĩa. Nhưng nếu nhiều thông tin cùng phản ánh một vấn đề, chúng sẽ chỉ ra cho nhà đầu tư một đáp số. Thuật này có thể áp dụng để nhận diện sớm việc chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng hay giảm. Nếu có tới 2/3 số hàng hóa trong rổ tính CPI tăng giá mạnh, có nghĩa là CPI sẽ tăng và ngược lại.

“Hãy áp dụng thuật phân tích thông tin để nhận diện các yếu tố hình thành xu hướng mới của thị trường chứng khoán. Nó có thể giúp nhà đầu tư sớm nhận ra một xu hướng trước khi các chỉ báo trong phân tích kỹ thuật chỉ ra”, bà Hương nói.