Biển Đông ngày 10/2. Đài Loan chở vật liệu ra Biển Đông. Theo ông Liao Jaw-chang, giám đốc xây dựng thuộc Cục Kỹ thuật đường cao tốc Đài Loan, đơn vị chịu trách nhiệm xây dựng trái phép cầu cảng, con tàu Trung Quốc nói trên chở 11 thùng lặn đến đảo Ba Bình vào ngày 24/1 và rời khỏi đảo vào ngày 28/1.
Giới chức Đài Loan nói rằng sự kiện này chưa từng có tiền lệ.
Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố chủ quyền đối với phần lớn Biển Đông, bác bỏ phần chủ quyền của các nước khác như Philippines, Việt Nam...
Tuy nhiên, theo giới quan sát, Bắc Kinh không mấy quan tâm việc Đài Loan xây dựng cầu cảng ở đảo Ba Bình. Đó là bởi Trung Quốc coi Đài Loan là một tỉnh của mình và không phản đối tỉnh đó củng cố lãnh thổ.
"Trung Quốc không quá quan tâm đến những gì Đài Loan làm trên đảo Ba Bình vì họ tin rằng một ngày nào đó họ sẽ kiểm soát được các đảo này. Trung Quốc có thể sống với điều này", Ian Storey, chuyên gia phân tích an ninh khu vực tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore cho biết.
Quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan được cải thiện đáng kể từ khi ông Mã Anh Cửu được bầu làm lãnh đạo hòn đảo vào năm 2008. Tuy nhiên, ông Storey không cho rằng động thái thuê tàu hàng Trung Quốc nói trên sẽ mở ra một xu hướng mới trong quan hệ hợp tác giữa Đài Loan và Trung Quốc trên Biển Đông bởi Đài Loan có quan hệ an ninh chặt chẽ với Mỹ, trong khi đó ngày càng quyết đoán trong vấn đề Biển Đông.
Dù vậy, giới phân tích tin rằng, nếu xảy ra xung đột tại quần đảo Trường Sa, Trung Quốc sẽ bảo vệ đảo Ba Bình vì Bắc Kinh coi đó là giá trị chiến lược của mình.
Tập kết phương tiện hạng nặng
Thông tin Đài Loan xây dựng cầu cảng tại Ba Bình rộ lên từ năm 2014 khi vào tháng 6/2014, Đài Loan tập kết nhiều phương tiện cơ khí hạng nặng trên đảo Ba Bình.Với việc xây dựng cầu cảng trái phép, Đài Loan dự kiến biến đảo Ba Bình thành một căn cứ bảo vệ cho các tàu đánh cá nước sâu, tàu nghiên cứu hàng hải và tàu khai thác tài nguyên trong khu vực.
Đảo Ba Bình có diện tích gần 0,5km2, là đảo lớn nhất trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Đảo có tầm quan trọng đặc biệt bởi nơi đây có đường băng cho máy bay và nguồn nước ngọt tự cấp.
Đài Loan chiếm giữ trái phép hòn đảo vào năm 1946 sau khi Nhật Bản dùng nơi này làm căn cứ tàu ngầm trong Thế chiến II. Đài Loan thường xuyên triển khai binh sĩ, vũ trang trên đảo và có nhiều hành động nhằm thay đổi hiện trạng khu vực.
Năm 2013, Đài Loan đã chuyển nhiều súng cối tầm xa và pháo binh tới hòn đảo này, sau đó tổ chức đợt tập trận bắn đạn thật đầu tiên trên đảo, vi phạm trắng trợn chủ quyền của Việt Nam đối với đảo Ba Bình.
Việt Nam đã nhiều lần phản đối các hành vi xâm phạm chủ quyền từ phía Đài Loan đối với quần đảo Trường Sa, yêu cầu Đài Loan ngừng các hoạt động xây dựng trái phép cũng như không làm phức tạp thêm tình hình Biển Đông